22h16’
Tiếng chuông báo vang lên không ngớt.
Bác sĩ Thắng tất tả chạy về phía chiếc xe cứu thương đang chờ sẵn, trao đổi nhanh với điều dưỡng Vân trước khi kíp di chuyển.
Ca cấp cứu thứ 8 trong ngày của kíp là 1 cụ ông 90 tuổi. Bệnh nhân tai biến 5 năm nay, nằm liệt vị lâu ngày dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp.
Sau khi đo các dấu hiệu sinh tồn, nhận định bệnh, chỉ định dùng thuốc để cắt triệu chứng, kíp cấp cứu nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào viện tiếp tục theo dõi, điều trị.
Trên đường đi, cụ ông bất ngờ lên cơn khó thở, trụy tim. Tần số mạch lên xuống thất thường, từ 75, 80 đột ngột giảm xuống 38, rồi 25, 24,… Gia đình bệnh nhân bắt đầu hoảng loạn.
Bác sĩ Thắng hô dõng dạc: “Tất cả bình tĩnh. Chuẩn bị bóp bóng. Dạt xe ngay lập tức vào bệnh viện gần nhất”.
Chiếc xe đổi hướng, rẽ thẳng vào bệnh viện Việt Xô cách đó không xa.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, cụ ông đã qua cơn nguy kịch trong gang tấc. Cho tới khi thấy bệnh nhân bình ổn, bác sĩ Thắng và điều dưỡng Vân mới quay trở lại xe, di chuyển về địa điểm tập kết.
Nhìn xuống chiếc quần ống thấp ống cao, bác sĩ Thắng cười “Tôi đang chuẩn bị tắm thì nghe thấy chuông. Chạy vội quá thành ra quên cả chỉnh quần áo”.
Ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Tất Thắng và các đồng nghiệp vẫn luôn có phản xạ “ngay tức thì” như vậy mỗi khi nghe thấy tiếng chuông báo xuất phát.
“Bình thường mệt quá, chuông báo thức, chuông điện thoại có thể reo liên tục mà không nghe thấy, nhưng chuông gọi xuất phát chỉ cần vang lên 1 lần là lập tức bật dậy”, anh Đặng Quốc Huy, thành viên đội lái xe chia sẻ.
Mỗi ngày, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có 15 kíp xe ở 5 trạm, thay phiên nhau làm nhiệm vụ sơ cấp cứu ban đầu và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu trên toàn thành phố. Mỗi kíp gồm 3 người: 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 lái xe, hoạt động luân phiên theo vòng tròn.
3 tổng đài viên thường trực ở trạm cấp cứu trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận các cuộc gọi và điều động xe cấp cứu di chuyển tới đón bệnh nhân.
Cường độ công việc liên tục khi ca làm việc kéo dài 24 tiếng (từ 8 giờ sáng hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau) là điểm rất đặc trưng của những người làm cấp cứu 115.
“Ca trực kéo dài như vậy, chúng tôi có thể mệt nhưng người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Việc chỉ bàn giao ca 1 lần sẽ giảm bớt thời gian, giúp các xe có thể hoạt động liên tục”, anh Lê Anh Đảng, tổng đài viên 115 Hà Nội chia sẻ.
Từ ngày theo nghề xe cấp cứu, anh Đảng đã quen với lịch trình “sinh hoạt tranh thủ”: ăn tranh thủ, tắm tranh thủ, ngủ tranh thủ.
1h, 2h sáng, các cuộc điện thoại thưa dần, anh và 2 đồng nghiệp làm công tác trực tổng đài mới có thể thay phiên nhau đi tắm rửa.
“Chúng tôi khuyên người dân không nên tắm khuya vì hại sức khỏe nhưng thực tế chính mình lại tắm rất muộn. Tính chất công việc như vậy nên không thể tránh được”, anh Đảng mỉm cười tâm sự.
Những bữa ăn cũng chẳng bao giờ có thể đúng giờ. Kíp cấp cứu thường tranh thủ ăn ngay sau khi kết thúc chuyến xe, trở về điểm tập kết. Nếu các ca cấp cứu dồn dập, có chuông báo, họ phải bỏ dở bữa ăn của mình để tiếp tục lên đường.
Ở Trung tâm cấp cứu 115, các y bác sĩ dường như quên đi khái niệm “không gian” và “thời gian” khi có bệnh nhân. Điều dưỡng Trần Thị Vân kể, những ngày Tết, đôi khi đang trên đường hoặc vừa bước tới cửa nhà người bệnh, kíp nghe thấy tiếng pháo nổ mới biết đã đến Giao thừa.
Anh Hoàng Văn Tân, tổng đài viên Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trung bình 1 ngày, đơn vị điều động khoảng 100 đến 120 chuyến xe cấp cứu đến các khu vực trong toàn thành phố.
Cũng trong 1 ngày, trung tâm tiếp nhận hàng nghìn cuộc điện thoại từ người dân. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 trong số đó là các cuộc gọi yêu cầu cấp cứu, còn lại là những cuộc điện thoại trêu đùa.
“Có những người gọi trêu quanh năm suốt tháng, tới nỗi mình thuộc cả số họ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải nghe khi thấy họ gọi đến. Bởi biết đâu 100 lần trêu nhưng lần này họ thực sự cần giúp đỡ”, anh Tân chia sẻ.
Cũng có những trường hợp, kíp cấp cứu tới tận nơi mới biết cuộc điện thoại là giả.
“Nhiều thanh niên tụ tập nhậu nhẹt, họ lấy việc trêu đùa các nhân viên cấp cứu là thú vui. Khi chúng tôi đến, họ phá ra cười. Cũng có những trường hợp là bệnh nhân tâm thần, họ nói người thân nằm trong nhà nhưng thực tế không có ai hết”, tổng đài viên Hoàng Văn Tân kể.
Anh Tân nhớ nhất 1 trường hợp ở Từ Liêm. Lúc ấy, phía đầu dây gọi đến đọc rất rõ ràng, rành mạch địa chỉ của bệnh nhân. Nhưng khi kíp cấp cứu tới nơi, chủ nhà cho biết họ không hề gọi xe cứu thương.
Cùng lúc với trường hợp này, một ca tai nạn khác cũng cần hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, xe vừa di chuyển đã là xe cuối cùng ở trạm Từ Liêm. Bệnh nhân tai nạn buộc phải chờ xe khác từ trạm xa hơn, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
“Kíp cấp cứu mất công đến cũng không sao. Nhưng nếu trong khoảng thời gian ấy, có người thực sự cần giúp đỡ mà chúng tôi không thể đi thì đó là điều thực sự tồi tệ”, anh Tân nói.
Ông Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vẫn nói đùa với các nhân viên của mình rằng, họ có 1 nghề tay trái là làm lực sĩ.
Bởi lẽ ngoài kỹ năng chuyên môn, các y bác sĩ phải có kỹ năng mềm, biết vận chuyển bệnh nhân sao cho thật khéo trong tất cả các loại địa hình.
Nhân viên xe cứu thương phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, bởi họ không thể đoán điều gì có thể chờ đợi họ phía trước.
“Kíp cấp cứu vào thăm khám cho bệnh nhân chỉ có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, đôi khi cả 2 người đều là phụ nữ. Nếu gặp phải những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghiện ngập, kích động sẽ rất nguy hiểm”, ông Thắng chia sẻ.
Một điều dưỡng của 115 Hà Nội từng bị bệnh nhân có dùng chất kích thích cầm dao đuổi. Cũng có những trường hợp, bệnh nhân say rượu xông ra đánh, chửi bới bác sĩ, đập phá xe cứu thương.
Ông Trần Anh Thắng cho biết, bên cạnh việc nhờ đến sự trợ giúp của lực lượng công an trong những trường hợp cấp bách, giải pháp tối ưu nhất cho các y bác sĩ lúc này là phải... tập chạy thật nhanh để bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm.
Trong suốt 11 năm công tác tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Tất Thắng đã trải qua đủ những khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy của nghề nghiệp.
Anh bảo, khó khăn lớn nhất chính là phải vượt qua áp lực “đơn phương độc mã” để giành lấy sự sống cho bệnh nhân.
“Ở ngoại viện, tôi chỉ có 1 mình, đồng hành cùng 1 điều dưỡng chứ không có nhiều phương tiện hiện đại hỗ trợ hay có thể gọi thêm bác sĩ khác vào hội chẩn. Nếu sơ cứu ban đầu làm không tốt, bệnh nhân sẽ có thể không qua khỏi hoặc gặp những hệ lụy lớn về sức khỏe sau này”, bác sĩ Nguyễn Tất Thắng chia sẻ.
Cứu người là niềm vui và cũng là nguồn động lực lớn nhất giúp các y bác sĩ cấp cứu 115 vượt qua tất thảy khó khăn.
“Bình thường tập ép tim chỉ khoảng 5 phút là mệt. Nhưng không hiểu sao lúc cấp cứu bệnh nhân lại cảm thấy mình đột nhiên rất khỏe. Hình như suy nghĩ phải cứu người đã vượt qua cả những giới hạn của bản thân”, anh Thắng mỉm cười, nói.
Bài: Nguyễn Liên - Ảnh: Lê Anh Dũng - Thiết kế: Quốc Dũng
Chuyện người phụ nữ từng bị xa lánh vì lầm tưởng chuyên bán máu
39 tuổi, 82 lần hiến máu và 20 năm theo đuổi công việc vận động hiến máu, chị Nam lựa chọn gắn gần như cả cuộc đời mình với cái “nghề” phục vụ lợi ích cộng đồng.