Giữa đại điện chật kín phật tử, tiếng chuông gia trì bất chợt ngân vang. Những xôn xao tiếng người im bặt. Không gian tĩnh lặng trong tiếng chuông ngân dài.

Trên sân khấu được trang trí bằng lá xanh và hoa tươi, thầy Minh Niệm tọa thiền trong an yên, tĩnh tại. Khi tiếng chuông nhỏ dần, thầy nở nụ cười an nhiên, hướng dẫn mọi người thiền, mời cái tôi an lành về an trú trong thân tâm.

Thầy thường bắt đầu những buổi pháp thoại chữa lành của mình một cách nhẹ nhàng, an nhiên như thế. Trong những phút giây tĩnh tại ấy, thầy giúp người có mặt rời bỏ mọi khổ đau, buông xả hết muộn phiền thế tục.

Thầy Minh Niệm vào chùa xuất gia năm 1992, khi 17 tuổi. Năm 24 tuổi, thầy gặp biến cố lớn nhất đời mình. Năm ấy, cha mẹ và một người em họ của thầy bị tai nạn, qua đời cùng lúc.

Nỗi đau quá lớn khiến thầy suy sụp, đau khổ. Thầy nhận ra trong ngần ấy năm tu hành, kinh điển không đi sâu được vào những tổn thương, không giải quyết được nỗi khổ, niềm đau của mình.

Nỗi đau ấy cũng khiến thầy mất phương hướng sống. Thầy đã nghĩ đến chuyện dừng lại con đường tu hành, để bước ra. Thầy muốn trở về đi học ngành y, giúp các em của mình.

Tuy nhiên, duyên tu hành vẫn còn, thầy cho mình cơ hội để suy nghĩ thêm. Rồi thầy rút lui về Bảo Lộc, Lâm Đồng và ở đó 3-4 tháng. Sau này, thầy phát hiện mình bị trầm cảm nặng.

Nhưng rồi thiên nhiên giúp thầy bừng tỉnh. Thấy cây cỏ, chim muông vẫn cần mẫn yêu và sống hết cuộc đời này, thầy nghĩ mình cũng phải sống hết một kiếp người cho đàng hoàng, rực rỡ.

Sau đó, thầy bắt đầu tập lại bài học cơ bản nhất của thiền nguyên thuỷ Vipassana qua một cuốn sách mang theo. Trong 2 năm sau đó, thầy đã đi những bước chân chánh niệm, càng đi càng thấy lòng nhẹ nhõm.

Trong một cuộc chia sẻ với PV VietNamNet, thầy Minh Niệm bộc bạch: “Thầy phát hiện mình bước qua một khúc quanh mới của cuộc đời. Thấy mình sống trở lại… Thầy gác kinh điển cao siêu qua một bên, tiếp xúc với cái đời thường nhất và biết mình đang sống.

Thầy nhận ra, trước giờ khổ mà mình cứ hướng ra bên ngoài, tìm cách giải quyết ở bên ngoài nên thất bại. Khi quay về bên trong, cảm nhận sự sống đi ngang qua, thầy thấy tất cả đều màu nhiệm”.

Năm 2001, thầy Minh Niệm có cơ duyên đến được Làng Mai, Pháp và ở đó 3 năm. Tại đây, thầy hạnh ngộ Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Sư Ông Làng Mai) và được Sư Ông khai thị rất nhiều điều.

Có thể nói, Sư Ông Nhất Hạnh, tăng đoàn Làng Mai đã giúp thầy Minh Niệm mời một con người khác trong mình bước ra. Cho đến bây giờ, phương thức hành đạo, cách đem thiền vào đời sống của thầy Minh Niệm chịu ảnh hưởng rất lớn từ Sư Ông.

Tuy nhiên, đến lúc thấy rằng pháp môn Làng Mai đối với mình như vậy là đủ, cần học hỏi thêm ở những vị thầy khác, sư Minh Niệm lại ra đi. Tại Mỹ, thầy gặp gỡ và trở thành đệ tử cuối cùng của thiền sư Sao Tejaniya.

Thiền sư Sao Tejaniya đã dạy cho thầy Minh Niệm phương pháp thiền nguyên thuỷ Vipassana trong hơn 3 tháng. Vị thiền sư cũng dạy cho thầy Minh Niệm cách quan sát tâm. Từ khởi điểm đó, thầy bắt đầu đi vào bên trong, luôn luôn quan sát chính mình từ cạn cho đến sâu.

“Khi hiểu được chính mình, tự nhiên mình dễ chấp nhận bản thân ở những khuyết điểm, những yếu kém, những cơn phiền não, khổ đau. Mình không còn chê trách, lên án hay buộc tội nó nữa”, thầy Minh Niệm nói.

Sau khi xuất bản sách Hiểu về trái tim và trở nên nổi tiếng, sư Minh Niệm quyết định tu bụi để bước ra khỏi vai thầy tu, đi tìm một phần khác trong con người của mình. Trong hành trình tu bụi này, thầy quăng mình vào điều kiện khắc nghiệt nhất có thể.

Thầy trèo non lội suối, làm tình nguyện viên ở các nông trường, trại dưỡng lão, đặc biệt là ở các trung tâm chữa lành tâm lý, làm một người bình thường, người phục vụ, không nổi tiếng. 

Thầy cũng đi cuốc đất, chăn cừu, tắm cho người già, ở chung với người vô gia cư, nấu ăn, cưa cây, xây nhà… những thứ mà ít bao giờ thầy làm, để quăng cái tôi của mình ra.

Chuyến đi ấy, điều lớn lao nhất mà thầy đạt được là sự không sợ hãi đến từ sự hiểu biết. Ngoài ra, chuyến tu bụi cũng giúp thầy Minh Niệm mất đi rất nhiều sự kì thị giữa con người với nhau.

Thầy Minh Niệm chia sẻ: “Ngày xưa ít nhiều thầy còn sự phân biệt. Giờ đây thầy có thể ôm được mọi đối tượng. Không có người tốt, người xấu, người lầm lỡ… Tất cả mình đều có thể đón nhận được.

Sau hành trình tu bụi là thầy thấy sống hết kiếp người rồi, thấy đã rồi. Những gì cần có trong cuộc đời thầy cũng có đủ hết. Cái còn lại chưa làm được là giúp đời, giúp người nhiều nhất có thể thôi”.

Để “giúp đời, giúp người nhiều nhất có thể”, thầy Minh Niệm và cộng đồng Miền tỉnh thức phát triển nhiều dự án mang tính nuôi dưỡng tâm hồn, nâng dậy tinh thần đại chúng khắp xa gần.

Điển hình là các chuỗi radio: Bình yên giữa biến động, Nâng dậy tâm hồn Chỉ tình thương ở lại được phát sóng trên YouTube và Spotify.

Thầy Minh Niệm còn mở khóa đào tạo Chuyên gia thiền chữa lành tại Đức Trọng, Lâm Đồng. Khóa đào tạo không chỉ giúp chữa lành những tâm hồn đang thương tổn mà còn hướng đến đào tạo các nhà chữa lành tâm lý bằng con đường thiền tập.

Đến nay, khóa đào tạo đã thu hút hơn 300 học viên tham gia. 

Một ngày mới ở nơi tu học của thầy Minh Niệm và các học viên bắt đầu từ lúc 4h sáng và kết thúc lúc 21h30. Lịch thực hành mỗi ngày có sự khác nhau.

Tại đây, học viên nghe pháp thoại, thiền leo đồi, thiền toạ, thiền buông thư, hát thiền ca, làm vườn, nấu ăn… Mọi người có thể ngồi cùng nhau bên bếp lửa lúc 5h sáng, cùng uống trà và lắng nghe câu chuyện của mỗi người. 

Đôi khi, những chia sẻ ấy không nhận được lời khuyên ngay lập tức. Tuy nhiên, sự có mặt, lắng nghe và đồng cảm của mọi người cũng đủ giúp họ vơi bớt nỗi khổ, niềm đau của mình. 

Đặc biệt, mỗi ngày ở đây, học viên luôn được nghe tiếng chuông chánh niệm. Cứ 15 phút tiếng chuông lại vang lên. Khi nghe tiếng chuông, mọi người sẽ dừng tất cả công việc mình đang làm để lắng nghe, hít thở sâu, trở về với giây phút hiện tại.

Khi đã quen, học viên nhận thấy tiếng chuông chánh niệm là phương pháp hữu hiệu để đưa tâm trí về hiện tại, giải tỏa căng thẳng cho cơ thể và tinh thần của mình. Qua đó, mỗi học viên có thể lấy lại năng lượng tích cực cho bản thân.

Trong khóa học, học viên có thể tham gia nhiều hoạt động theo thời khóa biểu. Tuy nhiên, đối với thiền tập, học viên phải tập luyện thường xuyên: Khi làm vườn biết mình đang làm vườn; khi đọc sách chỉ tập trung vào việc đọc sách; khi ăn chỉ tập trung vào việc cảm nhận thức ăn; khi đi lại cũng rất cẩn trọng và chậm rãi.

Ngay cả cách nói chuyện ở đây cũng được hạ tông tối đa. Lời nói ra chỉ vừa đủ cho người đối diện nghe… Những ngày ở đây, học viên đều tạm gác công việc, cuộc sống riêng để đến thực hành chánh niệm, tìm lại ý nghĩa cuộc sống và bình yên nội tâm.

Sau những ngày thực hành chánh niệm, buông hoàn toàn công việc... hầu như ai cũng lấy lại cảm giác bình yên, được tái tạo nguồn năng lượng tích cực. 

Thầy Minh Niệm khẳng định, trong cuộc đời này, không ai không khổ đau. Đó là điều không thể tránh khỏi, chỉ là nhiều hay ít mà thôi. 

Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách sống tỉnh thức ngay từ bây giờ thì khổ đau đó được giảm thiểu rất nhiều, sẽ đi qua rất nhanh và không để lại thương tổn. 

Thầy cũng nhắc nhớ rằng, cuộc đời này luôn có những khó khăn. Nhưng khó khăn và khổ đau là khác nhau.

Thầy nói: “Khi bạn chưa trưởng thành, chưa hiểu biết, chưa tu luyện, khó khăn có thể dễ dàng biến thành khổ đau. Nhưng khi bạn trưởng thành, tu luyện rồi, khó khăn chỉ là khó khăn mà không cần biến thành khổ đau.

Vì khó khăn biến thành khổ đau là do người ta phản ứng lên đó một cách thái quá và tiêu cực. Khổ đau là phản ứng của tâm lý, khó khăn là hoàn cảnh.

Hoàn cảnh không bao giờ né được. Nhưng chuẩn bị tâm lý thì chuẩn bị được. Giả sử khổ đau xảy ra thật thì đừng sợ. Vì khổ đau sẽ làm cho bạn hạnh phúc sâu sắc hơn rất nhiều”.

“Trên đời này, thầy chưa thấy ai có được một đời sống sâu sắc thật sự, trở thành nhà minh triết, nhà đạo đức lớn, nhà tư tưởng lớn mà không đi qua khổ đau. 

Sau khổ đau người ta sống sâu sắc, đằm lại. Người ta muốn đi tìm những gì bền vững hơn. Thành ra, khổ đau không quá đáng sợ đâu. Mọi khổ đau đều có mặt tích cực của nó”, thầy chia sẻ thêm.

Thiết kế: Phạm Luyện

Ảnh: Nhân vật cung cấp