Lời Tòa soạn:

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 khóa 12 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh không là người địa phương.

Đến nay, số bí thư cấp tỉnh không là người địa phương ngày càng nhiều, được lựa chọn kỹ lưỡng và chất lượng. Việc này đã mang đến luồng gió mới, góp phần đổi mới và tạo nhiều chuyển biến cho địa phương. 

Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay có “bóng dáng” đậm nét của nhiều bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. Đồng thời, nhiều cán bộ qua luân chuyển về địa phương đã trưởng thành và trở về giữ chức vụ quan trọng ở Trung ương.

Qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một số bí thư tỉnh ủy được luân chuyển thời gian qua, VietNamNet khái quát lại kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện chủ trương “bí thư không là người địa phương”.

 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải dành cho VietNamNet cuộc trò chuyện với nhiều trải nghiệm của một “nữ Bí thư Tỉnh ủy không là người địa phương”.

Gần 4 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, bà có thể chia sẻ đôi điều suy nghĩ của một Bí thư Tỉnh ủy không là người địa phương?

Trước tiên phải nói, với trải nghiệm của bản thân từ một cán bộ công tác nhiều năm ở các cơ quan của Trung ương về công tác tại địa phương gần 4 năm qua, tôi thấy hết sức thấm thía về tính cần thiết, tính hiệu quả của chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ nói chung và việc bố trí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương nói riêng.

Có thể khẳng định đây là một chủ trương hết sức quan trọng, đúng đắn, đặc biệt nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân và toàn xã hội.

Việc này cũng nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 26/2018, Trung ương 7 khóa 12 “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Qua việc thực hiện chủ trương này đã góp phần tạo sự đổi mới mang tính đột phá, bứt phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới ở từng địa phương. Đồng thời cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện bản lĩnh, năng lực, phẩm chất, đặc biệt là trang bị những kinh nghiệm thực tiễn dồi dào, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu trước những khó khăn thử thách cho đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ cấp chiến lược nói riêng.

Ngày 20/5/2020, tôi được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020 và tái đắc cử sau đó tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kể từ giờ phút đó, tôi luôn ý thức được rằng, đây là vinh dự to lớn nhưng cũng là trọng trách hết sức lớn lao trước Đảng, trước đồng bào và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ với mình rằng sẽ toàn tâm, toàn ý với Thái Nguyên thân yêu kể từ đây.

Có thể khẳng định rằng, tại thời điểm năm 2020, Thái Nguyên đã có một vị thế vững vàng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng và của cả nước, đã thu hút được những nhà đầu tư FDI rất lớn như Samsung, đã có một hệ thống giao thông khá tốt và thuận lợi, hệ thống giáo dục, y tế đồng bộ,…

Đây là thành quả của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh trong suốt nhiều năm đã vun đắp mà chúng tôi - những cán bộ lãnh đạo của nhiệm kỳ này- may mắn được kế thừa.

Nhiệm vụ của tôi và tập thể thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy là tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí để cùng phát huy hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh, những thành quả của các thế hệ đi trước để lại, cùng đưa Thái Nguyên ngày càng phát triển lên một tầm cao mới.

Vậy Bí thư Nguyễn Thanh Hải bây giờ như thế nào so với cách đây gần 4 năm, thưa bà?

Tôi so với trước đây gần 4 năm thì vẫn vậy thôi, vẫn nhiệt huyết, khát vọng cống hiến nhưng có thể nói là tôi đã trưởng thành, cứng cỏi, rắn rỏi hơn rất nhiều (cười).

Có thể nói, thấm thoắt gần 4 năm đã trôi qua, với sự yêu thương, đùm bọc, cảm thông, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên dành cho một nữ Bí thư Tỉnh ủy xa nhà; với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, học hỏi, lắng nghe, tôi cùng tập thể lãnh đạo tỉnh đã đoàn kết một lòng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ được giao.

Đến nay, chúng tôi đã gặt hái được một số kết quả rất đáng khích lệ trong phát triển kinh tế xã hội thời gian qua.

Người xưa có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mà tôi đã được về với Thái Nguyên, lăn lộn với thực tiễn ở cơ sở gần 4 năm rồi thì chắc sẽ học được không biết bao nhiêu là ‘sàng khôn’ như người xưa đã ví (cười).

Nói thế để thấy tôi đã học được và tích lũy được cho mình khá nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, những bài học cực kỳ quý báu mà không một trường lớp nào dạy hết được.

Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Bộ Chính trị, với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao trọng trách cho tôi về công tác tại Thái Nguyên.

Nhờ vậy, tôi có điều kiện nắm bắt tình hình cơ sở, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, điều hành. Việc sâu sát, gắn bó, lăn lộn với cơ sở đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều.

Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội lại được về công tác tại Thủ đô Kháng chiến, Thủ đô “Gió ngàn” năm xưa, tôi thấy mình thực sự có duyên với mảnh đất cách mạng này.

Một cách tự nhiên, không biết tự bao giờ tôi đã luôn nghĩ mình là một người con của Thái Nguyên và sẽ nỗ lực cống hiến cùng tập thể lãnh đạo tỉnh và đồng bào nhân dân các dân tộc trong tỉnh vì một Thái Nguyên luôn “bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển”, xây dựng nơi đây sớm trở thành một trung tâm kinh tế - công nghiệp lớn, hiện đại không những của vùng Trung du miền núi phía Bắc mà còn của vùng Thủ đô vào năm 2030.

Theo bà, cái khó của một Bí thư Tỉnh ủy không là người địa phương là gì?

Theo tôi, Bí thư Tỉnh ủy không là người địa phương vừa có cái khó nhưng cũng có những cái dễ.

Tôi cho rằng, cái gì mới cũng đều chứa đựng cả cơ hội, tiềm năng và rủi ro, thách thức tiềm ẩn. Trước khi về công tác ở địa phương, tôi công tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xây dựng pháp luật,…

Khi về công tác tại Thái Nguyên, một lĩnh vực công tác rất mới, toàn diện tổng quát, lãnh đạo chỉ đạo toàn bộ các lĩnh vực của một địa phương trong khi mình chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn thì chắc hẳn ai cũng lo lắng.

Là cán bộ từ Trung ương về địa phương không chỉ riêng tôi mà có lẽ nhiều đồng chí khác cũng cần có thời gian để tìm hiểu cơ sở, nắm được những thuận lợi và đặc biệt là những khó khăn, thách thức, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho địa phương cần tháo gỡ.

Ngoài ra, đi cơ sở nhiều đã giúp tôi thấu hiểu được tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ và những kỳ vọng, mong mỏi của người dân địa phương. Từ đó, tôi cùng lãnh đạo tỉnh đề ra phương hướng để giải quyết những vấn đề chung cũng như các giải pháp để giải quyết những vụ việc, vấn đề cụ thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, chưa hiểu hết được các vấn đề của từng địa bàn, cơ sở, tôi thấy mình cũng có những điều khá thuận lợi.

Đó là những tích lũy, kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, về tập hợp, giám sát việc giải quyết các tâm tư nguyện vọng của cử tri toàn quốc ở mọi lĩnh vực, trong suốt thời gian 2 nhiệm kỳ tôi công tác ở Quốc hội (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Trưởng Ban Dân nguyện) trong đó có gần 1 nhiệm kỳ là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  

Chính vì vậy, với kinh nghiệm đã tích lũy, khi về công tác tại Thái Nguyên, tôi đã rất quan tâm và tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân. Tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, hồ sơ, đơn thư của công dân trước khi tiếp; ứng dụng chuyển đổi số, số hóa các tài liệu, hình ảnh…

Trước mỗi vụ việc, tôi đều tổ chức họp lắng nghe ý kiến tham mưu của tổ giúp việc, của các cơ quan chức năng, chuyên môn về phương án giải quyết, xử lý dứt điểm vụ việc trước mỗi lần tiếp công dân.

Việc trực tiếp tiếp công dân đều đặn hàng tháng cho tôi thấy, đây là công việc rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn đó là công tác chuẩn bị trước khi tiếp công dân. Nếu chuẩn bị tốt thì chất lượng tiếp công dân sẽ được nâng cao rất nhiều và nhiều vụ việc sẽ được giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật và nhận được sự đồng thuận của người dân.

Gần 4 năm qua, tôi đã tiếp công dân đến nay được 44 buổi với 44 vụ việc khác nhau, đến nay đã có 39 vụ việc được giải quyết xong, còn 5 vụ việc đang trong thời hạn giải quyết đến 31/12/2023.

Với tôi, mỗi ngày tiếp công dân mỗi tháng, thường là một ngày tôi cảm thấy rất vui vì có một sự việc (nhiều khi đã kéo dài hàng chục năm) đến nay đã được giải quyết dứt điểm và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Việc nâng cao chất lượng tiếp công dân từ người đứng đầu cũng có tác động lan tỏa mạnh mẽ tới các cấp các ngành trong tỉnh. Và do đó nhiều vụ việc đã được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, người dân không phải tiếp tục chờ đợi và gửi đơn lên cấp trên.

Tôi hiểu rằng nếu nguyện vọng của người dân được giải quyết thấu đáo sẽ có tác dụng lớn trong việc gây dựng niềm tin của người dân đối với Đảng, với Chính phủ và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của tỉnh. Và khi có được niềm tin là có tất cả.

Từ thực tiễn lãnh đạo, điều hành ở địa phương, bà đúc kết được điều gì để vượt qua được cái khó của một Bí thư không là người địa phương?

Có lẽ bài học “đoàn kết” mà cha ông ta đã dạy vẫn là trên hết. Sự đồng lòng nhất trí, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và sự bổ trợ cho nhau trong tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn là bài học không thể thiếu.

Đồng thời với đó là phát huy vai trò của người đứng đầu, tuân thủ tuyệt đối các chủ trương, nguyên tắc, quy định của Đảng là bài học sâu sắc nhất với tôi trong suốt thời gian công tác tại địa phương.

Theo tôi, trước hết dù ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu không có một tập thể đoàn kết, dám đổi mới, sáng tạo, có khát vọng phát triển, dám đương đầu trước những vấn đề mới, khó; nếu không có sự chung sức đồng lòng của các doanh nghiệp và niềm tin của người dân trong tỉnh thì tôi và tập thể lãnh đạo tỉnh cũng như Thái Nguyên khó có thể gặt hái được một số thành tựu như vừa qua.

Ngoài ra, tôi cũng luôn tâm niệm rằng: “Công việc càng khó, càng phức tạp thì lãnh đạo, chỉ đạo càng phải công khai, minh bạch và tập trung mọi nguồn lực hợp pháp để quyết tâm thực hiện”; “Chủ trương đúng - Đồng thuận cao - Hành động quyết liệt” thì chắc chắn mọi việc sẽ đạt được kết quả khả quan nhất. 

Khi giải quyết, xử lý công việc phải luôn nhiệt huyết, phải “nóng” nhưng tuyệt đối không được “vội”; mọi việc phải được triển khai “nhanh” nhưng tuyệt đối không được “ẩu”; và phải luôn “chủ động" trước mọi tình huống nhưng tuyệt đối không được “chủ quan” .

Nhờ vậy mà tôi thấy, dù cho công việc có khó khăn đến đâu, tôi cùng với tập thể lãnh đạo tỉnh cũng quyết tâm cố gắng, đồng lòng nhất trí tìm giải pháp và sẽ hoàn thành.

Trong những năm trải nghiệm ở địa phương, điều gì bà tâm đắc nhất?

Như nhiều lần trò chuyện cùng báo VietNamNet, điều mà tôi chọn lựa và tâm đắc nhất khi về Thái Nguyên đó là công tác chuyển đổi số.

Thái Nguyên đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để giúp hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế, là cơ hội tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển.

Chính vì vậy, Thái Nguyên đã khá nhanh nhạy, và có sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số trong cả 3 lĩnh vực, kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Việc đi trước đón đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số là một trong những giải pháp giúp Thái Nguyên thực hiện được giấc mơ là cực tăng trưởng, là trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại không chỉ của vùng Trung du miền núi phía Bắc mà còn là của vùng Thủ đô vào năm 2030.

Và đến nay, thật vui mừng khi Thái Nguyên trở thành một trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư mới và tiếp tục mở rộng đầu tư thêm vào tỉnh cũng là một trong những dấu ấn của Thái Nguyên trong thời gian qua, tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên liên tục lọt top 5 toàn quốc.

Công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ tới nay, năm sau đều cao hơn năm trước và đạt cao nhất từ trước tới nay.

Đây là cơ sở giúp chúng tôi có điều kiện để chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội khác.

Chúng tôi cũng có điều kiện tài chính để thực hiện nhiều dự án đầu tư công nổi bật là dự án đầu tư xây dựng con đường liên vùng nối liền “Bắc Giang – Vĩnh Phúc – Thái Nguyên” (khởi công năm 2022 dự kiến hoàn thành tháng 9/2024) và nhiều con đường tỉnh, đường huyện, đường xã được tập trung đầu tư,…

Việc Thị xã Phổ Yên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trở thành thành phố trực thuộc tỉnh sớm gần 3 năm so với chỉ tiêu đặt ra và trở thành một cực tăng trưởng mới quan trọng của tỉnh góp phần không nhỏ vào các kết quả tăng trưởng của tỉnh thời gian qua cũng có thể nói là một điểm nhấn trong các kết quả đạt được của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua.

Vậy còn điều gì khiến bà trăn trở, ấp ủ muốn thực hiện trong thời gian tới?

Tôi vẫn còn có rất nhiều điều trăn trở, chẳng hạn như trong lĩnh vực du lịch, Thái Nguyên chúng tôi đẹp lắm, như nhà thơ Nguyễn Thìn đã miêu tả:

“Anh đến quê em một lần thôi

Quê em đất Thái đẹp tuyệt vời

Núi non hùng vĩ bao thơ mộng

Vẻ đẹp nên thơ chẳng muốn dời”.

Thái Nguyên chúng tôi có hàng trăm di tích lịch sử, và đặc biệt còn nổi tiếng vì có Hồ Núi Cốc đã từng được ví như Vịnh Hạ Long “trên cạn”, nhưng hiện nay việc đầu tư, thu hút đầu tư và khách du lịch đến với Thái Nguyên vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Hay như Thái Nguyên nổi tiếng nhất về trà, có tổng diện tích trồng trà là 22 nghìn ha lớn nhất toàn quốc, nhưng tổng thu từ cây trà hiện nay ước mới đạt khoảng trên 11 nghìn tỷ (gần 500 triệu USD).

Vì vậy, chúng tôi còn mong muốn phải nâng cao việc quản lý chất lượng, mẫu mã, đưa văn hóa, truyền thống thổi hồn vào từng chén trà Thái Nguyên để từng bước tăng dần giá trị gia tăng từ cây trà.

Tôi mơ ước, với tổng diện tích trồng trà như bây giờ, phấn đấu đến năm 2035 tổng thu từ cây trà của bà con tỉnh Thái Nguyên phải là 1 tỷ USD và “người Thái Nguyên sẽ làm giàu từ cây trà”.

Như vậy, để xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta như mong mỏi của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên năm 1964, tôi thấy còn rất nhiều việc phải triển khai kịp thời trong thời gian tới.

Thu Hằng (thực hiện)

Ảnh: Hoàng Hà

Thiết kế: Phạm Luyện