icon icon

Lời tòa soạn: Tuy cùng cơ chế, chính sách nhưng rõ ràng địa phương nào dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới hoặc có tập thể, cá nhân lãnh đạo dám vì cái chung mà hành động thì luôn có kết quả tốt trong phát triển kinh tế- xã hội. Những địa phương trong loạt bài này đều đã đạt được những thành quả lớn ở nhiều hay từng lĩnh vực cụ thể.

Điểm lại một số thành tích Quảng Nam đạt được sau 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 34.642 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 12,8%, tăng gần 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này cao thứ 4 của cả nước, đứng vị trí thứ 2 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Nam ước tính đạt gần 60 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành). Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37,4%; khu vực dịch vụ chiếm 30,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,6%.

Những thành quả đó được cụ thể theo từng ngành nghề khác nhau, khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì phát triển, phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, đạt tốc độ tăng trưởng 22,7%.

Khu đô thị cổ Hội An.

Còn đối với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 25% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 16,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 25,3%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,6%.

Khu vực dịch vụ được phục hồi, khách du lịch tăng cao, tăng gần 6,5% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt gần 2,3 triệu lượt khách, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khách quốc tế ước đạt 91 nghìn lượt khách, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa ước đạt gần 2,2 triệu lượt khách, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.


Tổng thu ngân sách nhà nước đến cuối tháng 7/2022 là 21.300 tỷ đồng, đạt 90% dự toán, tăng 53% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa đạt hơn 15.563 tỷđồng, đạt 82% dự toán, tăng 33% so với cùng kỳ.

Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022-2023 của tỉnh Quảng Nam được ban hành vào đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh sẽ đặc biệt thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của Hành lang Kinh tế Đông Tây.

Một số dự án sẽ được tỉnh này ưu tiên thu hút như: Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp đô thị, Dịch vụ Nam Thăng Bình quy mô 655 ha…

Và một số khu đô thị khác như: Khu đô thị dịch vụ cao cấp Tam Anh quy mô 1.250 ha; Khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ quy mô 280 ha; Khu đô thị, du lịch lịch, dịch vụ ven sông, ven biển Bình Nam quy mô 550 ha…

Đến tháng 7/2022, tỉnh đã cấp mới 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổngvốn đầu tư 28,9 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 195 dự án vớitổng vốn đầu tư hơn 6,02 tỷ USD. Cấp mới 41 dự án đầu tư trong nước với tổng sốvốn đăng ký gần 7 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số dự án còn hiệu lực là 958 dự án vớitổng vốn đăng ký hơn 246 nghìn tỷ đồng.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đến tháng 7/2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu đạt 1,0 tỷ USD, tăng 15,9%; nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ.

Đến cuối tháng 7/2022, cả tỉnh có 823 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới,tăng 4,4% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt 5.085 tỷ đồng, giảm 13,8% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 6,18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 471 doanh nghiệp, tăng 42%. Số doanh nghiệp đã giải thể 137 doanh nghiệp, tăng 29% (tương ứng tăng 31 doanh nghiệp); số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 730 doanh nghiệp,tăng 29% (tương ứng tăng 163 doanh nghiệp).

Tuyến đường 129 nối các điểm khu công nghiệp trên địa bàn.

Về lĩnh vực dịch vụ, tỉnh dự kiến ưu tiên thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn như: Dự án khu thương mại dịch vụ du lịch dọc tuyến đường Tỉnh Thủy – Thượng Thanh quy mô 96 ha; Khu bảo tồn sinh thái kết hợp du lịch sông Đầm quy mô 621 ha; Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Tam Hải quy mô 120 ha; Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Phú Ninh quy mô 500 ha; Khu phi thuế quan gắn với Khu bến cảng Tam Hòa quy mô 747 ha.

Một số dự án quy mô khác đã và đang khiển khai như: Trung tâm Phát triển nông nghiệp Thadi - Chu Lai của Công ty CP sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi quy mô 3.000 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp của Công ty CP ô tô Trường Hải quy mô 2.095 tỷ đồng; Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An với quy mô 4.800 tỷ đồng…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định, sự phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm có đóng góp rất lớn của các khu kinh tế, khu công nghiệp. Địa phương luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thực hiện các dự án và cơ chế riêng để đảm bảo công việc…

Ông Thanh khẳng định các nhà đầu tư lớn đến với Quảng Nam thì không phân biệt trong nước hay nước ngoài, không phân biệt nhà đầu tư lớn "đại bàng" hay "chim sẻ". Tùy vào quy mô, tính chất dự án tỉnh sẽ có hỗ trợ cũng như cái sự phối hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chứ hoàn toàn không có việc rải thảm trước…

Mặt khác, Quảng Nam chuyển sang tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững cho nên những dự án có khả năng gây tác động đến ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến đời sống xã hội thì tỉnh sẽ có những yêu cầu phải điều chỉnh hoặc không chấp nhận. Công tác giải phóng mặt bằng khi gặp vướng mắc theo tiến độ, kế hoạch của nhà đầu tư thì điều đó cũng gây khó khăn…

“Quá trình hợp tác có rất nhiều trở ngại nên tỉnh Quảng Nam cùng các bên phải thấu hiểu để cùng nhau giải quyết", ông Thanh bày tỏ.

Trước những bứt phá trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực thương mại - dịch vụ, chưa đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, tuy nhiên đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giải ngân vốn đầu tư còn chậm.

Công tác lập Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm…

Để có những bước đi vững chắc trong thời gian tới, UBND tỉnh này đã xác định hàng loạt giải pháp để phát triển kinh tế.

Phát triển Khu công nghiệp, một trong những trọng điểm lớn của tỉnh Quảng Nam.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mở cửa, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Nam. Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng.

Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, gồm: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong giải quyết công việc; Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số tỉnh theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Kiều Oanh - Thiết kế: Hồng Anh

Tin nổi bật