Bảy anh chị em chúng tôi từ một mái nhà ra đi rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Mỗi người mỗi nghề, mỗi người đuổi theo một ước mơ riêng, cứ vậy mà phiêu dạt rồi thành người hai quê. Dẫu vậy, lòng vẫn khắc khoải nhớ về quê cũ có bóng dáng mẹ cha luôn ngời sáng ánh mắt nghĩ về đàn con yêu lao động, biết cách tạo dựng tương lai nơi đất khách.

Ai cũng khen cha mẹ tôi nuôi con khéo quá, bảy đứa thì cả bảy ăn học đến nơi đến chốn. Có ai biết đằng sau con chữ và bước chân đến trường của chúng tôi thấm đẫm giọt mồ hôi lẫn nỗi lòng canh cánh của bậc sinh thành, chạy vạy lo cái ăn, tấm áo, rồi lo chuyện học hành của đàn con nối đuôi nhau đi học.

Nhớ nhất là những lần Tết đến. Mẹ thở vắn than dài ra cửa ngóng bóng cha chạy xe đường xa chưa về. Đàn con mới tí tuổi đầu đã biết gì là cơn sóng sánh âu lo và nỗi lòng buồn rười rượi của người lớn đâu. Bầy trẻ cứ nhao nhao hỏi “Bao giờ con có áo mới?”, “Đôi giày của đứa nào cũng đứt quai...”, “Sao Tết mà nhà mình không chưng cành mai vàng cho đẹp như nhà bên?”…

Lòng mẹ chắc đứt từng khúc ruột nhìn đàn con khát khao những niềm vui nho nhỏ trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau.

Cận Tết, bầy trẻ lao xao hơn, bóng mẹ tựa cửa nhiều hơn. Rồi người quen ghé vào bảo cha gửi ít tiền về, tranh thủ mà sắm sửa đôi chút kẻo tội các con. Mắt mẹ rưng rưng nhìn mớ tiền mà thương cha còn tất tả nơi xa kia!

Bố mẹ ở quê luôn ngóng con cái về thăm mỗi dịp Tết đến. (Ảnh: Khang Chu Long).

Thế là cả nhà xôn xao sắm Tết. Mỗi đứa được một bộ quần áo mới, giày dép mới, mũ nón mới. Nhưng do đi chợ Tết muộn quá, người ta mua hết đồ đẹp và giành hết size nhỏ nên bọn trẻ phải mặc quần rộng thùng thình hoặc áo chật ních. Con nít mà, có quan tâm gì đâu đến quần rộng và áo chật, chỉ cần biết mới là khoác vào người, hí ha hí hửng đi tới đi lui quanh nhà.

Xén nhỏ phần tiền cha gửi về, mẹ mua cặp gà cúng tất niên rồi mấy đòn bánh tét, dăm ba cặp bánh chưng và ít mứt trái cho đủ vị. Mấy chị lớn theo mẹ đi chợ Tết xách nặng đến lằn tay mà mặt mày hớn hở quá đỗi! Còn lũ em ở nhà được phân công dọn nhà, xếp góc học tập, lau chùi ly tách… Nhà tôi năm nào cũng “lao vào Tết” muộn mà vui như thế.

Mâm cúng tất niên dọn lên đủ đầy các món chiên xào. Mùi hương trầm tỏa ngào ngạt quanh nhà thơm phưng phức. Bầy trẻ nghiêm trang thắp nhang thành kính khấn nguyện, quẩn quanh vẫn là ước mơ “học giỏi”, “đạt thành tích xuất sắc”, “siêng năng hơn”…

Sau lời nguyện ước trước bàn thờ gia tiên, niềm tin vào những đổi thay trong năm mới bao giờ cũng mãnh liệt đến lạ kỳ!

Hương tàn, vàng mã đã hóa thành tro sau khi lửa bập bùng cháy. Mâm cơm đủ đầy thịt cá được dọn xuống và lũ trẻ nhanh chóng cầm chén đũa đợi chờ. Bàn tay mẹ lại gắp lia lịa, chia đều đùi gà cho các con. Bảy đứa con là bảy cái bắp đùi, da căng mịn bóng mỡ.

Tay cầm cái đùi cho vào miệng, há miệng thật to cắn ngập răng miếng thịt gà thơm ngọt… cảm giác ấy đến tận bây giờ vẫn neo đậu vẹn nguyên cảm xúc sung sướng trong lòng mấy đứa trẻ nghèo.

Miệng lép nhép nhai, tay và cơm rồi gắp thức ăn cho đến khi no căng rốn mới rời mâm cơm đứng dậy. Tuyệt nhiên chẳng đứa nào thắc mắc bảy cái bắp đùi gà ở đâu ra khi mẹ chỉ mua được có cặp gà làm cỗ. 

Thì ra, con đông mà đùi gà là món khoái khẩu của lũ trẻ nên mẹ đã khéo léo xẻ thịt con gà thành từng miếng lớn. Đặc biệt là phần vai cánh được xén thành hình thành dạng của cái đùi chắc thịt. Vị chi hai con gà chia bắp đùi cho bảy đứa con vẫn còn dư một cái.

Bí mật ấy được mẹ và chị lớn giữ kín mỗi khi nhà có lễ cúng giỗ. Và bọn trẻ cứ hồn nhiên chờ gặm đùi gà mà đôi khi đó là cánh gà chẳng biết nữa… Lớn hơn tí xíu, chúng tôi bắt đầu biết nhường chị nhường em. Mỗi con gà tự nhiên chỉ còn lại hai cái đùi và bao giờ cũng ưu ái dành riêng cho em út trong nhà, không còn phân bì tị nạnh như những ngày xưa.

Có lẽ ai cũng hiểu nỗi lòng và sự vất vả của mẹ cha mà chăm lo học hành. Chúng tôi có người chị cả học xuất sắc trở thành ngọn đèn sáng kéo đàn em theo nếp mà học. Nhưng có lẽ vì cao số như lời chị nói mà đến tận bây giờ, dù đã ngót nghét tuổi bốn mươi, chị vẫn chưa chịu xuất giá. Để rồi mỗi dịp ghé nhà, nhìn bóng chị lủi thủi lại thấy thương vô cùng!   

Tết này tụ họp mình lại kể cho nhau nghe câu chuyện về con gà có đến tận bốn bắp đùi nghen…

Độc giả: Ngọc Nguyên

Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.
'Còn ai tát nước chiều cuối năm?'

'Còn ai tát nước chiều cuối năm?'

“Hai chị em đã tát hết lượt ruộng chưa? Có kiểm tra lại bờ ruộng cẩn thận không?”. Bao năm qua, câu hỏi của mẹ tôi vẫn văng vẳng vọng về mỗi dịp chiều 30 Tết.