“Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin: Kinh tế, quốc phòng và chính sách đối ngoại” (Putin’s Russia: Economy, Defence and Foreign Policy) là một cuốn sách chuyên khảo rất cập nhật.

Dưới sự chủ biên của Steven Rosefielde, giáo sư kinh tế học so sánh tại Đại học North Carolina có thâm niên nghiên cứu sâu về Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay, cuốn sách là tập hợp các bài nghiên cứu chuyên sâu về ba khía cạnh quan trọng của nước Nga đương đại là kinh tế, quốc phòng và chính trị, trong đó phần chính trị đặt trọng tâm vào khía cạnh đối ngoại.
Phần thứ nhất của cuốn sách gồm 6 chương được dành để phân tích về nền kinh tế Liên bang Nga trong thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin.

Chương 1 “Nền kinh tế Muscovite của Putin” do chủ biên Rosefielde viết tổng quan vắn tắt lại những đặc điểm “kiểu Nga” của nền kinh tế của quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Đây là một hệ thống kinh tế thị trường cạnh tranh không hoàn hảo với các đặc trưng như sự kiểm soát của Nhà nước cho phép Nga duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ, trong khi các đặc trưng nội tại của nền kinh tế Nga lại tạo ra khả năng chống cạnh tranh làm cản trở tăng trưởng kinh tế, làm cho các nhà sản xuất Nga gặp khó khăn trong tối đa hóa lợi nhuận, còn các cá nhân không thể tối đa hóa tiện ích người tiêu dùng. Những đặc điểm này được đi sâu phân tích qua các chủ đề về chi phí chống cạnh tranh của khu vực tư nhân, lợi ích của chuyển giao công, quản lý kinh tế vĩ mô cũng như tình hình phúc lợi tại Nga trong giai đoạn gần đây. Chương 1 cũng đánh giá về hiệu suất, tiềm năng, triển vọng, nguồn tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Nga cũng như những nguy cơ sai lầm có thể gặp phải khi phân tích, dự đoán triển vọng của nền kinh tế này.

Chương 2 “Kinh tế vĩ mô của Nga – Cái nhìn sâu hơn về tăng trưởng, đầu tư và sự không chắc chắn”

Trước hết, chương này phân tích lịch sử tăng trưởng kinh tế của Liên bang Nga kể từ năm 1991 với hai xu hướng chính đối lập là sự suy thoái trong thập niên 1990 khi kinh tế Nga năm 1999 suy giảm đến 40% so với 1991 và giai đoạn tăng trưởng bắt đầu từ năm 2000, trùng hợp với thời điểm Putin trở thành Tổng thống Nga cũng như những nét đặc trưng cần chú ý đến khi nghiên cứu về tăng trưởng tại nước này. Tiếp đó, kinh tế vĩ mô của Nga được xem xét về các khoản đầu tư, các dòng vốn, các yếu tố quyết định lợi nhuận và biến động cũng như triển vọng.

Chương 3 “Đổi mới do nhà nước lãnh đạo và sự thích ứng không đồng đều tại Nga” phân tích các chiến lược đổi mới được chính quyền Nga triển khai và những kết quả chúng đem lại và tăng trưởng dài hạn của Nga theo ba tiêu chí: khía cạnh thể chế, tính kịp thời và sự phổ biến công nghệ để đối lại với nền tảng của xu hướng toàn cầu.