Tập đoàn T&T Group được thành lập vào năm 1993 bởi nhà sáng lập Đỗ Quang Hiển, tiền thân là Công ty TNHH T&T - chuyên kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện máy của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Panasonic, National, Mitsubishi... Trải qua hơn 31 năm phát triển, T&T Group đã không ngừng mở rộng quy mô, phát triển hệ sinh thái tập trung vào 7 lĩnh vực ngành nghề, cũng là những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đất nước. 

Đáng chú ý, gắn liền với thương hiệu T&T và danh xưng “bầu” Hiển là CLB Bóng đá Hà Nội T&T - tiền thân của CLB Bóng đá Hà Nội (Hanoi FC) ngày nay. Trước khi xác lập nhiều kỷ lục ấn tượng như 6 lần vô địch V-League, 3 lần vô địch liên tiếp Cúp Quốc gia và 5 lần vô địch Siêu cúp bóng đá Việt Nam, Hanoi FC là “lính mới” bắt đầu từ giải hạng ba. Dưới sự dẫn dắt của HLV Triệu Quang Hà, Hà Nội T&T trong 3 năm liên tiếp đã thăng liền 3 hạng, chính thức bước chân vào đấu trường V-League danh giá năm 2009. Kỷ lục đó đến giờ vẫn chưa có đội bóng nào phá vỡ. 

CLB Hà Nội hiện có hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp, đóng góp các HLV, VĐV cho đội tuyển quốc gia các lứa tuổi, trong đó có nhiều tài năng trẻ đã góp phần cùng đội tuyển U23 Việt Nam lập lên kỳ tích Thường Châu năm 2018 với ngôi Á quân tại Vòng chung kết U23 châu Á. T&T Group cũng tài trợ toàn diện cho bóng đá nữ Thái Nguyên, từ một CLB gặp rất nhiều khó khăn đứng trước nguy cơ phải giải thể, nay đã từng bước phát triển và bước đầu đạt được một số thành tích trên đấu trường trong nước và quốc tế.

Cùng với bóng đá, T&T Group còn âm thầm đầu tư cho bóng bàn gần 20 năm qua với mong muốn đưa bóng bàn Việt Nam vươn tầm châu lục. Mai Ngọc và Anh Hoàng, 2 vận động viên của CLB bóng bàn Hà Nội T&T đã mang vinh quang về cho Tổ quốc, “giải cơn khát vàng” sau 26 năm cho bóng bàn Việt Nam ở nội dung đôi nam nữ khi giành được tấm Huy chương Vàng tại SEA Games 32. Tháng 5/2024, T&T Grroup vinh dự trở thành thành viên của Hiệp hội Thể thao CAND, góp phần thành lập CLB bóng bàn CAND - T&T. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thành lập, CLB bóng bàn CAND - T&T đã liên tiếp đạt được nhiều thành tích cao ở các giải đấu trong nước.

“Lối chơi mang bản sắc riêng” mà HLV Triệu Quang Hà đề cập trong cách làm bóng đá của bầu Hiển cũng có thể được thấy trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) - một trong những trụ cột nổi bật góp phần tạo nên hệ sinh thái đa ngành của T&T. Mặc dù so sánh với nhiều “ông lớn” BĐS thì T&T có phần “sinh sau đẻ muộn”, tuy nhiên T&T lại lựa chọn hướng đi đầy khác biệt, tạo dấu ấn riêng với thị trường. Đó là việc không ồ ạt phát triển nóng, chạy theo số lượng, mặc dù nếu so sánh về quỹ đất, T&T cũng là cái tên đáng gờm. T&T cũng không có nhu cầu làm dự án để huy động vốn hay xây khu đô thị chỉ để bán nhà kiếm lợi nhuận. 

Cách bầu Hiển làm BĐS cũng phần nào có nét tương đồng với thể thao - chậm mà chắc, và phải kiến tạo nên những giá trị riêng, bản sắc riêng. Lấy tinh thần “tinh hoa thế giới, văn hoá Việt Nam” làm định hướng, các dự án mà T&T xây dựng và phát triển không chỉ bắt kịp xu hướng thông minh - xanh sạch - tiện ích - bền vững của thế giới, mà còn truyền tải, lan tỏa được văn hóa Việt Nam trong hình dáng, kiến trúc các công trình, từ đó kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa của mỗi vùng đất, tạo ra đời sống riêng cho từng dự án.  

Đáng chú ý, không chỉ tập trung phát triển BĐS nhà ở, T&T Group còn tham gia đầu tư mạnh mẽ vào BĐS công nghiệp với các sản phẩm như Khu đô thị công nghiệp xanh - sạch; Tổ hợp khu công nghiệp công nghệ cao gắn liền với mạng lưới logistics hiện đại; Tổ hợp khu nghiên cứu, sáng tạo và khu triển lãm công nghệ/công nghiệp.

Điển hình, đầu tháng 9 vừa qua, T&T Group đã khởi công dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) Nam Phúc Thọ - Giai đoạn 1. Với quy mô 41,7ha và tổng mức đầu tư gần 780 tỷ đồng, đây là CCN lớn nhất trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm hiện tại. 

Mới đây nhất, T&T Group và Tập đoàn JTA (Qatar) đã ký hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển dự án Tổ hợp thể thao đa năng đạt chuẩn quốc tế và công viên chuyên đề, công viên vui chơi giải trí (theo mô hình Disneyland) với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD. Tổ hợp này có điểm nhấn là sân vận động hiện đại có sức chứa tới 60.000 người và công viên Disneyland quy mô bậc nhất Việt Nam - hứa hẹn là điểm đến vui chơi giải trí hàng đầu cho người dân trong nước và khu vực.

Có thể thấy, thay vì chỉ đầu tư vào một phân khúc BĐS, T&T Group đang mở rộng tham vọng hướng tới phát triển một hệ sinh thái BĐS đồng bộ, từ nhà ở, khu đô thị, văn phòng, thương mại, khu dịch vụ du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng, sân golf cho tới cụm công nghiệp, cảng cạn logistics, sân bay và tổ hợp công nghiệp hàng không, tổ hợp năng lượng tái tạo... Hướng đi này của bầu Hiển có thể sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn so với việc “xây và bán”, song lại rất nhất quán với tinh thần “đã không làm thì thôi, nhưng khi làm thì phải tiên phong và tạo xu hướng phát triển bền vững”. 

Từng tự nhận mình “giống như chiếc lò xò bị nén lâu ngày” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, T&T Group thực sự đã “bật tung” và đang từng bước hiện thực hoá tham vọng trở thành nhà phát triển năng lượng hàng đầu Việt Nam. T&T Group tham gia phát triển nhiều loại hình năng lượng như điện mặt trời, điện gió, điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG, điện sinh khối và điện rác. Hiện tại, tập đoàn này đã đưa vào vận hành 10 nhà máy điện, tổng công suất lắp đặt và hòa lưới điện quốc gia đạt gần 1.000 MW và đang liên doanh cùng 3 nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai dự án điện khí LNG Hải Lăng 1.500 MW. 

T&T Group cũng hợp tác cùng Tập đoàn SK (Hàn Quốc) để sản xuất hydrogen xanh, thu hồi khí thải carbon và đầu tư tổ hợp khí tại Quảng Trị; hợp tác cùng các tập đoàn năng lượng hàng đầu Trung Quốc để nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất pin lưu trữ và phát triển dự án khu công nghiệp phụ trợ năng lượng…, qua đó góp phần phát triển năng lượng xanh - sạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Nếu như thể thao, BĐS hay năng lượng tái tạo là phần bề nổi dễ dàng nhìn thấy ở T&T, thì “tảng băng chìm” xuất nhập khẩu - lĩnh vực xuất phát điểm của Công ty TNHH T&T (tiền thân của Tập đoàn T&T ngày nay) - lại là lĩnh vực nền tảng, chủ chốt, mang lại doanh thu “khủng” cho tập đoàn này mỗi năm; đồng thời đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, đóng góp cán cân thương mại và tạo thặng dư cho đất nước. 

Nhớ lại thời điểm 2019 - 2021, T&T Group gây tiếng vang lớn với ngành điều thế giới khi liên tiếp ký kết các hợp đồng thu mua điều thô từ các quốc gia châu Phi với tổng sản lượng lên tới khoảng hơn 700.000 tấn. Ngoài điều, T&T còn là một thương lái lớn trong ngành nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Trong nhiều năm liền, T&T đã mua số lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các đối tác quốc tế để cung cấp cho thị trường nội địa. Với việc thực hiện thành công các thương vụ hàng trăm triệu USD theo phương thức đấu thầu quốc tế, T&T Grop không chỉ khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt ở thị trường nước ngoài, mà còn góp phần tạo dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu ổn định, bình ổn giá cho nhu cầu trong nước, giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Việt Nam giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận và phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, T&T còn được biết đến với vai trò là cổ đông chiến lược của hàng loạt các doanh nghiệp lâu năm như Vinafor, Vinafood II, Vegetexco, Hacaseafood, Dệt kim Hà Nội, Unimex Hà Nội, Artexport, Vinawind… Mỗi năm, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của T&T cung cấp ra thị trường quốc tế hàng nghìn đơn hàng quy mô lớn; đa dạng mặt hàng từ nông, lâm, thủy sản, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng thực phẩm, hàng dệt kim, hàng tiêu dùng, các sản phẩm thiết bị điện gia dụng, các sản phẩm công nghiệp nhẹ và bao bì kim loại…; trở thành đối tác bạn hàng uy tín của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Đáng chú ý, có những doanh nghiệp trong số đó hiện đang nắm giữ vai trò xuất khẩu quan trọng trong nền kinh tế đất nước, góp phần tích cực đưa Việt Nam vào nhóm nước xuất khẩu lớn thứ 20 trên thế giới trong số 240 nền kinh tế toàn cầu. 

Mới đây, T&T Group cho biết doanh nghiệp này đang có kế hoạch phát triển một tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay có quy mô khoảng 3.700 ha, đặt tại tỉnh Quảng Trị. Nếu ý tưởng này được triển khai, đây sẽ là mô hình tổ hợp công nghiệp hàng không - đô thị sân bay đầu tiên tại Việt Nam. 

Mô hình tổ hợp công nghiệp hàng không hiện nay khá phổ biến trên thế giới, mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thời đại kết nối toàn cầu cũng như thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước phát triển. Việc xây dựng mô hình tổ hợp công nghiệp hàng không sẽ đáp ứng được cùng lúc cả hai mục đích lớn đó là phát triển sân bay và phát triển kinh tế. Sự phát triển của tổ hợp này sẽ cung cấp một nền tảng dịch vụ tốt hơn cho sân bay và thúc đẩy sự phát triển của khu vực; mang đến những lợi ích khả quan có thể nhìn thấy được về kinh tế, xã hội, môi trường.  

Mô hình này của T&T Group sẽ tương tự như Changi (Singapore), Amsterdam Schiphol (Hà Lan); Taoyuan (Đài Loan - Trung Quốc) hay Louisville (Hoa Kỳ) - những tổ hợp đã được chứng minh về hiệu quả kinh tế đem lại cho quốc gia.

Trước đó, T&T cũng từng gây bất ngờ khi hợp tác cùng YCH (Singapore) - “ông lớn” logistics của châu Á và thế giới, và cũng là “cha đẻ” của Thành phố Chuỗi cung ứng (Supply Chain City), xây dựng một trung tâm logistics đa phương thức thông minh, nơi kết nối mạng lưới vận tải hàng hóa Trung Quốc - ASEAN với các thị trường toàn cầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Và Việt Nam SuperPort™ - “siêu cảng” đầu tiên của Mạng lưới logistics thông minh ASEAN ra đời, minh chứng cho những ý tưởng táo bạo của bầu Hiển đã thành hiện thực. “Siêu cảng” đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 và đang thu hút sự quan tâm hợp tác của các đối tác lớn quốc tế như Tập đoàn Dell (Mỹ), MEIKO (Nhật Bản), Partron, Dongwha (Hàn Quốc)…

Đáng chú ý, để hiện thực hóa cam kết đào tạo, chuyển giao công nghệ, hiện Việt Nam SuperPort™ đang hợp tác cùng Tập đoàn YCH, Học viện Logistics và Chuỗi cung ứng Singapore (SCALA) đào tạo 500 chuyên gia logistics nhằm phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao, am hiểu công nghệ trong lĩnh vực logistics. Đây cũng là điều kiện mà T&T Group đặt ra trong các hợp tác quốc tế của mình, như nội dung mà bầu Hiển chia sẻ với Thường trực Chính phủ: “T&T hợp tác với nước ngoài đều có điều kiện. Thứ nhất tuân thủ pháp luật, an ninh quốc phòng. Thứ hai, đào tạo chuyển giao công nghệ, các cấp quản lý phải chuyển giao cho Việt Nam, tối thiểu trong vòng 10 đến 15 năm. Thứ ba, muốn chuyển nhượng, tăng vốn thì phải được sự đồng ý của đối tác Việt Nam. Đấy là những thỏa thuận cơ bản”.

Một tham vọng khác của T&T Group - phát triển Khu công nghiệp dược công nghệ cao tại Việt Nam. Để cụ thể hóa ý tưởng này, T&T Group đã bắt tay cùng Ramky - tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ, cũng là đơn vị đã phát triển thành công Jawaharlal Nehuru Pharma City (JNPC) - Khu công nghiệp dược đầu tiên của Ấn Độ, phục vụ nhiều tập đoàn dược phẩm quốc tế hàng đầu thế giới như Pfizer (Mỹ), Mylan Laboratories (Hà Lan), Eisai Pharma Technology (I) Pvt Ltd (Nhật Bản), M/s PharmaZell Pvt Ltd (Đức)... 

Cũng tại cuộc gặp gỡ với Thường trực Chính phủ, Nhà sáng lập T&T Group đã tiết lộ một đề án mới của tập đoàn này - hợp tác với tập đoàn năng lượng của Nhật Bản xây dựng tổ hợp khu công nghiệp năng lượng tái tạo tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra châu Á và thế giới. Tổ hợp khu công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ được đầu tư hạ tầng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, tích hợp các giải pháp và loại hình tiêu thụ năng lượng xanh (điện gió ngoài khơi, LNG, hydrogen…), nhằm thu hút các nhà đầu tư sử dụng nguồn điện xanh đến đầu tư, góp phần trung hòa carbon và phát triển kinh tế địa phương.