SỐNG THẤP THỎM TRONG MÀN ĐÊM Ở 'RỐN LŨ' CỦA HÀ NỘI
Hơn 1 tuần kể từ ngày nước sông Bùi dâng gây ngập làng xóm, nhiều hộ dân thôn Nhân Lý (Hà Nội) phải sống trong cảnh không điện, không nước sạch. Có người rời nhà đi lánh nạn, người ở lại lo lắng vì không biết chừng nào nước rút.
Hết đứng lại ngồi ở mé hiên nhà, bà Nguyễn Thị Hồng (68 tuổi) sốt ruột vì bồ thóc chỉ còn cách mặt nước chừng 10cm. Gia đình bà Hồng là một trong hàng trăm hộ dân tại thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phải sống trong âu lo vì ngập lụt trong những ngày qua.
Đã 3 lần, bà Hồng chạy bồ thóc, hết chuyển lên chỗ cao rồi lại kê thêm gạch. Vài ngày trước, nước hạ được 20cm. Đến hôm qua (29/7) nước dâng cao trở lại, một mình bà ở nhà rất khó xoay xở.
Khoảng 30 phút sau, con gái và con rể của bà Hồng chèo thuyền vào tới cổng. Trông thấy các con, đôi mắt bà đỏ hoe.
"Khi nước bắt đầu dâng ngập, nhà tôi khuân vác đồ đạc có kịp đâu. Nay phải gọi con về để chúng nó phụ giúp chứ một mình vừa bất lực mà tủi thân lắm", bà Hồng nói.
Bà Hồng kể lại, khoảng hơn 1 tuần trước, khi ấy nhà bà đang tổ chức đám cưới cho người cháu họ thì mưa lớn. Tới ngày ăn cỗ, mọi người ngồi trong rạp dùng bữa thì nước tràn về. Nhà ven sông Bùi, nước dâng nhanh chóng.
"Khách khứa, họ hàng buông bát đũa đứng dậy như chạy loạn. Ai cũng lo về nhà kê dọn đồ đạc rồi vận chuyển lợn gà đi nơi khác. Rạp đám cưới đến nay vẫn để nguyên như vậy", bà Hồng nói.
14h ngày 29/7, mưa tí tách rồi dần nặng hạt. Những con đường bao quanh thôn Nhân Lý vắng lặng người qua lại. Bốn bề lụt nặng. Những ngôi nhà một tầng nằm ngay vùng trũng nay chìm nghỉm, chỉ còn thấy phần mái. Người ra đường trùm kín áo mưa, quần ủng rồi di chuyển bằng thuyền.
"Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt". Những con nước đục ngầu, làm mất dạng ranh giới giữa đường sá và bờ sông, lấp hết từ đồng ruộng, hồ ao đến hố vũng. Bất cứ ai có ý định lội qua đều phải đắn đo dè chừng. Biển cảnh báo được dựng lên, dây căng xung quanh hố ngập... Không ai nghĩ khung cảnh mang dáng dấp của miền Tây sông nước này lại chỉ cách trung tâm thủ đô chưa đầy 35km.
Ngôi nhà 2 tầng của gia đình chị Phùng Thị Chung cũng bị ngập hết tầng 1. Xe máy chị mang đi gửi, đồ đạc còn lại được khuân vác lên tầng hai. 16h, người phụ nữ đã chuẩn bị lấy nước để nấu cơm. Chị Chung cho biết, khu vực này chưa có đường ống nước sạch, mọi người đều sử dụng giếng khoan. Từ khi nước dâng cao, cả nhà chị phải tằn tiện từng bình nước đi mua về để đun nấu.
Đang chuẩn bị cơm tối ngoài ban công, chị Chung thấy anh Ka (hàng xóm) chèo thuyền ngang qua.
- Đi đâu mà không mặc áo vào thế ông kia?
- Về lấy ít đồ ăn cô ạ. Tí vào nhà lại ngụp xuống thì mặc làm gì, ướt phí cái áo ra.
Anh Ka hài hước đáp lời rồi chèo thuyền về phía cửa nhà. Gia đình người đàn ông này bán tạp hóa, hôm đó đã chạy lụt không kịp, những kệ hàng đến nay vẫn bị chìm nghỉm. Ở chỗ nhà anh Ka, nước sâu hơn 2m, vợ chồng con cái phải chuyển đi nơi khác ở nhờ. Khi nào cần đồ đạc gì, anh lại chèo thuyền về nhà mò vớt. Với những nơi có hộ gia đình ngập sâu như nhà anh, đường điện đã được ngắt để đảm bảo an toàn.
Cầm chiếc đèn pin dò dẫm trong gian hàng, dở khóc dở cười vì tất cả đều bị nước nhấn chìm. Thò tay vớt lấy gói mì tôm, anh còn tấm tắc: "May quá, được bữa sáng".
Ngôi làng nhỏ chỉ bắt đầu tấp nập từ khoảng 17h, khi đám trẻ con được chở đi tắm nhờ. Người lớn hết giờ làm ở công ty trở về đến đây thì đợi thuyền đón hay ai đó chật vật đi mua đồ về nấu cơm. Thực phẩm những ngày này phần lớn do họ hàng ở xa tiếp tế. Không thể tích trữ nhiều vì nếu ngắt điện, tủ lạnh không hoạt động sẽ bị hư hỏng.
Nước sạch ăn uống còn chẳng đủ, chuyện tắm giặt những ngày này cũng buộc phải xuề xòa. Trước cửa mỗi ngôi nhà, thau chậu được xếp đầy ra hứng nước mưa để tắm gội. Gia đình nào bị hết nước thì mọi người ra gần mép sông, nơi có dòng chảy để giặt giũ.
19h, trời sập tối. Khung cảnh im lìm, vắng lặng bao trùm lên xóm làng quê. Trong làng còn rất ít nhà không bị nước tràn vào, đủ điều kiện được dùng điện tiếp. Còn phía ngoài xóm Đồng Rạch nằm giữa cánh đồng, toàn bộ 35 hộ dân đã bị cắt điện liên tiếp 5 ngày nay. Khu vực này nằm tách biệt với làng, cách một con đường bê tông dài 1km. Xung quanh chỉ còn tiếng lách tách mưa rơi và tiếng sóng vỗ, người ta vẫn lờ mờ nhìn thấy mênh mông biển nước...
Trẻ con đi sơ tán, chị Hoàng Thị Điểm cùng nhiều người lớn trong xóm Đồng Rạch cố gắng bám trụ lại nhà để trông coi. Chồng chị hàng ngày vẫn chèo thuyền đi làm để giữ thu nhập cho gia đình. Ở nhà, chị nhặt rau rồi chuẩn bị cơm nước. Chiếc điện thoại cũ sáng nay đi sạc pin nhờ đến buổi tối được dùng để chiếu sáng.
Một lúc sau, người chồng trở về, chị liền rọi đèn đi xuống đón anh. Ngôi nhà của anh chị đang xây dở. Tầng 1 toàn bộ ngập sâu, trên tầng 2 thì chưa kịp lắp lan can, cửa ra vào. Mỗi khi đi làm, anh đều cẩn thận dặn vợ nếu trời tối mà anh chưa về thì chị phải mặc áo phao khi cần ra gần cửa, dù biết bơi cũng không được lơ là. Ngay cả anh, một người không nhát nước nhưng vì trời tối, bụi cây, lùm cỏ rồi cả dây điện chằng chéo cũng phải cẩn thận mang theo bảo hộ khi chèo thuyền.
Ngồi trong ngôi nhà thông thống giữa cánh đồng nước, chị Điểm bất giác hỏi chồng chừng nào thì cạn. Anh thở dài: "Thấy thông báo tuần này lại mưa tiếp. Liên miên như thế chẳng dâng thêm đã mừng lắm rồi".