Việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong chiến tranh trên không hiện nay đã trở nên phổ biến. Mỹ sử dụng chúng rộng rãi trong các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan bắt đầu từ những năm 1990, trong khi các UAV mới hơn, rẻ hơn cũng trở thành yếu tố đặc trưng cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Các phương tiện tự hành trên không và trên bề mặt biển có thể được điều khiển bằng vệ tinh và sóng vô tuyến. Song những phương tiện hoạt động sâu dưới đáy biển lại không hoạt động theo cách đó.

Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí Sensors của Thụy Sĩ chỉ ra rằng liên lạc dưới nước đòi hỏi nhiều năng lượng hơn và vẫn bị mất dữ liệu đáng kể do phụ thuộc vào các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, độ mặn và độ sâu.

Mới đây các chuyên gia quân sự đã chế tạo thành công các nguyên mẫu phương tiện không người lái dưới nước (UUV) mang tính đột phá, lấy cảm hứng từ những sinh vật biển như cá đuối và cá mập. Các phương tiện này hứa hẹn sẽ “cách mạng hoá” hoạt động trinh sát và giám sát dưới nước.

Khác với tàu ngầm thông thường hoặc phương tiện điều khiển từ xa (ROV), các UUV được cải tiến mô phỏng hình dạng và hành vi sinh học của những sinh vật dưới biển giúp thiết bị có thể hoạt động một cách bí mật chưa từng thấy trước đây.

Manta Ray (Cá đuối) là một dự án UUV kéo dài trong bốn năm giữa Northrop Grumman và Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Các chuyên gia lấy cảm hứng từ chuyển động uyển chuyển nhưng không kém phần hiệu quả về thuỷ động lực của loài cá đuối để tạo ra hệ thống đẩy phức tạp, mô phỏng tương đối chuyển động nhấp nhô của vây cá khi đang bơi.

Hình dạng cơ thể của cá đuối cực kỳ hiệu quả để bơi dưới nước, cho phép loài động vật khổng lồ này lướt trong nước bằng những cú vỗ chậm rãi, từ những chiếc vây giống như cánh. Phương pháp trượt cho phép chúng “tiết kiệm năng lượng và tối đa hóa hiệu suất chuyển động”. Hiệu quả đã được Mẹ Thiên nhiên “xác nhận”, khi trong suốt 100 triệu năm qua, cách thức chuyển động của cá đuối gần như không thay đổi.

Bằng cách khai thác những mô phỏng sinh học này, UUV sử dụng những chiếc quạt nhỏ có thể lướt dễ dàng qua các địa hình phức tạp dưới đáy biển, giảm thiểu tiếng ồn và độ xáo trộn nước, mở ra nhiều trường hợp ứng dụng, từ giám sát cơ sở hạ tầng dưới nước cho đến bí mật thu thập thông tin tình báo.

Trong khi đó, một trong những yêu cầu quan trọng với các UUV hiện đại là khả năng hoạt động giảm thiểu tối đa sự can thiệp của con người. Bởi vậy, chúng không chỉ phải tiêu tốn năng lượng tối thiểu, mà cần có khả năng lấy năng lượng từ chính môi trường. Khả năng tái tạo nguồn năng lượng cũng giúp giảm kích thước và trọng lượng của những chiếc UUV, giúp chúng càng khó bị radar phát hiện hơn.

Trong một video DARPA đăng tải hồi năm 2022, Manta Ray dường như sử dụng thiết bị thu năng lượng sóng để biến chuyển động nước thành điện năng, thay vì sử dụng cơ chế pin mặt trời yêu cầu thiết bị phải nổi lên mặt nước khi sạc.

Quote: UUV sử dụng năng lượng điện tối thiểu, không tạo ra dấu vết khí thải và có thể kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo sàng lọc lượng dữ liệu thu thập khổng lồ để sàng lọc những tín hiệu đáng ngờ.

Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Australia công bố “Ghost Shark”, nguyên mẫu tàu ngầm tự lái mà nước này gọi là “phương tiện tự hành dưới biển tiên tiến nhất thế giới”.

“Ghost Shark sẽ cung cấp cho hải quân khả năng tác chiến dưới biển một cách tự động, tàng hình, có tầm xa; có thể tiến hành hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) và tấn công liên tục”, trích tuyên bố của Bộ Quốc phòng Australia. Dự kiến, mẫu UUV này sẽ được bàn giao vào cuối năm sau.

Emma Salisbury, một thành viên tại Hội đồng địa chiến lược của Anh, cho biết Ghost Shark có vẻ giống với UUV cỡ lớn Orca đang được phát triển ở Mỹ. “Tôi cho rằng tất cả chúng đều nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ gần giống nhau – khả năng tình báo, giám sát, trinh sát và tấn công liên tục, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tàu ngầm”, Salisbury nói.

Tháng 12 năm ngoái, Hải quân Mỹ hé lộ mẫu UUV Orca do Boeing chế tạo, cho biết đây là “tàu ngầm diesel-điện không người lái, tự động, tiên tiến với mô-đun tải trọng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau”. 

Có mô-đun tải trọng đồng nghĩa về mặt lý thuyết, Orca có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau tùy theo nhiệm vụ hoặc được trang bị thiết bị chuyên dụng để trinh sát hoặc có thể thu thập thông tin tình báo.

Một tính năng quan trọng khác của Orca là hệ thống động cơ đẩy diesel-điện, cho phép nó lặn trong thời gian dài và di chuyển dưới nước một cách yên tĩnh. Động cơ diesel-điện kết hợp với pin lithium-ion, giúp Orca có thể hoạt động trên biển trong nhiều tháng và di chuyển với tốc độ khoảng 6km/h.

Thế Vinh

Thiết kế: Phạm Thị Luyện