Lời tòa soạn: 

Miền núi Nghệ An, Thanh Hóa được biết tới là những vùng đất xa xôi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo nàn lạc hậu. So với miền xuôi, công tác xây dựng đảng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền địa phương và các tổ chức cơ sở đảng, đã xuất hiện nhiều cách làm hay để thu hút đảng viên. Đó là những chi bộ đầu tiên của các tộc người du canh du cư được thành lập, hay những con người từng theo phỉ trở về hoàn lương, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng...

Loạt bài của báo VietNamNet ghi nhận những câu chuyện đặc biệt trong việc phát triển đảng viên ở vùng biên viễn.

 

Mường Lát là huyện biên giới nghèo và xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, có khí hậu và địa hình phức tạp. Cuộc sống người dân nơi đây còn nghèo đói, canh tác lạc hậu. Đây cũng là vùng sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm tới 43%, nhiều hủ tục còn tồn tại.

Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết, trước những năm 2010, huyện có 26 thôn bản đặc biệt khó khăn, chủ yếu là bản người Mông. Từ câu chuyện khó khăn, dẫn đến việc suốt nhiều năm các thôn bản này không có người kết nạp vào Đảng.

Nhận thấy cần phải thay đổi tư duy cho người dân, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để phát triển kinh tế xã hội, huyện đã có nhiều cách làm, đưa được những thanh niên người Mông vào Đảng thông qua đề án 'Xóa trắng đảng viên ở 26 bản người Mông'. Và huyện cũng xem đây là một “cuộc cách mạng”.

Từ những yếu tố trên, năm 2010, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét và ban hành 'kết luận 50', giảm một số tiêu chí để đảm bảo kết nạp được đảng viên người Mông ở vùng đặc biệt khó khăn này.

“Xét về tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho giảm một số tiêu chí về trình độ văn hóa và việc xác minh, thẩm tra lý lịch đảng viên.

Về trình độ văn hóa, để có thể kết nạp đảng viên chỉ cần biết đọc, biết viết thành thạo là được (trình độ văn hóa càng cao càng tốt). Còn về điều kiện thẩm tra, xác minh lý lịch đối với quần chúng công tác, sinh sống ở Mường Lát trên 10 năm thì không cần phải về quê thẩm tra mà sẽ thẩm tra trực tiếp tại nơi sinh sống, lao động”, ông Xiết cho hay.

Tuy nhiên, theo ông, sau khi có 'kết luận 50', việc bắt tay vào triển khai cũng rất gian nan. Các cán bộ, chi bộ đảng đã phải thay phiên nhau xuống tận nhà dân để tuyên truyền, vận động tới từng người.

Ông Xiết kể: “Vốn dĩ người Mông họ thường sống du canh du cư nên rất khó khăn trong việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức. Cán bộ phải cắm bản, hướng dẫn cho họ cách làm ruộng, cách chăn nuôi để người dân hiểu. Dần dần dân bản mới tin”.

Đặc thù của đồng bào người Mông là sinh sống không ổn định, đa phần “một chốn bốn quê”, nên việc thẩm tra lý lịch ở Mường Lát lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn.

Để tìm được một thanh niên ưu tú giới thiệu vào Đảng đã khó, đến khâu đi xác minh lý lịch còn khó hơn rất nhiều. Nhiều lần, chi bộ phải đi xác minh đối tượng mất nửa tháng trời. Phải thẩm tra qua vài tỉnh, hoặc ở một tỉnh nhưng rất nhiều huyện khác nhau.

“Ngay kể cả ở nơi cư trú, cán bộ gặp được gia đình cũng rất khó. Thời điểm đó, những bản người Mông thường ở những địa bàn khó khăn, không đường, không điện. Bà con sống chủ yếu ở trong thung, trong rẫy có khi cả tuần, cả tháng mới về nhà một lần. Nhiều khi cán bộ đi vào được tới nơi thì lại không có ai ở nhà”, ông Xiết chia sẻ.

Đơn cử, là câu chuyện của Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý (cán bộ biên phòng tăng cường). Để đi thẩm tra lý lịch cho một đối tượng Đảng, anh đã phải vượt đường rừng hơn 10km, đi đi lại lại nhiều lần nhưng cũng chẳng thể gặp được gia đình họ. 

Đến ngày cuối cùng, anh không còn cách nào khác là phải nhờ người trong bản dẫn lên nương cách nhà rất xa mới có thể gặp được.

Nhờ những nỗ lực phi thường và thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, ở 24 chi bộ thực hiện theo 'kết luận 50' tại Mường Lát đã có 330 đảng viên sinh hoạt đều đặn. Đời sống nhân dân được nâng cao, các phong tục, hủ tục lạc hậu đã dần được xóa bỏ.

Chia sẻ, ông Triệu Minh Xiết cho rằng, thế hệ trẻ ở các thôn bản lớn lên thường đi làm xa nhà, nên công tác phát triển đảng viên mới còn nhiều khó khăn, trăn trở.

“Thường ở các thôn bản có khoảng 70% thanh niên không ở nhà, nhất là nam giới. Ban Thường vụ Huyện ủy thời gian tới sẽ tập trung vào các đối tượng nữ giới và các đối tượng trung niên, bởi trước đây mình chưa tập trung vào các đối tượng này”, ông Xiết cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, trước những năm 2010, cuộc sống của người dân ở các huyện miền núi rất khó khăn. Đặc biệt là ở huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông di cư tự do, chưa thông thạo tiếng phổ thông, trình độ dân trí thấp và vẫn còn một số hủ tục lạc hậu. 

Từ những yếu tố trên đã ảnh hướng lớn đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của các địa phương.

Thời điểm đó, toàn tỉnh Thanh Hóa có 20 thôn, bản chưa có đảng viên và 8 thôn, bản chỉ có 1-2 đảng viên, chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép. 

Đặc biệt, huyện Mường Lát có 26 bản (người Mông) di cư từ các tỉnh phía Bắc như: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… vào từ những năm 1989 đến năm 1997, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tam Chung, Trung Lý, Mường Lý.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 20/4/2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành kết luận số 50 về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa”.

Sau 13 năm (2010-2023) triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn số thôn, bản “trắng đảng viên” và “ghép chi bộ”. Từ đó, thay đổi tư duy, cách nghĩ, xóa bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Mông huyện Mường Lát nói riêng, giúp ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Hùng, để làm tốt công tác phát triển đảng viên, ngoài bám sát các chỉ đạo thì phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò cấp ủy, người đứng đầu các chi, đảng bộ. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, gắn bó với nhân dân, giúp người dân thấy được vai trò thực sự của đảng viên và tổ chức đảng trong cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, các địa phương, đơn vị phải làm tốt công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, giải quyết việc làm tại chỗ cho lực lượng thanh niên trong độ tuổi, giúp họ có điều kiện tham gia công tác và lao động sản xuất ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

“Để giữ chân được người Mông ở lại với bản làng, thay đổi được các tập tục và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Gần đây nhất, tháng 9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo. Các quần chúng ưu tú sau khi được kết nạp vào Đảng đều có cơ hội phát triển ở các vị trí công tác trong hệ thống chính trị của tỉnh”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết.

XEM THÊM:

'Chi bộ vùng lõi' giữa đại ngàn Pù Mát

'Chi bộ vùng lõi' giữa đại ngàn Pù Mát

Vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là nơi xa xôi, hẻo lánh, nhưng có một điều đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Đó là Chi bộ Đảng đầu tiên của bà con dân tộc Đan Lai đã được thành lập, phát triển.
Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Khi di cư từ huyện Mường Lát sang huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), trong 5 gia đình người Mông này có cả những đảng viên. Và khi đến vùng đất mới, dần dần, họ đã thành lập nên chi bộ và phát triển đảng viên trẻ ở vùng biên viễn