PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng sự phát triển của công nghệ khiến diện tích, chức năng của tủ lạnh ngày càng lớn. Vì vậy, không ít người coi tủ lạnh như “cái chợ” thu nhỏ. Tuy nhiên, đây là thói quen sai lầm, cần điều chỉnh để đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt trong những ngày Tết.
Theo chuyên gia này, mỗi loại thực phẩm có một cách bảo quản và thời gian bảo quản nhất định. Vì thế, dịp Tết dài ngày người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cũng khuyến cáo người dân không nên biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài.
Hiện nay, thực phẩm trên thị trường rất đa dạng, phong phú, vào ngày mùng 1-2 Tết, các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên không nhất thiết phải tích trữ thực phẩm.
“Chúng ta xác định Tết Nguyên đán là thời điểm 'chơi Tết', nghỉ xuân, không còn 'ăn Tết' như thời bao cấp, vì vậy cần tránh việc tích trữ quá nhiều thực phẩm”, PGS.TS Phong nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng chỉ ra sai lầm khác của nhiều bà nội trợ khi bảo quản thực phẩm ngày Tết là thường cho cả tảng to thịt bò, lợn… vào tủ lạnh.
Sau đó, mọi người đem ra rã đông, cắt một phần dùng chế biến, phần còn lại tiếp tục cho vào tủ đông để lưu trữ. “Hành động này làm thực phẩm dễ nhiễm khuẩn, nhanh hỏng”, PGS.TS Lâm nói.
Ngoài ra, nhiều người có thói quen không sơ chế thực phẩm hoặc sơ chế sơ sài trước khi cho vào tủ lạnh. Ví dụ cá, thịt ở ngoài chợ có thể bị nhiễm bẩn, vi khuẩn, khi không rửa sạch cho vào tủ lạnh tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn ra thực phẩm khác. Lúc này, thực phẩm mới mang về trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
Đồng thời, các gia đình cũng không có thói quen kiểm tra tủ lạnh thường xuyên hoặc để đồ sống lẫn với đồ chín. Thực phẩm bị bỏ quên, lâu ngày sinh nấm mốc, vi khuẩn gây tình trạng ngộ độc. “Mỗi loại thực phẩm đều có hạn sử dụng riêng, vì thế cần dán nhãn hạn sử dụng lên từng loại thực phẩm Tết để tránh xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm trong những ngày đầu năm mới”, PGS.TS Lâm cho biết.
Về các bảo quản thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn:
- Với nhóm thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản: Sau khi mua về cần nhanh chóng sơ chế, cắt thành từng miếng vừa ăn theo nhu cầu của gia đình, rửa sạch, để ráo nước rồi để vào những hộp hoặc túi nilon đưa vào bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.
- Với nhóm đồ khô như cá khô, mỳ gạo, thịt muỗi: Không cần thiết bảo quản tủ lạnh vì đây là đồ bảo quản được lâu, chỉ cần để nơi cao ráo, tránh ẩm hoặc gặp nước. Chính độ mặn trong thịt muối, cá mắm sẽ ức chế sự tấn công và phát triển của vi khuẩn.
- Đối với rau củ, nên ưu tiên chọn những loại như su hào, cải bắp, bí xanh, bí đỏ… sẽ để được lâu hơn. Đối với những loại rau lá, cần lưu ý cách sơ chế, bảo quản để sử dụng được lâu hơn.
Sơ chế theo cách nhặt sạch, để khô không cần rửa, chia thành bó vừa ăn rồi gói giấy hoặc lá chuối cho vào ngăn mát dùng dần.
- Với thực phẩm đã chế biến: Chia riêng thành từng hộp, loại bỏ tạp chất ví dụ như thịt bò xào cùng rau thì loại bỏ rau, củ. Với thực phẩm này nếu dùng ngay có thể cho ngăn mát, nếu không phải cho cấp đông và cũng không nên để quá 3 đến 5 ngày với đồ cấp đông.
PGS.TS Thịnh lưu ý thêm việc trữ thực phẩm cần phải sắp xếp theo trật tự hoặc đánh dấu ngày đưa vào tủ lạnh nhằm tiện sử dụng theo nguyên tắc thức ăn nào mua trước ăn trước, mua sau ăn sau. Với thực phẩm cấp đông nên rã đông từ từ bằng cách cho từ ngăn đá xuống ngăn mát.
PGS.TS Lâm cũng khuyến cáo: “Trước khi bảo quản, chúng ta nên rửa qua nước muối giúp diệt khuẩn, ngăn cản vi khuẩn phát triển. Hiện tại, nhiều gia đình chọn mua tủ lạnh dung tích lớn, chứa được nhiều loại thực phẩm. Điều quan trọng là người nội trợ phải nhớ được ngày bắt đầu lưu giữ thực phẩm. Chúng ta có thể dùng bút ghi ngày, tháng phía ngoài từng túi thực phẩm, thực phẩm mình mua về trước thì ăn trước”.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết, PGS.TS Phong cho rằng đầu tiên, người tiêu dùng phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Thứ 2, người tiêu dùng phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rất nhiều trường hợp còn hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng.
Mùa Tết, lễ hội ở miền Bắc thời tiết thường có mưa xuân, ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng, hạt dẻ… dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe.
Trong khi đó, phía Nam vào dịp Tết nhiệt độ cao, thời tiết nóng dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá bảo quản không tốt dễ bị thiu, mốc, hỏng…