Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có diện tích trên 77.400 ha, dân số gần 51.000 người. Toàn huyện có trên 62.000 người DTTS, có 73 thôn, bản đặc biệt khó khăn nằm ở chủ yếu xã thuộc khu vực vùng III.

Với 90% dân số trên địa bàn sống bằng nghề nông, sau khi chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết kéo dài, khả năng tái nghèo ở nhiều hộ nông dân là khá cao, đòi hỏi các cấp, các ngành của huyện Quang Bình có giải pháp kịp thời đồng hành với người dân xoá đói giảm nghèo một cách bền vững.

Trải qua 20 năm thành lập và phát triển, với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn và phát triển toàn diện về kinh tế xã hội.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào cuộc sống là đòn bẩy, khích lệ người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, tiến tới làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Được coi là vùng nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, những mô hình phát triển sản xuất đã tạo sinh kế, tăng thu nhập, tiếp thêm động lực cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, các xã, thị trấn trong toàn huyện đã triển khai, thực hiện 113 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cho người dân với tổng số tiền đã giải ngân hơn 65,9 tỷ đồng. Đây là tiểu dự án 2 của dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. 

Huyện đã thúc đẩy phát triển lâm nghiệp và thủy sản gắn với công nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn với trên 38.600 ha rừng trồng, hơn 90 lồng cá thương phẩm trên hồ Thủy điện sông Chừng, trên 2.000 ha cây ăn quả và cây chè Shan tuyết, thảo quả và các loại cây dược liệu. Lựa chọn, thu hút và có cơ chế mở cho các doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng lúa chất lượng cao, vùng lạc, vùng cao su, vùng phát triển chăn nuôi hàng hóa. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã xây dựng được 114,8 km đường nhựa, bê tông hóa đạt 100%; xây mới 10 nhà văn hóa và khu thể thao, tổ dân phố, cải tạo nâng cấp 44 công trình nhà văn hóa và khu thể thao. Trường lớp học các cấp được đầu tư cơ sở vật chất theo đúng tiêu chí. Công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng, huyện quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường nội thị, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, vườn hoa, cây xanh; bước đầu phát triển thêm một số tiểu khu dân cư mới theo hướng đô thị văn minh ở thị trấn Yên Bình và 1 thị tứ. 

Lĩnh vực văn hóa -  xã hội có bước phát triển khởi sắc, các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng. Giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng.

Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ từng bước đạt được những kết quả tích cực, 100% cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn được phổ cập dịch vụ di động 4G đảm bảo chất lượng.

Với lợi thế hiện có của 4 làng văn hóa du lịch cộng đồng, giao thông đi lại thuận tiện, các lễ hội độc đáo như nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; lòng hồ sinh thái, sông chừng, sông bạc được khơi dậy trong phát triển du lịch gắn với kinh tế. 

Đặc biệt, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong giảm nghèo tại Quang Bình. Đồng thời, xác định là “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững, hiệu quả trên cơ sở phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn; qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. 

Để công tác giảm nghèo bền vững ngày càng đi vào thực chất hơn, các cấp chính quyền, đoàn thể đã bám sát từng hộ, hợp tác xã để thực hiện đúng chính sách hỗ trợ sinh kế, nhà ở, giải quyết việc làm, đào tạo nghề... Hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Qua đó, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống và tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh.

Hướng nghiệp xuất khẩu lao động cũng đặc biệt được chú trọng, cụ thể: Từ năm 2020 đến nay, huyện đã giới thiệu và giải quyết việc làm mới cho 9.866 lao động địa phương. Trong đó: Lao động đi làm việc ngoài tỉnh 6.319 người, lao động được tạo việc làm tại địa phương 3.530 người, xuất khẩu lao động 17 người.

Trong năm học 2022 - 2023, huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức mở 14 lớp/490 học viên, chủ yếu là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo nghề của huyện đạt khoảng 70%; tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 80%; hiện, huyện có 30 doanh nghiệp, 100 HTX với đa dạng các ngành nghề trong các lĩnh vực. Cùng với các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm Pà Thẻn, La Chí, Tày; đan lát truyền thống, sản xuất men lá của người Tày Xuân Giang; các HTX sản xuất chè và xưởng chè hộ gia đình… tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,08%, giảm 4,67% so với cuối năm 2021, đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Tính đến nay, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm; 98,3% hộ được sử dụng điện; 15 xã, thị trấn có lớp học kiên cố; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,8%; dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ lao động qua đào đạt 55%; tất cả các xã được phủ sóng truyền thanh, truyền hình và sóng điện thoại di động. Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo được triển khai hiệu quả. Các lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các hủ tục trong đồng dân tộc thiểu số dần được xóa bỏ và giảm thiểu, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã duy trì ổn định.

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng, tăng 42 triệu đồng so với năm 2010; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng cây hàng năm đạt 78 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 102 tỷ đồng. Toàn huyện có 9 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 28%; 100% thôn, tổ dân phố có đường xe cơ giới đến trụ sở; tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt trên 98%. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm đầu tư, với 36 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm Y tế bình quân đạt hơn 99%; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống còn gần 17%…

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Quang Bình hôm 23/12, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, những thành tựu, kết quả đạt được trên chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển là động lực, tiền đề quan trọng để huyện Quang Bình tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, sớm đưa Quang Bình phát triển toàn diện.