Sáng sớm, tiếng gõ cửa vội vã khiến chị Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, quận 12, TP.HCM) thức giấc. Trong lúc xỏ vội đôi dép, chị nghe rõ tiếng mọi người gọi tên mình.
Họ thông báo lại có người bỏ con trước cửa khách sạn của chị. Đứa bé còn đỏ hỏn được người mẹ đặt trong giỏ xách. Bên cạnh là lá thư với nét chữ ngây thơ bằng bút chì.
Thư có đoạn: “Gửi cô Hương-mẹ của các bé mái ấm Hoa Hồng. Con tự sinh bé nên không có giấy tờ gì cả… Con không đủ điều kiện để nuôi bé, chăm sóc bé. Xa bé, con cũng rất đau lòng.
Con biết, bé sống với cô sẽ tốt hơn sống với con. Cô như mẹ ruột của các bé ở mái ấm. Con xin gửi gắm bé cho cô. Con biết làm vậy là tội lớn lắm nhưng con không còn cách nào khác…
Con nợ cô, nợ bé. Con sẽ cố gắng kiếm tiền, đủ kinh tế để đón bé về sớm nhất. Con cảm ơn cô đã cưu mang, nuôi dạy bé trong khoảng thời gian này. Con biết ơn cô nhiều lắm…”.
Lướt vội lá thư, chị Hương ôm đứa bé vào lòng để ủ ấm rồi nhấc máy gọi cơ quan chức năng đến lập biên bản, làm thủ tục nhận nuôi.
Nhìn đứa bé đỏ hỏn, nằm yên trong vòng tay mình, chị lại nhớ ngày nhặt được con trong bãi rác cách đây hơn 30 năm.
Năm ấy, Hương vừa tròn 16 tuổi và cũng vừa rời Đồng Nai lên TP.HCM tìm việc làm. Đất khách quê người, Hương không xin được việc, không có chỗ trú thân.
Quyết không trở về Đồng Nai làm gánh nặng cho người chú ruột nghèo khó, nheo nhóc con, Hương lang thang ra công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM). Tại đây, ban ngày Hương đi nhặt ve chai, tối lại về công viên ngủ.
Nhưng công viên vốn là “nhà” của trẻ bụi đời, người nghiện, ăn xin... Họ không chào đón Hương mà còn ném về phía cô ánh mắt xua đuổi.
Để bảo vệ mình, Hương tìm vào sống trong một nghĩa địa cũ trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp. Đêm nằm trên những nấm mồ ốp đá hoa cương lạnh ngắt, Hương khóc cạn nước mắt mơ về căn phòng nhỏ có mái che mưa.
Sau một năm “ngày nhặt ve chai, đêm ngủ nghĩa địa”, Hương cũng tích góp được một ít tiền để có thể thuê cho mình căn phòng trọ tồi tàn. Nhưng cũng chính lúc ấy, chị bất ngờ trở thành mẹ đơn thân theo cách khó ai ngờ nhất.
Hương nhặt đứa bé bị bỏ rơi ở bãi rác về nuôi, yêu thương như con đẻ. Chị kể: “Năm đầu tiên thuê được phòng trọ, tôi đã nhặt, nhận nuôi 2 sơ sinh. Bé đầu tiên bị cha mẹ bỏ ở bãi rác. Tôi đi nhặt ve chai thì vô tình phát hiện nên bế về nuôi.
Ba tháng sau, nữ sinh viên trót mang thai ngoài ý muốn thuê trọ gần chỗ tôi trở dạ sinh con nhưng không có kinh tế, người thân bên cạnh.
Thấy vậy, tôi đưa cô ấy đến bệnh viện Từ Dũ sinh. Sinh xong, cô ấy trốn mất. Tôi thương đứa bé không có cha mẹ nên vét hết tiền thanh toán viện phí rồi giữ bé lại nuôi. Lúc đó, tôi mới hơn 16 tuổi một chút”.
Chưa một lần sinh nở, bỗng dưng có con mọn, Hương quay cuồng trong khó khăn chất chồng. Để có sữa cho các bé, Hương tìm những bà mẹ đang nuôi con xin sữa. Người nào nhiều sữa, thừa sữa, chị xin cho “các con” của mình bú nhờ.
Hằng ngày, chị đợi các nữ sinh viên tan học về để nhờ họ giúp mình chăm 2 bé rồi mới đi nhặt ve chai kiếm sống. Sau đó, Hương nhận ra rằng, thu nhập từ công việc nhặt ve chai không đủ để nuôi thân và 2 đứa con.
Chị đánh liều ra vỉa hè ngồi bán đủ mặt hàng lặt vặt. Khéo ăn nói lại có duyên bán hàng, tiệm ăn vặt vỉa hè của Hương đông khách. Có vốn, chị chịu cực mở quán nhậu vỉa hè xuyên đêm.
Áp lực cơm áo cùng tình thương yêu 2 đứa bé bất hạnh khiến Hương làm việc quên ăn quên ngủ. Ít năm sau, công việc kinh doanh ổn định, chị mở thêm quán nhậu lớn hơn rồi đầu tư kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…
Suốt trong thời gian làm kinh tế, chị Hương vẫn liên tục nhận nuôi trẻ mồ côi, bị bỏ rơi. Chị nhận nuôi nhiều đến nỗi tự thấy mình có duyên nợ với những đứa bé bất hạnh.
Chị tâm sự: “Tôi cảm thấy mình như có duyên nợ với những đứa bé bất hạnh. Suốt hơn 30 năm qua, tôi liên tục phát hiện và nhặt các bé bị bỏ rơi về nuôi.
Có bé bị cha mẹ bỏ, người ta phát hiện rồi gọi cho tôi đến nhận, có bé bị đem đến bỏ trước cửa quán tôi. Có bé lại được bố mẹ trực tiếp gửi cho tôi vì không có điều kiện nuôi”.
“Một số khác là con của những bạn nữ có thai ngoài ý muốn được tôi hỗ trợ. Sinh xong, các bạn ấy không thể nuôi hoặc muốn giấu gia đình nên gửi lại con cho tôi nuôi.
Việc nhận nuôi các con, tôi đều có giấy tờ hợp pháp. Tất cả các bé tạm thời đều mang họ tôi và gọi tôi là mẹ”, chị chia sẻ thêm.
Hai bé đầu tiên chị Hương nhận nuôi nay đã trưởng thành, ngoài 30 tuổi và ra nước ngoài sinh sống. Từ đó đến nay, chị không nhớ nổi mình đã nhận và nuôi bao nhiêu trẻ mồ côi, bị bỏ rơi.
Thêm việc hỗ trợ kinh tế hàng tháng cho những đứa trẻ có ba mẹ khờ, khuyết tật, gia đình khó khăn, hơn 30 năm qua, chị đã cưu mang, trở thành mẹ của cả trăm đứa trẻ.
Không chỉ nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, hỗ trợ các bé trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Hương bắt đầu cưu mang những mảnh đời khổ hơn mình từ lúc còn rất trẻ.
Thời điểm còn bán quán vỉa hè, chị chứng kiến cảnh khổ của nhiều người lang thang, không giấy tờ, không tiền bạc.
Mỗi lúc như vậy, chị như lại thấy hoàn cảnh của mình ngày trước nên không đành lòng “nhắm mắt, quay đi chỗ khác”. Chị đưa họ về quán cho ăn uống, tắm rửa, ngủ nghỉ.
Chị tâm sự: “Những năm 80, 90, tôi rất khổ vì bản thân không có giấy tờ tùy thân lại còn nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, mẹ bầu mang thai ngoài ý muốn, hỗ trợ người vô gia cư.
Thế nên, tôi không chỉ gặp rắc rối với các cơ quan chức năng mà còn bị nhiều chủ nhà từ chối cho thuê phòng, nhà ở. Sau này, khi làm ăn được, tôi mới về quê Bắc Giang để làm lại giấy tờ. Lúc đó, tôi mới dễ dàng hơn trong việc giúp đỡ mọi người”.
Lâu dần, một số khách sạn của chị đang kinh doanh bỗng nhiên trở thành mái ấm của trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, nơi chăm sóc mẹ bầu mang thai ngoài ý muốn, người khuyết tật, người già neo đơn.
Công việc thiện nguyện, tấm lòng của “mẹ Hương” lan rộng. Khách sạn dần trở thành nơi gửi gắm những đứa bé bất hạnh, nhà của người khó khăn…
Không muốn những người được mình cưu mang khổ thêm, chị dành hết tâm sức chăm lo. Chị vùi mình trong những công việc thiện nguyện đến độ quên luôn việc phải lấy chồng, xây dựng hạnh phúc riêng.
Chị bộc bạch: “Ai cũng mong cầu hạnh phúc, có gia đình, cuộc sống riêng. Tôi cũng vậy thôi. Nhưng nếu lập gia đình, tôi sẽ không thể nào toàn tâm, toàn ý lo cho các con và những người đang cưu mang.
Đã thương các con, thương mọi người thì phải thương cho trót. Thế là tôi quyết không lấy chồng để có thể chăm lo tốt nhất cho các con, những người đã nhận lời giúp đỡ”.
Nhiều năm trước, chị Hương nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi với lý do “nuôi để chờ cha mẹ các bé hối hận, thương con quay lại đón con về”. Nghĩ như thế nên chị chưa bao giờ cảm thấy khổ cực khi nuôi các bé.
Tuy vậy, suốt chừng ấy năm, số trẻ bị ba mẹ bỏ rơi có người đến nhận lại vô cùng hiếm hoi. Thậm chí chị còn nhận được nhiều cuộc gọi thông báo có trẻ bị bỏ rơi hơn.
Thương những đứa bé bất hạnh, chị quyết tìm cách bù đắp cho “các con” bằng cách chuyển đổi khách sạn đang kinh doanh thành mái ấm Hoa Hồng.
Hiện nay, mái ấm Hoa Hồng đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 100 bé bị bỏ rơi, mồ côi từ sơ sinh đến 13-14 tuổi. Các bé đều được chị làm giấy khai sinh mang họ của mình.
Tại đây, các bé sơ sinh có bảo mẫu chăm sóc chu đáo trong những căn phòng khách sạn sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Các bé lớn hơn có phòng riêng, được ăn thức ăn sạch do chính chị liên hệ, đặt mua với những nguồn cung cấp thực phẩm đạt chất lượng.
Các bé đủ tuổi đi học, chị Hương phân công người đưa đón các em đến trường bằng ô tô riêng. Chị cũng mời học sinh, sinh viên… đến mái ấm chơi với các em để “các con không cảm thấy cô đơn, mặc cảm”.
Để duy trì các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là công tác chăm sóc, nuôi gần 100 trẻ bị bỏ rơi tại mái ấm, chị đã bán biệt thự, xe ô tô riêng lấy kinh phí.
Tuy vẫn chồng chất khó khăn sau đại dịch nhưng chị chưa bao giờ có ý định tạm dừng những việc thiện đang làm. Ngược lại, chị còn lên kế hoạch xây dựng “mái ấm 5 sao” cho những đứa bé mình đã và đang nhận nuôi.
Chị chia sẻ: “Tôi có ước mơ xây dựng một mái ấm thật tiện nghi, hiện đại cho các bé. Tôi hay nói rằng sẽ biến khách sạn này thành mái ấm 5 sao.
Các phòng trong khách sạn đã đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, để biến nó trở thành phòng nuôi trẻ còn phải đầu tư thêm. Hiện, tôi đã lên kế hoạch và đang thực hiện để các bé được nuôi dưỡng, chăm sóc trong môi trường, điều kiện tốt nhất”.
Bài: Hà Nguyễn
Ảnh: Chí Hùng
Thiết kế: Phạm Luyện