SỐNG LO ÂU TRONG NHỮNG NGÔI NHÀ NỨT, GÃY VEN SÔNG HỒNG

Nhiều người dân ở xã Phong Vân, huyện Ba Vì (Hà Nội), tích cóp cả đời mới xây dựng được chỗ "chui ra chui vào", nhưng gần đây luôn nơm nớp lo sợ khi xung quanh bị sạt lở, tường nhà nứt toác, có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

Buổi trưa một ngày cuối tháng 5, bà Ngô Thị Dòn (xã Phong Vân, huyện Ba Vì) mang thóc ra sân phơi. Người phụ nữ tóc đã điểm nhiều sợi bạc kể về cái sân nứt từ đầu năm của gia đình. Miệng nứt rộng chừng 1cm, chạy dọc, cắt đôi mảng sân. Mới đây, gia đình đã trát lại xi-măng để phơi phóng ngày mùa. 

Tổ ấm của bà Dòn nằm ngay bờ kè xóm Bãi, thôn Vân Hội, cách cầu Trung Hà nối huyện Ba Vì và Phú Thọ chừng 1km. Phía trước nhà, nhìn ra là dòng sông Đà cuồn cuộn chảy.

Ngày bà còn thiếu nữ, bờ sông thoai thoải, con nước hiền hòa. Chiều chiều, người dân ra sông giặt giũ, phơi phóng. Đám trẻ cũng tha hồ tắm mát. Tới khi bà Dòn bước sang tuổi trung niên, thuyền bè qua lại tấp nập khu vực ngã ba sông để khai thác cát. Một khúc sông trở nên ồn ào suốt cả ngày lẫn đêm. 

Năm 2019, bờ sông sạt lở nặng. Hàng trăm mét vuông đất vườn của những nhà dọc xóm Bãi đổ ụp xuống lòng sông. Chính quyền xã kêu gọi bà con hiến đất làm bờ kè. Rất nhanh sau đó, phần đê kè Phong Vân được hình thành.

Khoảng vườn xanh tốt xưa kia biến mất, bờ sông thoai thoải hiền hòa chẳng còn. Khu vực bờ kè, mỗi nhà tăng gia sản xuất, trồng thêm vài luống rau, còn lại để cỏ dại mọc vì bên dưới chỉ toàn đá, khó canh tác. Đứng từ mép bờ kè nhìn xuống, sâu thêm vài mét mới tới mặt nước.

"Giờ không ai biết lòng sông sâu tới chừng nào, nên chẳng còn cảnh sinh hoạt chiều chiều quanh đó. Người lớn không dám lại gần, trẻ con càng không thể. Sau thời gian dài nạo hút khai thác cát, dòng chảy mỗi năm lại biến đổi, nước xoáy xuất hiện bất cứ đâu, nguy hiểm khôn lường", bà Dòn nói.

Những tưởng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó nhưng tới đầu năm nay, khoảng từ tháng Giêng, gia đình bà Dòn phát hiện những vết nứt nhỏ như chân rết quanh nhà. "Mới đầu tôi chỉ nghĩ có khi nắng mưa, phần mặt bê tông lâu ngày nứt nhẹ. Nhưng vết nứt phát triển rất nhanh, rồi chân tường nứt toác cả ra. Đi hỏi xóm giềng, hàng chục nhà đều tương tự", bà kể lại.

Hàng loạt ngôi nhà trong xóm Bãi bị nứt nguy hiểm

Bỏ lại mẻ thóc vừa cào xong, bà Dòn đi vòng ra lối cổng sau, cách chừng một khu vườn thì tới nhà hàng xóm. Chỉ vào ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa những giàn dây leo, bà Dòn giới thiệu đó là nhà cụ Đào Thị Ngân (90 tuổi).

Cụ Ngân từng sống một mình ở đây. Nhà bị ảnh hưởng nặng nhất vì đã cũ. Mảng tường toác hẳn ra, miệng rộng bằng cả bàn tay, nền nhà phù lên. Phía trong phòng ngủ, bờ tường nghiêng trông thấy. Cụ Ngân được con đón vào trong làng. Từ đó tới nay, ngôi nhà bị bỏ hoang.

Ngôi nhà của cụ Ngân hiện bỏ không vì hư hỏng

Trong những dãy nhà ven sông có hàng trăm người dân sinh sống này, ai nấy đều nơm nớp lo sợ vì tình trạng nứt nhà cửa. Họ quanh năm cày cấy, tích cóp một đời mới làm nên được chỗ "chui ra chui vào", nay lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhà của gia đình bà Dòn được xây năm 2017, còn khá mới, tưởng chừng kiên cố nhưng nay cũng có dấu hiệu mất an toàn.

Nhà chị Lực cách bờ đê một dãy vườn, không thẳng ra sông nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Trong nhà chị, phần tường chính nứt một vệt dài. Chồng chị đi làm ăn xa, gọi điện về dặn dò mấy mẹ con khi nào trời mưa gió thì tránh xa phần tường ấy ra, nếu ngấm nước mưa rất có thể bị đổ.

Vệt nứt chạy từ trần nhà xuống qua tường rồi ra đến sân. Gia đình đã cho đổ xi-măng vài lần nhưng không ăn thua. Những chỗ khác trong nhà đôi ba tháng lại có thêm vết rạn nhỏ. 

Chính quyền đã cắm biển thông báo khu vực có nguy cơ sạt lở quanh bờ kè và phải di dời trong trường hợp cần thiết, nhưng những người dân xóm Bãi như bà Dòn vẫn hoang mang. "Di dời thì đi đâu? Nếu nhà tôi sụp xuống, từng ấy con người sẽ ở đâu khi cả một đời tôi lao động chỉ đủ để xây một căn nhà như thế?", bà thắc mắc.

Trên lòng sông, những con tàu no cát ùn ùn qua lại. Tiếng máy chạy xình xịch từ sáng tới đêm. Không chỉ ngoài bờ kè, xóm Bãi mà tới tận sâu trong làng người ta vẫn nghe thấy những tiếng động cơ ấy.

Trước đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã mời các chuyên gia nghiên cứu, khảo sát sâu cũng như đánh giá nguyên nhân. Theo báo cáo của đoàn chuyên gia, nguyên nhân khách quan là địa chất khu vực này yếu, vị trí kè Phong Vân thuộc ngã ba hợp lưu sông Đà và sông Hồng nên dòng chảy phức tạp.

Nguyên nhân được xác định, tuyến kè đê bị nứt là bởi sự suy giảm lượng cát dưới lòng dẫn sông Đà. Dòng chủ lưu khi chảy qua nơi này có xu hướng dịch chuyển về phía kè Phong Vân, tạo ra hai hố xói lở lớn sâu 3-5m so với năm ngoái. Điều này khiến các công trình kè đê mất chân, tạo thành vách đứng, tăng nguy cơ sạt lở.

Huyện Ba Vì đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội phản ánh tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng ở địa phận xã Thái Hòa và xã Phong Vân thời gian qua diễn ra công khai, tấp nập. Tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy, làm sạt trượt chân kè và nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà, công trình dân sinh.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo chính quyền địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, chủ động di dời trong trường hợp khẩn cấp và có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác cát ở khu vực này để ổn định dòng dẫn. 

Theo phản ánh của người dân trong xóm Bãi, từ khi có quyết định ngăn chặn tình trạng khai thác cát, các tàu chỉ dừng làm việc buổi đêm, còn ban ngày từ 6h tới 17h, những con tàu chở đầy cát vẫn nối đuôi nhau qua lại. Những con tàu lớn với công suất hút cao, cắm rễ giữa dòng như những giàn khoan lớn. Các công ty cát nằm cạnh bờ sông, xe tải, công nông vẫn ra vào lấy cát mỗi ngày.

Đường đê Phong Vân và khu vực xóm Bãi bị ảnh hưởng