Bố tôi mất năm tôi 5 tuổi, chị hai 7 tuổi, em út mới tượng hình trong bụng mẹ. Một mình mẹ tôi bươn chải để lo cho 3 đứa con nheo nhóc: sáng đi làm ở cơ quan, tối về tất bật bán nước mía, bán bánh bao kiếm thêm ít tiền chợ. 

Chị em tôi, ban ngày đi học, tối về cũng lăm căm, lụi cụi phụ mẹ buôn gánh bán bưng. Mùa Tết cũng là mùa tôi thích nhất trong năm: không phải đi học, được ngủ dậy trễ, được ăn những món thật ngon, được mẹ chở đi chơi ngắm phố phường. Chúng tôi bán hàng cũng đắt khách hơn bình thường, đôi lúc còn được khách lì xì thêm…

Vì chỉ có mình mẹ bươn chải nên nhà tôi thuộc diện khó khăn. Đồ đi học tôi toàn mặc của chị hai để lại, chỉ có dịp Tết là được mẹ dẫn đi chợ Tân Bình, mua cho mỗi đứa một bộ đồ mới. Có năm là chiếc đầm bông rực rỡ trên nền đen, có năm là chiếc đầm xanh nền nã, có năm là áo sát nách mặc với quần bó đen.

Những phong bao lì xì đỏ thắm được trẻ con nâng niu. (Ảnh minh họa: Pexels).

Tôi đã ôm chiếc đầm của mình, chờ đến ngày mùng 1 Tết, mặc vào và hóng mẹ chở đi nhà dì Lâm, dì Lài, chú Vinh… mà thật ra là hóng những phong bao lì xì từ chú, dì. 

Hồi đó, chúng tôi chưa biết xài tiền và cũng không có nhu cầu xài tiền. Nhận lì xì xong, chờ khách về, mấy chị em rón rén mở ra đếm, đến hết Tết gom góp lại đưa cho mẹ để phụ mẹ đóng tiền học.

Nhà tôi ở khu tập thể, phía sau là con hẻm nhỏ. Ở đó, cứ mỗi hai mươi mấy Tết là người ta lại thổi lửa nấu những nồi bánh chưng to đùng.Thế nên, mỗi lần nhìn xuống, thấy hàng xóm đem nồi ra chà rửa là tôi biết Tết đang đến thật gần.

Thật tình mà nói, mỗi lần nấu bánh, theo hướng gió, tất cả các luồng khói xộc thẳng vào cái phòng nơi nhà tôi ở. Lúc đầu, tôi còn hít hà để cảm nhận mùi Tết thân thương, nhưng chỉ được một lúc là nhà tôi phải đóng hết cửa sổ, “tháo chạy” ra trước cửa nhà ngồi vì không thở được. 

Vậy mà không hiểu sao cứ mong chờ, vẫn cảm giác hụt hẫng khi có năm nào đó, hàng xóm “bỏ quên” cái thủ tục quen thuộc này.

Bên cạnh nhà tôi là chợ Tân Bình. Tôi thích nhất cái khoảng thời gian trước Tết, thích cái không khí mọi người chộn rộn sắm sửa, thích những sạp bánh mứt đủ màu người ta bày bán duy nhất vào những ngày trước Tết Nguyên đán, ngay giữa lòng chợ, thích cái tiếng rao “lì xì lèo xèo, xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng”. 

Cho nên, hầu như ngày nào, tôi cũng “kiếm cớ” len lỏi vào các góc chợ, chỉ để ngắm nhìn dòng người qua lại, chỉ để nhìn những cái đầm người ta treo trên cao và ao ước vì tôi làm gì có tiền để mua.

Vào ngày 30 Tết, chúng tôi sẽ được dọn hàng sớm hơn mọi ngày một tẹo, để phụ mẹ lau chùi nhà cửa thật sạch sẽ, bày biện mâm cúng Tết, thắp nén nhang trầm thật thơm cho bố, cầu mong bố phù hộ cho gia đình một năm mới bình an và bán đắt hàng. 

Sau đó, cả nhà sẽ cùng nhau xem chương trình Táo Quân, nghe hàng xóm đốt pháo ì đùng. Đúng 0h, cả nhà kéo ra trước hiên, xem bắn pháo hoa và “phá cỗ” giao thừa. 

Dù nhà tôi không được khá giả, nhưng 3 ngày Tết, nhà tôi luôn đủ đầy: mứt dừa đủ màu sắc, mứt gừng cay cay, thịt kho trứng sóng sánh màu mật ong, bánh chưng xanh mướt, chả lụa loại đặc biệt, hạt dưa đỏ đỏ, dưa hấu no tròn. 

Có vẻ như, mẹ gom góp cả năm trời, chỉ để cho chúng tôi được ăn no những ngày đặc biệt ở đầu năm.

Những ngày Tết vui vẻ trong căn hộ chung cư chật chội, cũ kĩ đã theo tôi lớn lên mỗi ngày, và trở thành một phần kí ức thật đẹp mà tôi luôn trân trọng cất giữ cho riêng mình. 

Rồi chúng tôi lớn lên, cuộc sống cũng khá dần lên, niềm vui mong chờ Tết đến bớt háo hức hơn ngày xưa. Rồi tôi lấy chồng, nhà chồng tôi bên Đạo nên không có những tập tục cúng giao thừa, mùng 1, mùng 3 như nhà má tôi. Nhưng nỗi nhớ về những ngày Tết xưa vẫn luôn vẹn nguyên trong tim tôi mỗi độ xuân về. 

Mùi nhang trầm trong 3 ngày Tết vẫn là mùi khắc khoải nhất với tôi, gợi nhớ cho tôi về ngôi nhà yêu thương của 4 mẹ con ngày nào. 

Ai cũng nói rằng ngày nay Tết chán lắm, chả có gì vui. Phải chăng khi chúng ta đủ đầy về vật chất, chúng ta lại cần món ăn tinh thần nhiều hơn.

Tết ngày nay không còn hương vị xưa, hay vì chúng ta không còn là những đứa trẻ vô lo của ngày xưa?

Độc giả Thùy Linh

Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn