Lễ hội vật cầu của làng Thúy Lĩnh có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Khi đó, thái tử Linh Lang, con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông, thường tổ chức lễ hội vật cầu để quân sĩ vui chơi mỗi dịp tết đến xuân về và cũng là cách để ông rèn luyện sức khỏe cho quân sĩ.
Cầu được làm bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng và có trọng lượng theo từng độ tuổi, những vận động viên chính thức sẽ thi đấu với trái cầu nặng 20 kg, các vận động viên dưới 17 tuổi thì thi đấu với trái cầu 15 kg còn dưới 13 thì thi đấu với trái cầu nặng 10 kg
Vật cầu có 4 đội canh 4 hố, hình thức thi đấu được mô phỏng theo hình thức luyện quân của thái tử Linh Lang Đại Vương.
Vật cầu là môn thể thao rèn luyện không chỉ cả thể lực mà còn cả trí lực, đòi hỏi người thi đấu mưu trí, nhanh nhẹn, có tư duy phán đoán nhanh nhậy, sự phối hợp với các thành viên trong của đội mình thật tốt để đưa quả cầu về hố do Ban tổ chức quy định.
Dựa theo nghi thức cổ truyền, mỗi giải đấu sẽ có 12 đội tham gia, mỗi đội có từ 6-8 thành viên chia thành các bảng đấu. 8 đội mang được nhiều cầu về lỗ của đội mình nhất, sẽ được tham dự lượt chung kết.
Giải thưởng hội vật chỉ là những món quà nhỏ mang ý nghĩa vui nhộn ngày xuân, nhưng trên hết đó là sự kế thừa truyền thống cha ông, khích lệ tinh thần thượng võ dân tộc, đồng thời lưu giữ một nét độc đáo trong bức tranh văn hóa đa sắc màu đất Thăng Long – Hà Nội.