Về bản chất, đói nghèo thường đồng nghĩa với việc bị khước từ các quyền cơ bản của con người, người nghèo bị đẩy ra lề xã hội nhiều khi không chỉ là do thu nhập thấp. Có nhiều nhu cầu tối thiểu không thể đáp ứng bằng tiền. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp không nghèo vì thu nhập mà lại nghèo do khó tiếp cận được các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin…

Bước sang giai đoạn mới, đầu tư cho giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 đang có những thay đổi về tư duy trong chiến lược và cách thực hiện. Trong giai đoạn mới, phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi. Sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp… 

W-giamngheo-5.png
Ảnh minh hoạ

Bàn về phương thức hỗ trợ người nghèo, ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho rằng, ở Việt Nam hiện nay hộ gia đình vẫn đang là thành phần của quan hệ sản xuất cơ bản, một thành phần kinh tế, nên không thể bỏ đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình được. 

Tuy nhiên, bên cạnh đầu tư phát triển diện rộng, phát triển các hộ kinh tế gia đình, chúng ta cần phải quan tâm xây dựng các mô hình điểm. Các mô hình điểm đó cũng có thể là hợp tác xã, là hộ kinh tế gia đình có điều kiện phát triển... từ đó nhân rộng ra. Điều này còn có vai trò rất quan trọng là giải quyết công ăn việc làm cho người dân. 

Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phát triển toàn diện các thành phần kinh tế. Riêng vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn, kinh tế hộ gia đình vẫn là hướng đầu tư cơ bản, là thành phần kinh tế được ưu tiên. Tuy nhiên, tùy theo từng Chương trình MTQG, tùy theo từng chương trình có mục tiêu mà các Bộ, ngành đang quản lý… chúng ta cân nhắc việc định hướng đầu tư. 

Ví dụ, mục tiêu quan trọng ở Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là hộ gia đình. Để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các chương trình MTQG, hướng đi của Bộ LĐTBXH trong chương trình giảm nghèo hướng vào việc xây dựng các mô hình điểm. 

Theo ông Hoàng Xuân Lương, đó là hướng đi rất đúng của từng chương trình, "nhưng cái chung nhất của cả nước là bao giờ cũng phải quan tâm cả hai góc cạnh, vừa quan tâm diện rộng thành phần kinh tế hộ gia đình, vừa tập trung vào mô hình điểm", ông Hoàng Xuân Lương nhấn mạnh.

Cũng bàn về phương thức hỗ trợ, ông Ngô Trường Thi cho biết thêm, trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2021 - 2025 có 2 dự án, một về hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thứ hai là dự án hỗ trợ sản xuất. 

Theo ông Thi, việc xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng chúng tôi đã thực hiện lâu rồi, giai đoạn trước cũng có. Chẳng hạn mô hình hỗ trợ nuôi dê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã làm từ trước, giờ đang được tiếp tục thực hiện. 

Những mô hình này được thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển, hải đảo.

Và để tránh trùng lặp ông Thi cho rằng "không hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ dân trên địa bàn. Với quan điểm hỗ trợ để thúc đẩy phát triển, không bình quân, tránh ỷ lại và đặc biệt là phù hợp với đặc thù của địa phương và mang bản sắc cộng đồng, cách thức là hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, cùng sở thích. Nhu cầu là do cộng đồng đề xuất và lựa chọn thành viên. 

Ông Thi phân tích, phương thức hỗ trợ cộng đồng khác hỗ trợ trực tiếp ở chỗ là có khoản vốn nhất định hỗ trợ cộng đồng, cộng đồng phải bình xét ai vào, ai chưa vào? Ai tự nguyện sẽ tham gia, ai chưa tự nguyện cứ đứng ngoài, không hề áp đặt, hoàn toàn do cộng đồng tự bình chọn. 

"Những thành viên tham gia phải tự nguyện đóng góp một phần kinh phí. Phải đóng góp người ta mới có trách nhiệm, cho không là không ổn", ông Thi góp bàn. 

Đặc biệt, theo ông Thi, phải đặt quan điểm đảm bảo công bằng. Khi được hỗ trợ, hết một chu kỳ phải luân chuyển một phần để người khác cùng hưởng. Như chương trình hỗ trợ dê ở Cẩm Thủy, chúng tôi yêu cầu hộ nuôi dê khi có thành quả phải luân chuyển cho hộ khác, để người ta thấy ý thức trách nhiệm cộng đồng và nhiều người khác cũng được hưởng lợi. 

"Đấy là cách thức về hỗ trợ cộng đồng, nếu thực hiện tốt sẽ bền vững hơn rất nhiều việc hỗ trợ xong là rời đi. Có như thế mới kích thích người nghèo vươn lên", ông Ngô Trường Thi quả quyết.

Nhóm PV