Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường THPT chuyên, trường công lập, trường tự chủ tài chính, trường tư thục và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức cho học sinh xác nhận và tiếp nhận hồ sơ học sinh trúng tuyển bổ sung chỉ trong ngày 28/7.
Hình thức xác nhận nhập học đối với học sinh trúng tuyển bổ sung là trực tiếp tại trường nơi học sinh trúng tuyển. Vì vậy, các thí sinh trúng tuyển bổ sung, trúng tuyển sau phúc khảo cần lưu ý quy định này để thực hiện đúng, tránh lỡ mất cơ hội.
Để bảo đảm thực hiện đúng các quy định chung, thí sinh cần chủ động chuẩn bị sẵn các giấy tờ liên quan trước ngày nhập học.
Hồ sơ nhập học lớp 10 bao gồm: Giấy khai sinh (bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực); phiếu báo kết quả thi; bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời (đối với học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023) do trường THCS, THPT có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp.
Ngoài ra, thí sinh cũng cần mang theo học bạ (bản chính); chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của học sinh hoặc cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của học sinh.
Theo đúng kế hoạch từ ngày 1/8, các rường phải nộp về Sở GD-ĐT Hà Nội danh sách học sinh trúng tuyển lớp 10 THPT năm học 2023-2024.
Hà Nội tăng chỗ học trường công
Đầu tháng 7/2023, Sở GD-ĐT Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội và xin Bộ GD-ĐT cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn trước mắt giải quyết chỗ học cho học sinh, trong đó có việc nâng sĩ số học sinh/lớp lên 10% (từ 45 lên 50 em); tăng 10% số lớp học trong mỗi trường (từ 45 lên 50 lớp/ trường); áp dụng thay diện tích đất/ học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Nếu đề xuất này được các cấp quản lý thông qua, Hà Nội sẽ áp dụng đối với các trường THPT công lập tại các quận nội thành và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành ngay từ năm học 2023-2024.
Hà Nội hiện có hệ thống trường công lập, trường tư thục, Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp đủ chỗ học cho học sinh nhưng vẫn cần đảm bảo đủ chỗ ở trường THPT công lập nếu học sinh có nhu cầu tiếp tục học tập.
“Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học, Bộ GD-ĐT yêu cầu Hà Nội có giải pháp khẩn trương tăng chỗ học, tăng trường THPT công lập đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Trong trường hợp bất đắc dĩ có thể xây nâng tầng cao hơn, tính diện tích sàn/học sinh thay cho diện tích đất/học sinh nhưng phải đảm bảo an toàn, quy cách do Bộ Xây dựng quy định”, ông Sơn nói.
Trước ý kiến việc chuyển trường của học sinh lớp 10 khó khăn bởi tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương hỗ trợ tối đa người học, không đặt ra rào cản nào với các em muốn chuyển trường.
Trượt hết các nguyện vọng vào lớp 10 công lập ở đợt xét tuyển lần 1, trường tư cũng không đủ điểm để vào, nhiều học sinh Hà Nội chấp nhận đi xa để được học trường công lập.
Theo các lãnh đạo trường THPT, chọn tổ hợp môn tự chọn lớp 10, học sinh phải căn cứ vào nhiều yếu tố như năng lực, sở thích bản thân, thế mạnh nhà trường... hạn chế việc giữa chừng phải đổi tổ hợp.