Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Giáp Thìn, nhiều thương lái dồn dập tập kết các loài hoa, cây cảnh ở những tuyến phố được thành phố Vinh cấp phép bán hàng. Nhiều “tay thợ”, cả người bán chuyên nghiệp trổ tài cắm các loài hoa để phục vụ người dân.

Để cắm hoa lan theo ý muốn của khách hàng cũng như thể hiện được độ “phiêu” trên các gốc cây, chậu sứ là điều không phải ai cũng có thể làm.

Đang miệt mài cắm những cành hoa lan, anh Bùi Văn Tuấn (quê ở Thanh Hoá) dừng tay chia sẻ, những ngày thường, anh làm thợ sơn nhà cửa. 3 năm qua, những ngày gần Tết, anh chuyển nghề đi cắm hoa. Bình quân mỗi ngày, cắm cao nhất hơn 100 cành lên chậu hoặc thân gỗ lũa.

W-hoa-lan-3-1.jpg
Anh Bùi Văn Tuấn đang cắm hoa ở một cửa hàng tại đại lộ Lênin, TP. Vinh, Nghệ An. (Ảnh: Quốc Huy)

“Cắm hoa là cả một nghệ thuật, riêng cắm hoa lan phải nâng niu, không được vội. Chỉ cần bất cẩn gãy cành hoa là mất mấy trăm nghìn đồng và cành đại tới hơn 3 triệu đồng. Có lúc cắm cành hoa 2 anh em còn run tay. Nhưng bằng kinh nghiệm làm càng chậm càng chắc, trong trường hợp ép số lượng dễ bị rủi ro” - anh Tuấn chia sẻ.

Còn anh Lê Văn Mạnh (sinh năm 1987, cùng quê ở Thanh Hoá), cho biết hàng năm vào dịp gần Tết, ai có nhu cầu cắm hoa lan anh đều liên hệ để làm. Công việc bắt đầu bận rộn từ đầu tháng 12 Âm lịch.

“Đưa hoa lên gỗ lũa nhiều lúc phải thả hồn, chọn hoa, chọn lũa và tạo thế để có một tác phẩm đẹp. Năm nay Giáp Thìn nên việc cắm hoa theo linh vật, biểu tượng được khách hàng quan tâm và gửi gắm. Ví dụ tuỳ theo gỗ lũa để cắm hình linh vật rồng hay trứng rồng hoặc ngọc” - anh Mạnh chia sẻ.

W-hoa-lan-2-1.jpg
Anh Lê Văn Mạnh là người cắm hoa chuyên nghiệp, cho thu nhập cao. (Ảnh: Quốc Huy)

Cũng theo anh Mạnh, cắm hoa lan không được vội vàng nên chủ cửa hàng khoán theo cây. Mỗi cây lên chậu sẽ được trả từ 15.000-20.000 đồng. Bình quân thu nhập những ngày Tết từ 2-3 triệu đồng.

Một chủ tiệm hoa lan trên trục đường Lênin, TP. Vinh chia sẻ, hơn 1 tuần trước, chị nhập về hơn 2.000 cây hoa lan từ thành phố Đà Lạt, được vận chuyển qua đường hàng không. Vận chuyển hoa lan đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công nên đường hàng không nhanh chóng và đảm bảo an toàn.

Trong 5 ngày đầu đưa hoa về TP. Vinh, chủ tiệm bán hoa lan hồ điệp ở Đà Lạt thuê 4 thợ chuyên nghiệp về cắm hoa lên chậu sành, sứ, kệ gỗ lũa làm tiểu cảnh trưng bày những ngày Tết.

“Những ngày đầu số lượng hàng về nhiều, việc cắm hoa trả đơn cho khách hàng đặt trước tăng cao nên công thợ mỗi ngày cho thu nhập hơn ngày thường. Bình quân mỗi thợ làm việc cho thu nhập từ 4-5 triệu đồng/ngày. Bây giờ chỉ cần 2 thợ làm việc trong ngày, mỗi cành trả công thợ 20.000 đồng” - chị Hiền Lương chia sẻ.

W-hoa-lan-1-1.jpg
Chậu lan được cắm theo ý tưởng "trứng của rồng" trên thân gỗ lũa phục vụ xuân Giáp Thìn. (Ảnh: Quốc Huy)

Cũng theo chủ tiệm hoa lan này, để cắm được một tiểu cảnh hoa lan lên thân gỗ lũa cũng giống như vẽ một bức tranh nghệ thuật, người thợ cần nhiều thời gian, độ lặng để suy nghĩ, sáng tạo thế và hình cho tác phẩm.

Đáng chú ý, chị Lương cho hay, trên thị trường lan hồ điệp là chủ đạo, tuy nhiên vẫn còn nhiều loại lan từ Trung Quốc giá bán rẻ hơn, chất lượng kém do đi bằng container ướp lạnh.

"Nhiều người dân không thể phân biệt được giữa hoa lan hồ điệp Trung Quốc và Đà Lạt, chỉ những người thợ cắm hoa chuyên nghiệp mới phát hiện ra. Việc hoa lan từ nước ngoài đổ bộ về xen lẫn ít nhiều làm ảnh hưởng đến những chủ tiệm bán hoa lan Đà Lạt” - chị Hiền Lương chia sẻ.

W-hoa-lan-6-1.jpg
Khách hàng đến chọn hoa sau khi những người thợ đã xong phần việc của mình. (Ảnh: Quốc Huy)

Cũng theo chị Hiền Lương, việc buôn bán lan cũng giống như “một canh bạc” nếu không làm đúng, tạo ra giá trị thực sự thì nguy cơ không có lãi và đánh mất khách hàng. Chậu lan bán ra phải bảo hành 1 tháng trong suốt thời gian khách hàng đưa về nhà sử dụng những ngày Tết đến xuân về.

W-hoa-lan-8-1.jpg
Hoa lan khoe sắc ngày Tết. (Ảnh: Quốc Huy)
W-hoa-lan-9-1.jpg
Một nhành lan hồ điệp đến từ nhà vườn Đà Lạt. (Ảnh: Quốc Huy)
W-hoa-lan-10-1.jpg
Lan hồ điệp được người thợ khéo léo đưa lên chậu sứ hay gỗ lũa đẹp mắt. (Ảnh: Quốc Huy)