- Bông đã được mẹ mua quần áo mới mặc Tết chưa? Tớ được mẹ mua cho hai bộ rồi nhé.
- Xì! Tớ lúc nào cũng đầy quần áo mới, đâu cần phải đợi đến Tết mới được mặc.
Nghe hai đứa trẻ nói chuyện với nhau, tôi bật cười nhớ lại chuyện cách đây gần 50 năm. Lúc đó tôi cũng tầm tuổi các cháu bây giờ. Chuyện xảy ra vào đúng đêm giao thừa nên không thể quên được.
Như mọi đứa trẻ cùng thời, Tết là dịp tôi mong chờ nhất vì được chơi thoải mái không bị mắng, được ăn cỗ Tết nhà họ hàng nội, ngoại, được nhận tiền mừng tuổi… nhưng tôi thích nhất là chờ đợi phút giao thừa để nổ pháo và được diện quần áo mới.
Năm đó cũng vậy, vì là con gái út nên tôi được chiều chuộng hơn. Tối 30 Tết tôi đã nằng nặc đòi mặc quần áo mới. Diện cái áo hoa màu đỏ, quần lụa đen tôi ra vào ngắm nghía. Lúc này, bố mẹ tôi đã đi ngủ chỉ còn mấy anh em thức.
Anh tôi loay hoay treo dây pháo trước hiên nhà, một anh nữa thì chuẩn bị diêm để sẵn sàng châm pháo. Tôi bé hơn được nhận nhiệm vụ ngồi cạnh đồng hồ chờ phút giao thừa đến.
Chuẩn bị xong xuôi, mấy anh em ngồi chăm chú vào chiếc đồng hồ nhìn con gà kiên nhẫn mổ lên mổ xuống theo từng tiếng tích tắc.
Kim đồng hồ vừa đến 0h, tiếng chuông reo lên, các anh chạy ra sân đốt pháo. Tôi cuống quýt chạy theo bất ngờ vấp ngã. Chiếc quần đang mặc rách xoạc một đường dài. Cúi xuống nhìn thấy vết rách, tôi biết không thể mặc được nữa rồi. "Vậy là mai không có quần áo mới đi chúc Tết, hết mong có tiền mừng tuổi rồi!", tôi nghĩ rồi lăn đùng ra ăn vạ.
Tôi khóc to khiến bố mẹ thức dậy tưởng là mấy anh bắt nạt tôi nhưng ai nhìn thấy tôi trong tình trạng đó đều bật cười. Tôi càng gào to hơn nữa.
Mẹ tôi vội đi tìm kim chỉ để khâu lại quần cho tôi nhưng bố tôi không cho vì quan niệm cầm kim là một trong những điều kiêng kị ngày Tết.
Sau đó mẹ tôi bảo: "Con cứ ngủ đi mai sẽ có quần mới để mặc". Tôi mới yên tâm ra sân nhặt nốt mấy quả pháo xịt ngòi rồi lên giường ngủ tiếp.
Sáng hôm sau dậy, mẹ cầm chiếc quần mặc cho tôi nhưng tôi thấy vừa dài vừa rộng. Cạp quần phải kéo tới nách và cuộn thành nhiều vòng trễ xuống. Bên hông có hai cục vải to bằng nắm tay được cột chặt lại.
Chắc lúc đó trông tôi ngộ nghĩnh lắm nên các anh cứ bụm miệng cười. Mẹ tôi thì lườm và mắng át đi (sau này mỗi khi kể lại các anh bảo lúc đấy trông tôi như con bù nhìn vậy).
Tôi diện bộ quần áo đó trong mấy ngày Tết, tung tăng khắp nơi.
Cho đến khi trưởng thành, nhớ lại năm đó, mấy ngày Tết mẹ chỉ ở nhà, không đi đâu cả và vẫn mặc những bộ quần áo như thường ngày. Tôi bỗng hiểu tại sao cái quần tôi mặc lại dài và rộng như vậy.
Không hiểu tuổi thơ của mọi người có giống như tôi không? Đến lúc này tôi thật thấm thía lời ca khúc “Lòng mẹ” của Y Vân. Cảm ơn nhạc sĩ đã thay lời của hàng triệu triệu người con ngợi ca tình cảm và tình yêu vô bờ mà cha mẹ dành cho con cháu. Đó cũng chính là điều chúng ta phải biết nâng niu kính trọng.
Minh Hải (Nam Định)
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |