Lời tòa soạn:

Hiện, gần 100% giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương. Chủ trương này góp phần nâng cao bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Một trong những dấu ấn của chủ trương trên là Giám đốc Công an không phải người địa phương giải quyết các vụ án tồn đọng, phức tạp. Báo VietNamNet khởi đăng loạt bài về những chuyển biến tích cực tại địa phương khi thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương về việc sắp xếp cán bộ.

Sau hơn 23 năm công tác ở Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an), công an các tỉnh và là cán bộ chủ lực trong việc đấu tranh với các đối tượng chống phá ở Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, ngày 1/7/2022, Đại tá Nguyễn Hồng Phong được điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Phong nhớ như in từng ngày, từng tháng khi đặt chân đến làm nhiệm vụ ở địa bàn mà theo cách gọi của vị Đại tá là “lạ mà quen”. Bởi, ông từng có 3 năm làm Tổ phó Tổ công tác của Bộ Công an công tác tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình khi xảy ra các vụ việc phức tạp do sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra. 

1 năm, 1 tháng, 18 ngày đã qua ở Hà Tĩnh, vị Đại tá quê Phú Thọ tâm sự: “Người Hà Tĩnh thẳng thắn, chân thành và cũng rất quyết liệt, không xuôi chiều. Cũng vì thế, những ngày đầu về nhận nhiệm vụ tại Hà Tĩnh, người dân rất quan tâm, quan sát "để xem anh Tiến sĩ, Giám đốc trẻ mần ăn ra răng”.

Đại tá Phong cho biết thêm, chính đức tính ấy tạo thuận lợi cho chúng tôi trong quá trình công tác và đó cũng là áp lực để không phụ sự tin tưởng của nhân dân.

Hơn một năm qua, Công an Hà Tĩnh với những thành tích xuất sắc đã được Bộ trưởng Công an viết thư khen, động viên và nhận được nhiều động viên của Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Đặc biệt, cá nhân Đại tá Nguyễn Hồng Phong được tặng Huân chương chiến công hạng Nhì; nhiều cá nhân được tặng Huân chương chiến công, Bằng khen của Thủ tướng và hàng trăm Bằng khen của Bộ trưởng Công an và Chủ tịch tỉnh.

Là cán bộ được điều động về Hà Tĩnh theo chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương khi lựa chọn người không phải ở địa phương, Đại tá Phong cho biết quyết định của Bộ Công an luôn đặt cán bộ đúng sở trường công tác.

“Việc giám đốc Công an không phải người địa phương được Bộ thực hiện không mang tính cơ học, máy móc mà có sự cẩn trọng, kỹ lưỡng và chặt chẽ về quy trình”, ông Phong chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, bản thân ông được tích lũy, học hỏi kinh nghiệm từ 63 tỉnh, thành phố khi giữ chức Cục phó An ninh nội địa nên khi nhận nhiệm vụ tại Hà Tĩnh ông đã mạnh dạn vận dụng những nét mới mang tính đột phá.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thạch Thảo

Về Hà Tĩnh, ông Phong cho biết mục tiêu số một của bản thân là lấy nhân dân làm trung tâm để phục vụ. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, cán bộ tiếp dân không có ngày nghỉ, bất cứ lúc nào người dân có nhu cầu hay bất cứ đâu có khiếu kiện thì công an đều phải có mặt sớm nhất.

“Giám đốc Công an tỉnh và trưởng các đơn vị cấp huyện, xã đều công khai số điện thoại cá nhân tại các trụ sở xã, phường. Khi người dân có phản ánh sẽ trực tiếp liên hệ”, ông Phong nói.

Theo Đại tá Phong, trong thời gian đầu công khai số điện thoại cá nhân, điện thoại của ông tiếp nhận từ 50-70 tin nhắn phản ánh mỗi ngày. Số lượng tin nhắn nhiều, bên cạnh sự tin tưởng của nhân dân với Giám đốc Công an tỉnh thì cũng tạo sự băn khoăn.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong trong lần xuất kích trong đêm, tiếp xúc, ghi nhận ý kiến phản ánh của bà con về vụ vỡ hụi lớn tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào tháng 7/2023. 

“Tại sao người dân lại không gọi cho trưởng công an huyện, xã mà phải trực tiếp phản ánh vượt cấp? Vai trò của công an cơ sở ở đâu để người dân chưa gửi gắm niềm tin?”, ông Phong tự đặt câu hỏi và yêu cầu các đơn vị cấp dưới phải giải trình từng trường hợp cụ thể.

Với ông Phong, trong công việc cần được phân cấp, phân quyền rạch ròi. Ai chịu trách nhiệm nào mà không hoàn thành nhiệm vụ thì bắt buộc phải giải trình, để tránh lặp lại những sơ suất tương tự.

Cách làm nêu trên được Đại tá Nguyễn Hồng Phong gọi tên là phương pháp “truy ngược”. Với phương pháp trên, sau khoảng thời gian ngắn, lượng tin nhắn trực tiếp đến điện thoại ông Phong giảm đến 80-90%.

“Hiện tại, mỗi ngày tôi chỉ nhận khoảng 5 tin nhắn dân phản ánh, còn lại là biểu dương, khích lệ. Theo tôi đây là tín hiệu đáng mừng khi cán bộ ở cơ sở đã vào cuộc sát sao và nhân dân tin tưởng để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng”, Đại tá Phong nói.

Lực lượng Công an - Biên phòng phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên địa bàn.

Trong số hàng nghìn tin nhắn nhận được, Đại tá Phong nhớ mãi tin nhắn của một người mẹ cầu cứu khi con gái bị dụ dỗ và sắp sang bên kia biên giới.

“Đoạn tin nhắn rời rạc, không rõ ràng, nhưng linh tính mách bảo tôi rằng ở đây đang có vấn đề nên tôi đã chủ động gọi lại và được biết một bé gái đã bị dụ dỗ lên Lạng Sơn và sắp vượt biên sang nước bạn. Ngay lập tức, một tổ công tác đi trong đêm để giúp cháu gái trở về với gia đình”, Đại tá Phong kể.

Theo ông Phong, tất cả những gửi gắm của người dân, ông đều thận trọng tiếp nhận và chắt lọc. Kể câu chuyện trên, vị Đại tá cho rằng, nếu mình chủ quan, thì bé gái không biết bây giờ sẽ đi đâu về đâu.

Ngoài việc truy ngược, Đại tá Phong cho rằng, khi về nhận nhiệm vụ tại Hà Tĩnh ông đã yêu cầu các đơn vị tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết và rút ra những kinh nghiệm, bài học trong thực tiễn công tác. Việc này theo ông Phong là thời gian để cán bộ tĩnh lại suy xét, xem bản thân đang đứng ở đâu, việc gì chưa làm tốt, việc gì cần phát huy.

“Mỗi lần tiếp nhận các vụ việc, chúng tôi đều đặt ra hàng loạt các câu hỏi vì sao. Những câu hỏi nối tiếp nhau và những giải đáp, giả thiết được đưa ra giúp cho việc giải quyết vụ việc rành mạch, đi tận cùng của vấn đề”, ông Phong chia sẻ.

Nhắc đến Hà Tĩnh, Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho rằng, vấn đề an ninh tôn giáo luôn là vấn đề ông đặc biệt lưu tâm và dồn nhiều công sức để chỉ đạo các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Sau một năm, khi tự “sơ kết” lại, ông Phong thấy vui khi Hà Tĩnh hôm nay sau những cố gắng bền bỉ của nhiều thế hệ và các chủ thể cùng chung tay, vấn đề tôn giáo luôn được đảm bảo và đạt đến mức độ hòa hợp.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong trao đổi với Giám mục Nguyễn Anh Tuấn về tiện ích của Đề án 06 và phần mềm VNeID.

“Khi chúng tôi khởi công xây dựng trụ sở công an xã, rất nhiều thượng tọa, đại đức và linh mục, giáo dân đến động viên, quyên góp, hỗ trợ ngày công, gạch đá, xi măng, vật liệu xây dựng”, Đại tá Phong vui mừng chia sẻ về những hành động dù giản dị nhưng toát lên sự gắn kết, ấm áp giữa các tổ chức tôn giáo và lực lượng công an.

Theo ông Phong, khi Bộ Công an bố trí công an chính quy về xã, đây là lực lượng gần dân nhất ở cơ sở và ngoài những nhiệm vụ đặc thù thì việc gần dân, đồng hành và hỗ trợ nhân dân được ưu tiên. Đơn cử, khi các giáo dân xây nhà, lực lượng công an có mặt để hỗ trợ ngày công, về vật chất.

Thời gian qua, địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không để xảy ra bất cứ tình huống phức tạp về an ninh trật tự nào. Các buổi trao đổi, gặp gỡ giữa hai bên qua các kênh phản ánh chính thống giúp cho các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn được xử lý tận gốc.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong: "Thời gian qua, địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không để xảy ra bất cứ tình huống phức tạp về an ninh trật tự nào".

“Hà Tĩnh hôm nay rất yên bình, trong những dịp lễ trọng, cờ Tổ quốc tung bay tại các cơ sở tôn giáo. Ở đây mọi người chung sống hòa bình thông qua cách ứng xử chân thành, công việc được giải quyết thấu đáo”, Đại tá Phong nói.

Theo ông Phong, mỗi một sự việc manh nha xảy ra, các lực lượng đều dồn tất cả trí lực để giải mã nguồn cơn của vướng mắc là gì? Khi tìm được ra bản chất thì cũng là lúc nút thắt được tháo gỡ. Nguyên tắc giải quyết ở đây là đảm bảo hài hòa lợi ích, quyền lợi của mỗi bên.

Khi đề cập về phá án tham nhũng, Đại tá Nguyễn Hồng Phòng tâm sự: “Ở Hà Tĩnh, tôi được Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy động viên, khích lệ để hoàn thành các nội dung công việc”.

Theo ông Phong, ông có thuận lợi khi Chủ tịch tỉnh hiện nay là ông Võ Trọng Hải từng giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh nên giữa hai người có nhiều đồng cảm và chia sẻ các kinh nghiệm công tác.

Trong một năm, Cơ quan CSĐT các cấp đã khởi tố 10 vụ án, 38 bị can về các tội danh liên quan tham nhũng, chức vụ (trung bình hàng năm khởi tố 3 – 4 vụ án về tham nhũng, chức vụ). Nổi bật trong số đó có thể kể đến là vụ án nhận hối lộ, môi giới hối lộ liên quan đến làm thủ tục quyền sử dụng đất ở huyện Kỳ Anh. Vụ án xảy ra vào tháng 2/2023.

Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp lấy lời khai nghi phạm. 

Trong vụ án trên, hàng loạt cán bộ thuộc văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Sở TNMT tỉnh) bị khởi tố vì nhận tiền của người dân khi làm thủ tục hồ sơ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Một vụ án khác mà theo ông Phong cho biết là có “nhiều áp lực” là điều tra, khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.

Giai đoạn 2017-2019, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học, tổng giá trị hợp đồng hơn 250 tỷ đồng. Kết quả điều tra bước đầu xác định công tác thẩm định giá tài sản còn thiếu sót, gói thầu có giá cao bất thường so với giá nhập khẩu và giá bán của nhà phân phối, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. So sánh giá nhập khẩu và giá bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thì số tiền chênh lệch tại những gói mua sắm thiết bị giáo dục này lên đến hơn 60 tỷ đồng.

Nói về áp lực khi phá án tham nhũng và các vụ án khác, Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho rằng bản thân luôn đối mặt với các trường hợp đối tượng muốn ‘gặp gỡ’ để trình bày, thậm chí các đối tượng thông qua các mối quan hệ để xin tác động.

Đối mặt với tình huống ấy, Đại tá Phong cho biết bên cạnh việc phải bản lĩnh và vượt qua những cám dỗ vật chất tầm thường thì yếu tố nghiệp vụ cần được đề cao.

“Tôi tuyệt đối không tiếp khách ở phòng làm việc và nhà riêng. Khi các đối tượng liên hệ, tiếp xúc tôi đều yêu cầu có các bên liên quan cùng tham gia đúng quy định. Trường hợp chỉ có 2 người, bắt buộc tôi phải trang bị các công cụ tự giám sát. Vì câu chuyện tiếp xúc rất nhạy cảm, dễ bị đơm đặt sai sự thật”, Đại tá Phong chia sẻ và khẳng định, hơn một năm qua bản thân ông chưa bị một người dân nào khiếu nại.

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Phong, bên cạnh những thành tích về phòng chống ma túy, tội phạm trật tự xã hội và vượt biên, nhập cảnh trái phép, Công an Hà Tĩnh rất vui và tự hào khi về đích thứ 2 cả nước về cấp thẻ CCCD và top 5 đơn vị hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Theo ông Phong, thành tích trên là điểm sáng và là minh chứng rõ nét nhất của lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh những tháng đầu năm 2023. Đồng thời, để đạt được kết quả trên, Đại tá Phong cho rằng người dân đóng vai trò rất lớn khi ủng hộ, đồng hành cùng lực lượng công an khi triển khai cấp CCCD và kích hoạt định danh điện tử.

Công an Hà Tĩnh về đích thứ 2 cả nước về cấp thẻ CCCD và top 5 đơn vị hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Nói về bí quyết để đạt được kết quả trên, Đại tá Phong cho rằng bản thân lực lượng công an luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

“Chúng tôi kiên quyết loại bỏ bệnh thành tích, làm việc theo kiểu đối phó”, ông Phong nói.

Việc cấp CCCD và kích hoạt định danh điện tử là công cụ để phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Công an tỉnh đã mời trưởng công an, bí thư, chủ tịch tất cả các xã phường để thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng do Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an huyện điều hành.

“Hàng tuần các đơn vị cập nhật số liệu lên, từng đơn vị tự soi vào và biết mình đang ở đâu. Từ đó tạo phong trào hăng hái thi đua và đồng thời nhận diện cán bộ kém năng lực để chấn chỉnh, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thay thế nếu không đáp ứng được yêu cầu”, Đại tá Phong chia sẻ.

Lực lượng Công an tri ân những người có công trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Chia sẻ về niềm hạnh phúc của mình, Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết, ông rất vui mừng khi các nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đến nay 100% doanh trại, nơi ăn nghỉ của công an xã đã được xây dựng độc lập để cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác. 

Về phần mình, Đại tá Phong bày tỏ: “Bản thân tôi khi được điều động từ Bộ về thì trước hết là có không gian để làm việc, nhưng từng đó là chưa đủ khi yếu tố thời gian và thực tiễn công tác là yếu tố để kiểm chứng năng lực. Do đó, để quy tụ được anh em, trong công việc tôi luôn tự nhắc mình phải nêu gương, tạo môi trường làm việc văn minh, lành mạnh. Trong công việc phải rõ người, rõ việc và tuyệt đối, giám đốc không can thiệp và quyền hạn công việc của cấp dưới; với cấp phó phải phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch; dân chủ, lắng nghe trong điều hành, lãnh đạo”.

Thực hiện: Đoàn Bổng - Thiện Lương

Ảnh: Công an Hà Tĩnh - Thiết Kế: Thu Hằng