Trong lịch sử trăm năm của mình, Sharp sản sinh hàng loạt sản phẩm biểu tượng và trở thành một trong những niềm tự hào quốc gia. Dù vậy, từ đầu thế kỷ 21, công ty dần mắc kẹt trong thị trường cạnh tranh khốc liệt. Bị bao vây tứ bề và cạn kiệt ngân sách, cuối cùng họ đã phải bán mình cho một đại gia công nghệ Trung Quốc. Đây chính là lần đầu tiên một hãng điện tử Nhật Bản lớn bị nước ngoài thâu tóm.
Nhà sáng lập Sharp, Tokuji Hayakawa, sinh năm 1893 tại Tokyo, là con trai thứ ba trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc. Tuổi thơ của ông vô cùng khó khăn khi sức khỏe của mẹ gặp vấn đề trầm trọng, không thể chăm sóc con, phải cho người khác làm con nuôi.
Bị mẹ nuôi đối xử khắc nghiệt, Tokuji Hayakawa buộc phải nghỉ học từ năm lớp 2 để làm việc. Năm 8 tuổi, cậu bé được một người phụ nữ đứng tuổi nhận vào giúp việc cho một thợ cơ khí nghiêm khắc nhưng nhân hậu. Sau 7 năm đào tạo, Tokuji Hayakawa gia nhập lực lượng lao động và ngay lập tức phát minh ra chiếc khóa thắt lưng có tên Tokobijo. Điểm đặc biệt ở chiếc khóa này là nó có thể siết chặt lại mà không cần đục lỗ vào dây lưng, giúp doanh số đạt 4.752 chiếc và cần mở rộng sản xuất. Chính vì thế, năm 19 tuổi, ông tự mở một xưởng kim khí ở Tokyo chỉ với số vốn 50 yen, trong đó 40 yen là vay mượn.
Năm 1915, một nhà sản xuất đã đặt hàng các bộ phận kim loại trong bút chì cơ học tại xưởng của Hayakawa. Nhận thấy chất lượng của bút quá kém, ông không quản ngày đêm làm việc để nâng cấp nó và đặt tên là bút chì Hayakawa. Thời điểm đó, hầu hết bút chì đều nhập khẩu từ Đức. Bút chì Hayakawa trở thành lựa chọn thay thế tốt nhất cho bút chì Đức.
Việc kinh doanh của Hayakawa nhanh chóng khởi sắc. Người anh trai thất lạc từ lâu, Masaharu, đã vào làm cùng em. Năm 1923, hai anh em cùng xây dựng một nhà máy mới rộng 990m2 cùng 200 nhân lực để xử lý tất cả đơn hàng.
Ngày 1/9/1928, một trận động đất lớn đã xảy ra tại Nhật Bản. Gia đình và nhà máy của Hayakawa thoát nạn trong trận động đất kéo dài 4 phút, nhưng vợ và hai con nhỏ của ông lại thiệt mạng trong các đám cháy lớn sau đó. Hơn 100.000 người dân đã tử vong do thảm họa. Nhà máy bút chì cũng bị thiêu rụi.
Hayakawa vẫn còn nợ đơn hàng bút chì trị giá 20.000 yen nhưng không còn sản xuất được nữa. Để bồi thường, ông đã bàn giao tất cả thiết bị sản xuất bút chì và cho nhà phân phối dùng miễn phí bằng sáng chế của mình. Sau đó, ông chuyển đến Osaka trong 6 tháng để hỗ trợ họ cách sản xuất.
Tokuji tận hưởng thời gian ở Osaka và quyết tâm xây dựng lại công việc kinh doanh của mình ở đây. Năm 1924, sau khi hoàn thành hợp đồng sáu tháng, ông thành lập phòng thí nghiệm kim loại Hayakawa và bắt đầu mày mò một sản phẩm mới – máy thu vô tuyến tinh thể (crystal radio). Radio chỉ mới được giới thiệu ở Nhật Bản và hầu hết các máy thu đều chỉ được xem là đồ chơi. Các nhà sản xuất điện thoại và điện báo lớn không mấy quan tâm.
Hayakawa mua một chiếc radio nhập khẩu với giá 7,5 yên và tháo tung. Mặc dù không biết gì về các nguyên tắc điện hoặc radio, ông và nhóm của mình đã tìm ra nguyên lý hoạt động của thiết bị. Năm 1925, ông ra mắt Sharp, mẫu máy thu tinh thể lắp ráp trong nước với giá chỉ 3,5 yen, rẻ hơn nhiều hàng ngoại.
Sharp ra đời trong thời điểm không thể hoàn hảo hơn: cùng năm này, Đài truyền hình Tokyo – tiền thân của NHK – bắt đầu chương trình phát thanh đầu tiên. Người nghe kênh tăng trưởng đều đặn từ những năm 1920 đến những năm 1930.
Tuy Sharp rất phổ biến, bản thân Hayakawa biết rằng nó chỉ là hàng “thứ phẩm”. Ông tiếp tục mày mò chiếc đài chân không của nước ngoài rồi cuối cùng sản xuất loạt radio Sharp Dyne thành công vang dội.
Doanh số đài tăng từ 58.000 đơn vị năm 1936 lên 130.000 vào năm 1939. Để đáp ứng đủ đơn hàng, ông xây nhà máy mới và thiết lập dây chuyền sản xuất 23 phút.
Năm 1942, công ty đổi tên thành Hayakawa Electric, sản xuất tất cả các loại radio từ máy thu đơn giản đến máy bộ đàm hai chiều tiên tiến cho máy bay quân sự. Họ đã vượt qua khó khăn của thời kỳ chiến tranh và hậu chiến.
Năm 1951, NHK và các doanh nghiệp Nhật Bản lớn khác bắt đầu thử nghiệm phát sóng truyền hình. Tương tự radio, Hayakawa Electric muốn một máy thu truyền hình để sẵn sàng cho khoảnh khắc trọng đại. Với hỗ trợ kỹ thuật từ RCA, công ty đã sản xuất thành công thiết bị kịp lúc chương trình truyền hình đầu tiên của NHK tháng 2/1953. TV3-14T chính là chiếc TV thương mại đầu tiên của Nhật Bản.
Bất chấp giá lên tới 175.000 yen, vượt tầm với của các công chức bình thường (lương tháng 8.700 yen), TV3-14T vẫn giúp Hayakawa thống trị thị trường TV nội địa. Không bao lâu sau, TV gia đình không còn quá đắt và doanh số tăng vọt. Hayakawa Electric nhanh chóng chuyển sang các danh mục khác. Năm 1962, họ giới thiệu lò vi sóng đầu tiên trong nước – R-10. Song, đây chưa phải là sản phẩm đưa công ty lên bản đồ điện tử toàn cầu.
Năm 1960, hứng thú trước các năng lực của ngành bán dẫn, Hayakawa Electric đã thành lập một nhóm thiết kế mạch logic và cuối cùng sản xuất một máy tính. Năm 1962, CS 10-A Compet là một trong những máy tính bóng bán dẫn đầu tiên, nặng 25kg và giá khoảng 535.000 yen (khoảng 15.000 USD ngày nay). Dù giá cao, toàn bộ 300 máy đã được tiêu thụ chỉ trong vài tháng.
Năm 1965, CS 20-A ra đời, tiết kiệm năng lượng hơn, bền hơn và quan trọng là rẻ hơn nhờ giá bán dẫn giảm mạnh. Những mẫu máy khác cũng nhanh chóng được sản xuất. Năm 1966, CS-31A xuất hiện với linh kiện, khối lượng và giá bán rẻ hơn một nửa. Cũng năm này, Hayakawa Electric dẫn đầu thị trường máy tính Nhật Bản với 44% thị phần, bán được 24.000 đơn vị. Khoảng 1/2 được xuất khẩu sang Mỹ thông qua công ty con Sharp Electronics cũng như các nhà phân phối toàn cầu như Facit của Thụy Điển.
Năm 1970, Hayakawa Electric đổi tên thành Sharp. Cùng năm, nhà sáng lập Tokuji Hayakawa từ chức chủ tịch. Ông qua đời 10 năm sau ở tuổi 86. Tân Chủ tịch Akira Saeki chấp nhận thách thức và dẫn dắt Sharp vượt qua bối cảnh kinh tế mới. Thành công từ những chiếc máy tính của Sharp là động lực để hơn 50 nhà sản xuất khác trong nước – chưa kể nhiều công ty Mỹ - tham gia thị trường, kích hoạt cái gọi là “cuộc chiến máy tính”.
Trong khoảng một thập kỷ, máy tính từ một chiếc máy để bàn cồng kềnh, nặng nề với hàng trăm ống chân không đã trở nên nhỏ bé, nằm gọn trong lòng bàn tay, chạy bằng pin và thực hiện mọi phép tính bằng một con chip duy nhất. Máy tính chính là điện thoại di động của thời kỳ đó. Nó thúc đẩy Sharp và các đối thủ tìm mọi cách để làm cho thiết bị nhanh hơn, nhỏ hơn, rẻ hơn và tốt hơn.
Bài 2: Kết cục bi thảm của “ông hoàng LCD” Sharp
Thiết kế: Cúc Nguyễn