Khoảng hơn 3 năm về trước, cứ tầm này, vợ tôi lại dặn dò cô bạn làm ngân hàng đổi hộ ít tiền mới để Tết mừng tuổi người già, trẻ nhỏ. Sau đó, cô ấy sẽ sấp ngửa mua quà cáp, bánh trái rồi xếp đầy một góc nhà để ngày Tết đi biếu họ hàng.

Vợ tôi thường chuẩn bị tiền lì xì từ trước Tết cả tháng. Ảnh minh họa

Nhà bố mẹ tôi và nhà bố mẹ vợ cách nhau 200km. Tết đến, vợ chồng con cái phải ăn Tết với ông bà nội, đến mùng 3 mới đưa nhau về quê ngoại. Vì vậy, để bố mẹ vợ không tủi thân, hai vợ chồng thường bố trí về biếu Tết sớm - khoảng 26, hoặc 27 tháng Chạp.

Trong chuyến đi ấy, ngoài số quà bánh vợ tôi đã mua xếp đầy một cốp xe, hai vợ chồng thường mang về dăm bảy triệu tiền mặt để biếu bố mẹ vợ. Số tiền chẳng nhiều nhặn gì nhưng là tấm lòng của các con nên bố mẹ vợ tôi luôn nhận một cách vui vẻ.

Thói quen đó đã theo chúng tôi hơn chục năm - kể từ khi hai vợ chồng kết hôn. Thế nhưng, dịp Tết năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi không dám đi lại nhiều.

Để có thể biếu Tết bố mẹ vợ và những người họ hàng thân thiết, vợ tôi nghĩ ra cách chuyển khoản rồi gọi video nói chuyện. Ban đầu, mấy người trong họ có vẻ bất ngờ, nhưng sau đó, ai cũng công nhận việc biếu Tết như vậy là rất tiện. Họ hàng quan tâm được đến nhau mà vẫn phòng dịch tốt.

Vài người còn học theo cách làm của vợ chồng tôi để biếu Tết anh em, họ hàng của mình.

Tết 2022, thấy dịch bệnh đỡ căng thẳng, tôi giục vợ đặt vé cho cả nhà đi du lịch dịp Tết Nguyên đán.

Đêm giao thừa ở một nơi xa nhưng chúng tôi vẫn kết nối với gia đình bằng cách gọi video. Đến sáng mùng 1, trước khi ra khỏi khách sạn để tận hưởng chuyến du lịch, vợ tôi dành 15 phút để chuyển khoản lì xì bố mẹ, các em, các cháu và những người thân thiết khác trong họ.

Ai nhận được lì xì cũng bảo, vợ chồng tôi chu đáo, đi du lịch nhưng vẫn không quên gia đình, họ hàng và mang niềm vui đến cho mọi người.

Vợ tôi nghe xong có vẻ rất hãnh diện với cách làm của mình. Cô ấy còn nói, thời đại 4.0, chỉ cần có lòng hướng về nhau, mọi việc sẽ được công nghệ giải quyết hết.

Nối tiếp suy nghĩ đó, hôm qua khi tôi nhắc đến chuyện chuẩn bị Tết. Cô ấy tỏ ra rất điềm tĩnh và nói: “Trước cứ sấp ngửa mua sắm suốt cả tháng. Giờ chẳng cần nữa. Muốn mua gì thì lên mạng đặt, họ mang tới tận nhà. Ngày Tết, nếu không thể gặp nhau thì vẫn có thể quan tâm nhau bằng cách chuyển khoản lì xì…Thế nên, Tết bây giờ, em thấy nhẹ nhàng lắm, không việc gì phải lo lắng quá”.  

Nghe vợ nói, tôi cũng gật gù. Đúng là thời đại 4.0, chỉ sợ không có tiền, còn lại, cái gì cũng tiện.

Độc giả Hữu Nghĩa

Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn
Vỡ òa tiếng 'ting ting' chiều cuối năm

Vỡ òa tiếng 'ting ting' chiều cuối năm

Một năm trôi qua nhưng tin nhắn ngày hôm đó khiến tôi nhớ mãi. Nó không chỉ mang đến cho gia đình tôi một cái Tết ấm no mà còn là sự khởi đầu cho một mối quan hệ mà tôi từng không dám mở lời.
'Còn ai tát nước chiều cuối năm?'

'Còn ai tát nước chiều cuối năm?'

“Hai chị em đã tát hết lượt ruộng chưa? Có kiểm tra lại bờ ruộng cẩn thận không?”. Bao năm qua, câu hỏi của mẹ tôi vẫn văng vẳng vọng về mỗi dịp chiều 30 Tết.