60 năm công tác trong ngành y, có những ca cấp cứu hằn sâu trong tâm trí ông. Đó là ca cấp cứu lúc nửa đêm cách đây nhiều năm, rơi vào ngày 30 Tết. Ông và gia đình tất bật chuẩn bị đón giao thừa, bất ngờ nghe tiếng chuông cửa dồn dập.
Trước mặt vị bác sĩ là một người đàn ông, khuôn mặt hớt hải, mời bác sĩ đến nhà khám cho vợ mình. Không chần chừ, ông Chương xách túi đồ nghề, đến nhà người này.
Ông khám cho nữ bệnh nhân trong tình cảnh nhà mất điện, gia đình phải thắp nến và dùng đèn pin soi.
“Qua thăm khám lâm sàng, tôi chẩn đoán bệnh nhân bị chửa ngoài dạ con, vỡ ống dẫn trứng, khả năng máu bắt đầu chảy bên trong. Tôi yêu cầu gia đình gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Tại đây, ê kíp cấp cứu lấy ra được 1,8 lít máu, truyền ngược trở lại cho bệnh nhân, nhờ đó chị mới qua cơn nguy kịch”.
Một trường hợp khác, cũng được ông Chương cứu sống trước lưỡi hái tử thần. Vị bác sĩ lớn tuổi trầm ngâm kể: “Một hôm tôi đi vắng, đến tối mới về đến nhà. Năm đó bà nhà tôi còn sống. Thấy tôi mở cửa, bà vội báo có nam bệnh nhân vừa đến, nằm trên tầng 3.
Tôi lên kiểm tra, lúc này bệnh nhân đã không nói được nữa, mặt tái mét. Bệnh nhân có triệu chứng của bệnh chảy máu dạ dày. Tôi làm công tác sơ cứu, sau đó gọi cấp cứu 115 chuyển đến viện. Vừa đưa xuống tầng 1, bệnh nhân bắt đầu nôn ra máu”.
Đêm đó ông đích thân đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu. Trường hợp này còn thuộc nhóm máu AB (nhóm máu hiếm – PV), bệnh viện lại đang thiếu. Trước tình thế cấp bách, bác sĩ Chương gọi điện đến các bệnh viện, nhờ người quen, bạn bè huy động, kịp thời mang máu về truyền cho bệnh nhân.
Có mặt tại phòng khám ngày 6/3 là bà Trần Thị Sâm (78 tuổi, Nghệ An). Bà Sâm bị bệnh khớp nhiều năm nay. Dịp Tết vừa qua, bệnh nặng đến mức bà phải ngồi một chỗ. Việc sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tắm giặt… đều cần người hỗ trợ.
“Có những ngày, tôi chỉ biết quay mặt vào tường khóc vì đau và nghĩ mình làm phiền đến các con”, bà nhớ lại.
Cuối cùng, sau khi chữa trị ở nhiều nơi nhưng kết quả không như mong muốn, bà Sâm đến phòng khám của bác sĩ Chương.
“Sau một thời gian điều trị bằng máy vật lý trị liệu, phục hồi chức năng kết hợp Đông - Tây y châm cứu, hiện tôi đã có thể đi lại được khá hơn”, bà Sâm nói.
Cũng đang tập tuyện ở phòng khám bác sĩ Chương, bà Thảo (74 tuổi) bị thoái hóa đốt sống cổ, đau khớp gối và tay từ nhiều năm nay. “3 năm trở lại đây, bệnh càng nặng. Tôi đi lại phải dùng gậy, cầm chiếc bát cũng không nổi”, bà kể lại.
Nghe thông tin về phòng khám, bà nhờ con chở đến để điều trị hàng ngày. “Giờ bệnh khá hơn, tôi có thể làm được một số việc nhà như rửa bát, nấu cơm…”, bà vui vẻ chia sẻ.
Bệnh nhân Yến (72 tuổi) chia sẻ thêm, nhiều trường hợp từ các tỉnh thành khác hay Việt kiều từ nước ngoài cũng tìm đến đây điều trị.
“Tôi dành cả đời cho y học”, vị tiến sĩ sinh năm 1935 nhớ lại cuộc đời của mình. Tiến sĩ Chương tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội vào năm 1959. Năm 1980, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Bulgaria và về nước để công tác.
Năm 1992, sau khi nghỉ hưu, tiến sĩ đã từ chối nhiều lời mời của một số bệnh viện, phòng khám tư để về mở phòng khám tại nhà. Phòng khám của ông được đặt ở tầng 1 của căn nhà 3 tầng, chia thành 2 phần: phòng điều trị và phòng phục hồi chức năng.
Các thiết bị, máy móc phần nhiều được ông mua từ khi mới mở phòng khám bằng số tiền tự dành dụm được sau khi nghỉ hưu. Vì vậy ngoài việc khám bệnh miễn phí, đối với những người phải làm vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tùy theo hoàn cảnh của bệnh nhân, ông thu một khoản tiền nhỏ để đầu tư máy móc, trang thiết bị.
“Một ngày làm việc của tôi bắt đầu 7 giờ sáng. Sau khi khám, hướng dẫn bệnh nhân tập luyện, tôi nghỉ trưa vào lúc 11 giờ. Phòng khám tiếp tục mở cửa vào lúc 1 giờ chiều. Mỗi ngày tiếp từ 30-40 bệnh nhân, tôi kết thúc công việc khi đồng hồ đã chuyển sang 6, 7 giờ tối”, ông kể.
“Tôi mở phòng khám này chỉ với 2 lý do. Hiện còn nhiều bệnh nhân nghèo, không có tiền để chữa trị ở các bệnh viện. Bên cạnh đó, sau khi nghỉ hưu, tôi thấy mình vẫn còn sức khỏe để lao động”, ông lý giải về hơn 25 năm chữa bệnh miễn phí.
Sau khi được chữa khỏi, nhiều bệnh nhân quay lại cảm ơn ông. Vào các ngày lễ Tết, họ mang quà đến biếu nhưng ông từ chối. “Cho đi cũng là một cách để nhận lại. Tôi chữa trị cho bệnh nhân cũng là cách giúp mình rèn luyện sức khỏe”, bác sĩ Chương cho biết.
Bác sĩ Chương có 7 người con gái, các con ông phần nhiều đều theo ngành của bố. Vợ mất, các con đều đã lập gia đình, hiện một mình ông đang sinh sống tại căn nhà cũng chính là phòng khám của mình.
Chia sẻ về việc khám bệnh với chi phí 0 đồng, ông Chương nói: “Tôi chẳng mang gì sang được thế giới bên kia. Vì vậy còn một ngày để sống, tôi vẫn cố làm việc để trả lại cho đời những gì mình đã được nhận”.
Bài và ảnh: Ngọc Trang - Diệu Bình
Thiết kế: Lê Hiếu