Tỉnh Gia Lai hiện có 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46% chủ yếu là người Bahnar và Jrai.

Các dân tộc bản địa ở Gia Lai ngoài có giá trị văn hóa truyền thống quý báu vẫn còn nhiều tập quán, hủ tục lạc hậu cản trở sự phát triển về văn hóa, xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em.

Thời gian qua các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ ở Gia Lai đã có nhiều giải pháp khác nhau để tuyên truyền, vận động hội viên xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, hội đã vận dụng nhiều biện pháp phù hợp nền văn hóa mẫu hệ để tuyên truyền cho chị em phụ nữ. 

Những hủ tục trong đám cưới, đám ma của người Bahnar và Jrai khá rườm rà, ăn uống kéo dài khiến người dân không thể đi làm nương rẫy, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, nhiều gia chủ lâm vào cảnh nợ nần.

Vì vậy, việc thay đổi nếp nghĩ cách làm cho người dân tộc thiểu số trong các hoạt động ma chay, cưới hỏi là vô cùng quan trọng, cần tới vai trò của hội phụ nữ. 

370207125 745562264075516 4056565787334232014 n.jpg
Gia Lai có nhiều hoạt động tuyên truyền xóa bỏ hủ tục. (Ảnh minh họa: Phương Anh)

Nhiều hội phụ nữ địa phương đã phát động phong trào xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi như thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ nói không với ma chay, cưới hỏi dài ngày" tại vùng dân tộc thiểu số.

Với cách thức tuyên tuyền linh hoạt, đa dạng, đến nay hội viên phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng đều có sự thay đổi. 

Chị Siu Thoi – Chủ tịch câu lạc bộ "Phụ nữ nói không với ma chay, cưới hỏi dài ngày" (thôn La Kén 2, xã La Mơ Nông, huyện Chư Păh) chia sẻ, sau nhiều năm kiên trì vận động hội viên phụ nữ thay đổi, hiện nay tại nơi chị sinh sống không còn cảnh tổ chức may chay kéo dài cả tuần.

Chị em phụ nữ cũng hỗ trợ công việc cho nhau. Ví dụ, nếu một gia đình có người qua đời thì mọi người qua thăm hỏi, động viên giúp đỡ các công việc. Gia đình nào khó khăn được chia sẻ thêm các thực phẩm gạo, rau, gà để làm cơm cúng. 

Theo chị Thoi, trước đây, mỗi khi có ma chay, cưới hỏi, bà con tập trung ăn uống kéo dài cả tuần. Hiện tại, họ chỉ mừng cưới, góp cúng tang cho gia chủ như chia sẻ gạo, gà, vịt. Thời gian tổ chức ma chay, cưới hỏi chỉ còn 1, 2 ngày.

Ngoài hủ tục trong tổ chức ma chay, cưới hỏi, trước đây nạn tảo hôn trong các dân tộc thiểu số ở Gia Lai cũng rất phức tạp nhưng đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Các câu lạc bộ "Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" được thành lập đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân.

Tháng 4/2023, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Sê đã thành lập câu lạc bộ nữ thanh niên đặc thù thu hút hơn 30 phụ nữ là thanh niên tham gia tuyên truyền về nạn tảo hôn, vận động các cặp đôi bỏ ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi.

Các thành viên câu lạc bộ sẽ tuyên truyền cho các gia đình có ý định cho con cái lấy chồng sớm để họ hiểu tác hại của tảo hôn tới sức khỏe, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai đã có nhiều chương trình, mô hình chị em phụ nữ dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục, vươn lên thoát nghèo. Các cấp hội đã tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan tới phụ nữ. Đến nay, Gia Lai có 430 câu lạc bộ với sự tham gia của 15.000 hội viên phụ nữ. 

Ngoài tham gia thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh còn thực hiện Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 179 tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn làng khó khăn, thu hút gần 1.700 thành viên tham gia.

Từ năm 2022 đến nay các cấp hội vận động hơn 70 cặp có ý định kết hôn cận huyết thống, khi chưa đủ tuổi. Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, phấn đấu mục tiêu phát triển bền vững trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. 

Phương Anh