Vì thế, học sinh và phụ huynh cần đọc kỹ quy định liên quan kỳ thi, đồng thời tìm hiểu về trường dự kiến đăng ký nguyện vọng để có quyết định phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của gia đình nhằm tăng cơ hội đỗ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho hay: “Việc sắp xếp nguyện vọng rất quan trọng để thí sinh tạo cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập.
Các em nên căn cứ vào năng lực học tập, đối chiếu với điểm chuẩn của trường trong ít nhất 3 năm gần đây”.
Cũng theo ông Lê Hồng Vũ, nguyện vọng 1 thí sinh nên đặt ở trường có điểm chuẩn phù hợp với năng lực, sở thích. Nguyện vọng 2, các em đặt vào trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường nguyện vọng 1 và cùng thuộc khu vực tuyển sinh.
Với nguyện vọng 3, thí sinh được lựa chọn ở khu vực tuyển sinh bất kỳ. “Đây là nguyện vọng dự phòng nếu không may học sinh trượt cả 2 nguyện vọng đầu sẽ còn nguyện vọng 3. Vậy nên, ở nguyện vọng 3, các em hãy đặt vào trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường nguyện vọng 2, thậm chí chênh nhiều hơn 3 điểm.
"Quan trọng nhất là phải "nhìn đúng mình" để tạo cho mình cơ hội tốt nhất”, ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), cho biết: “Nhà trường có trách nhiệm phổ biến để phụ huynh và thí sinh có đầy đủ thông tin về kỳ thi gồm số lượng nguyện vọng được chọn, điểm sẽ trúng tuyển, chênh lệch nguyện vọng, điểm chuẩn các năm.
Thí sinh có thể căn cứ vào điểm kiểm tra học kỳ II, bài khảo sát của quận... để biết năng lực và tính điểm trung bình nói chung khi đăng ký nguyện vọng. Thí sinh đừng tính toán môn nọ “gánh điểm” cho môn kia mà đó là điểm độc lập”.
Về chiến lược sắp xếp nguyện vọng, theo ông Cường, giữa các nguyện vọng nên cách nhau khoảng 4-5 điểm là an toàn.
“Giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, các em nên tìm trường có điểm chuẩn cách nhau 4-5 điểm là hợp lý, tăng cơ hội đỗ. Tôi từng chứng kiến nhiều thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng sát điểm nhau và dẫn đến trượt cả 2 rất đáng tiếc. Một số học sinh ở trong nội thành khi đăng ký nguyện vọng 3 có thể tìm trường có vị trí địa lý hơi xa nhưng điểm trúng tuyển “mềm” cho an toàn”, ông Cường nói.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, 2 và 3. Trong đó, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Đây không phải điểm mới, nhưng học sinh và gia đình học sinh không thể chủ quan, bởi thực tế các năm trước từng có học sinh học học lực Khá nhưng trượt cả 3 nguyện vọng. Nguyên nhân là do việc lựa chọn nguyện vọng chưa sát với năng lực học tập.
Vì thế, Sở GD-ĐT Hà Nội khuyến cáo các học sinh trong quá trình lựa chọn nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường công lập cần lưu ý 3 yếu tố: Năng lực học tập của học sinh (căn cứ kết quả khảo sát hằng tháng và năng lực học tập hằng ngày); điểm chuẩn vào lớp 10 của trường trong 3 năm trở lại đây và khoảng cách di chuyển từ nhà đến trường để bảo đảm học sinh không phải đi học quá xa.
Việc được đăng ký tới 3 nguyện vọng là một thuận lợi mà học sinh cần tận dụng để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất, tuy nhiên, các nguyện vọng phải sắp xếp theo thứ tự và bảo đảm “độ rơi” của điểm chuẩn.
Năm nay, Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh, mỗi khu vực gồm từ 2 đến 4 quận, huyện có địa giới hành chính gần nhau và đều có đủ các trường có mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp, các gia đình học sinh cần quan tâm tham khảo kỹ về các trường ở từng khu vực tuyển sinh để chọn nguyện vọng phù hợp.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 8, 9/6 với 3 bài thi độc lập gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán. Học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chuyên tiếp tục làm bài thi môn chuyên từ ngày 10/6.