NỮ SINH VIÊN VƯỢT GẦN 2.000KM ĐẾN ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀM 'LÍNH DU KÍCH'

Trong số 92 cô gái Khối nữ Du kích miền Nam luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phương Thảo là một sinh viên gây chú ý. Cô gái 21 tuổi phải xin nghỉ học 3 tháng để được một lần trải nghiệm đời lính.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5, thời tiết thành phố Điện Biên Phủ nắng như đổ lửa. Nơi đây sắp diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Niềm hân hoan, háo hức thể hiện trên gương mặt của mọi người dân địa phương lẫn khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Đúng ngày 7/5, lễ diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra tại sân vận động tỉnh và trên khắp nẻo đường trung tâm thành phố. 

Hòa chung không khí ấy, Phương Thảo cùng 91 cô gái khác từ TP.HCM bay ra Hà Nội rồi lên TP Điện Biên Phủ tham gia đội hình diễu binh, diễu hành. 

Họ là những cô gái có trình độ học vấn từ bậc THPT trở lên. Nhiều nữ du kích là công chức, viên chức hành chính, hay đang học đại học đã xung phong nộp đơn đăng ký, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tất cả đều chưa lập gia đình.

7h sáng, mặt trời lên cao, trời Điện Biên xanh ngắt không gợn mây. Tiếng còi hiệu vang lên, những cô gái đứng vào hàng ngay ngắn nghe các thầy huấn luyện hướng dẫn về buổi tập luyện. Thầy Lê Thanh Hải dùng loa, dõng dạc nói: Các em đã làm rất tốt trong suốt những tháng dài qua. Tôi biết, chúng ta không phải những binh sĩ chuyên nghiệp, lại là các bạn nữ nên sức khỏe hạn chế. Nhưng chỉ ngày mai, cả đội sẽ bước vào buổi tổng duyệt chương trình và tới ngày 7/5 là buổi diễu hành chính thức. Thời gian còn rất ít, tôi mong các em sẽ cố gắng, tập trung cao độ để việc tập luyện đạt kết quả như mong đợi.

Rõ!

Tiếng hô vang, dứt khoát đồng thanh cất lên, ngay sau đó những cô du kích nhỏ nhanh chóng bước vào buổi tập luyện.

Với những cô gái chưa một lần làm quen với môi trường quân đội, tập điều lệnh từ con số 0, việc huấn luyện cũng được thực hiện theo những "phương thức mới". Song song với những chỉ đạo nghiêm lệnh, các thầy cũng dành thời gian tâm sự, động viên những cô gái nhỏ để họ tiếp tục kiên cường tập luyện.

Phương Thảo là sinh viên năm 3, quê ở Hóc Môn, đang theo học tại một trường đại học ở TP.HCM. Bởi hay tham gia công tác đoàn đội ở trường, trước đó Thảo được bạn bè gửi cho mẫu đơn đăng ký lên đường đi Điện Biên Phủ làm du kích. Không ngần ngại, cô gái "nhỏ bé" quyết định tham gia luôn. "Mới đầu em cứ đăng ký bởi nghĩ đây là một sự kiện rất lớn. Nếu được đứng trong hàng ngũ diễu binh hẳn sẽ là trải nghiệm đáng nhớ của cuộc đời mình. Việc học thì rất quan trọng nhưng lễ diễu binh, diễu hành mừng chiến thắng này với em cơ hội thì chỉ có một lần. 10 năm trước thì em còn quá nhỏ, 10 năm sau thì em lại quá tuổi để tham dự. Vậy nên em không muốn bỏ lỡ", Phương Thảo tâm sự.

Nắng lớn, nhiều đồng đội phải sử dụng khẩu trang trong khi tập luyện. Thảo và một số người khác lại không cần tới bởi cô muốn quen với cái nắng, cái mệt trong những ngày rèn mình ở nơi đây.

Nữ sinh viên năm thứ 3 cũng kể lại, ngay khi nộp đơn đăng ký, cô đã lên kế hoạch cho việc học bù các môn để sau sự kiện trở về sẽ theo kịp với các bạn trong lớp.

"Mới đầu em còn lo không biết đơn bảo lưu có được phê duyệt không. Mà em vừa nộp, thầy cô liền duyệt ngay. Sau đó em mới biết Bộ Giáo dục đã ra công văn tạo điều kiện để tụi em lên đường tham gia nhiệm vụ. Thầy cô trong trường cũng động viên lắm nên em cũng yên tâm", Thảo chia sẻ.

Từ ngày 9/1 đến 16/3, toàn đội được đào tạo tại TP.HCM với tập điều lệnh, đội ngũ không súng và có súng theo từng cá nhân, theo nhóm, theo tổ, đội hình và khối đội hình. Sau đó luyện tập khớp nhạc với đội hình 1 hàng, 2 hàng, 3 hàng, 5 hàng ngang và hợp luyện cả khối; đồng thời tập trung vào chỉnh sửa chi tiết của tay, ánh mắt, khuôn mặt…

Giữa tháng 3, 92 cô gái bay từ TP.HCM ra Hà Nội hợp luyện cùng các khối diễu binh khác tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4. Đến cuối tháng 4 tất cả di chuyển lên TP Điện Biên Phủ.

Sự ấm áp cô gái 21 tuổi nhận được sau những giờ tập dài là tình cảm của người dân Điện Biên. Những gia đình, các em nhỏ luôn có mặt đứng xem cả đội tập luyện hàng giờ, có khi tặng nước uống, bánh trái... Xa nhà vài tháng, 92 cô gái cũng bởi vậy mà bớt nỗi nhớ gia đình. 

Sau ngày diễu binh, diễu hành 7/5, các cô sẽ được đi tham quan các di tích tại Điện Biên. Họ rủ nhau bớt lại phần sữa trong khẩu phần ăn của mình rồi xin phép các thầy và cán bộ quản lý để những hôm tới sẽ mang tặng cho các em nhỏ trong thôn bản. Nguyện vọng này ngay lập tức được các thầy đồng ý.

Tại khu ở, căn phòng nơi 8 cô gái trẻ sinh sống cũng luôn được giữ gọn gàng, sạch sẽ, thực hiện nếp sống không khác gì những binh sĩ chuyên nghiệp. Cả phòng cùng nhau quét dọn, lau rửa mỗi ngày. Mỗi khi dùng bữa trưa xong, họ sẽ phân công nhau tự rửa bát. Thời gian rảnh rỗi, các cô gái mỗi người một thú vui giải trí hoặc kiểm tra tư trang, gấp gọn đồ đạc.

"Hôm đầu tiên ở tập trung, các thầy đã gấp sẵn chăn màn. Hôm thứ hai, từng phòng đều có người lên hướng dẫn làm sao gấp cho đúng tác phong quân đội. Chỉ rất nhanh sau đó thôi, tụi em tự bảo nhau, mỗi khi rảnh lại mang chăn màn ra tự gấp làm sao cho thật vuông vức, dần thành quen", Thảo kể lại.

Vì thay đổi thời tiết, những ngày đầu ra Hà Nội, Phương Thảo và nhiều đồng đội bị cảm cúm. Được các thầy cô và đội ngũ y tế quan tâm chăm sóc, rất nhanh sau đó các cô đã làm quen với thời tiết và cường độ tập luyện. Chế độ dinh dưỡng của các nữ du kích tập sự này cũng được đảm bảo tuyệt đối và chú trọng.

Còn về phần gia đình, ba mẹ Thảo hết sức tán thành con gái lên đường. Mẹ Thảo có phần lo lắng hơn vì biết tham gia tập luyện sẽ rất vất vả nhưng vì biết tính con gái đã nói là làm, bà cũng xuôi lòng ủng hộ.

Lần này tham gia đã có thêm nhiều kinh nghiệm, Thảo mong chờ vào những đợt diễu binh sau này. Nếu được, cô gái nhỏ sẽ tiếp tục đăng ký lên đường. "Em thấy tự hào vì được tham gia diễu binh lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và hạnh phúc khi được gia đình mình ủng hộ hết lòng. Như vậy là quá trọn vẹn với em rồi", nữ sinh viên bày tỏ.