- Vì sao ông quyết định chọn vùng đất nằm ngoài rìa của tỉnh để đầu tư làm nông nghiệp?
Ông Võ Quan Huy: Cuộc đời làm nông của tôi gắn liền với khai hoang. Tôi đi theo tiếng gọi khai hoang lấp kín vùng Đồng Tháp Mười của Tỉnh ủy ngày trước. Thời mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải đi kinh lý để coi phát triển kinh tế ở địa phương.
Mặt khác, vì không có tiền mua đất nên tôi chỉ còn cách dùng sức người, đi tới những vùng đất chưa ai tới để cải tạo đất, trồng cây. Chỗ nào tôi tới cũng hoang vu, sau một thời gian, vùng đất đó trù phú lên.
Năm 1978, tôi bắt đầu hành trình khai hoang ở Tây Ninh với cây mía, sau đó về Bình Dương trồng mía tiếp. Giai đoạn đầu, tôi trầy trật trong một thập kỷ với mía. Cây chết đi rồi trồng lại, làm 6 năm ròng rã mới trả hết nợ khi trồng mía.
Tính đến nay, tôi đã trải qua nuôi, trồng hơn 20 loại cây, con. Từ cây mía, cao su, ớt, dưa hấu, nuôi tôm, cá, bò, sang trồng chuối, bưởi, sầu riêng, măng cụt...
- Khởi đầu với cây mía nhưng khi đặt chân tới Đức Huệ, hỏi ai cũng biết về Huy Long An, người ta gọi ông với biệt danh “Vua chuối”, đây là mặt hàng chủ lực của công ty?
Ông Võ Quan Huy: Đúng vậy. Chúng tôi đang có khoảng 200ha chuối tại Long An. Nếu tính cả liên kết với nông dân ở các địa phương thì diện tích khoảng 600ha. Sản lượng chuối đang đạt hơn 20.000 tấn/năm và xuất khẩu chiếm 95%.
- Từ khai hoang với cây mía, chuyển qua nhiều loại cây, con rồi đi theo hướng chủ đạo là xuất khẩu chuối. Ông nghĩ gì về hành trình mình đã đi qua?
Ông Võ Quan Huy: Khó khăn quá sức tưởng tượng. Tôi đến vùng đất này để khai hoang năm 1994. 10 năm sau đó, xã mới được thành lập vào năm 2003. Nói ra để thấy vùng đất hoang hoá đến mức nào.
Xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ nơi chúng ta đang ngồi đây cách khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia chỉ khoảng 7km. Vùng đất có tổng cộng 4.500ha thì tôi nhận cải tạo 240ha.
Đây là vùng đất gần sông lớn, đất bị nhiễm phèn nên cây không thể sinh trưởng, phát triển bình thường. Quá trình rửa phèn, cải tạo đất của tôi kéo dài trong nhiều năm, có thời điểm kiệt sức vì tài chính hạn hẹp. Cây cứ trồng lên rồi lại chết vì không chịu được đất.
Tôi phải đào 20km kênh mương dẫn nước, rửa phèn; đắp bờ đê bao không cho nước vào đồng khi mùa nước lũ. Mất 6 năm trời cải tạo đất, trước khi cây trồng có thể bén rễ. Sau khi đổi nhiều loại cây, tôi bắt đầu tập trung làm cây chuối từ năm 2014-2015.
Thời điểm đó, tôi đọc số liệu thấy giá trị xuất nhập khẩu chuối toàn cầu là khoảng 15-17 tỷ USD/năm. Philippines gần chúng ta là quốc gia trồng chuối có tiếng trên thế giới, nên tôi quyết định sang nước bạn học kinh nghiệm.
Tất nhiên, nếu đã đi sau thì phải khác biệt, do đó, công ty chuyển sang công nghiệp trồng chuối ngay từ đầu. Huy Long An là doanh nghiệp có đầy đủ hạ tầng đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực chuối.
Toàn bộ trang trại chuối khép kín từ khâu làm giống, trồng, thu hoạch và đóng gói chuối xuất khẩu. Trang trại áp dụng hệ thống tưới bán tự động; thu hoạch bằng hệ thống cáp tải; bảo quản sản phẩm trong kho lạnh...
Đơn cử, diện tích trồng chuối được chia thành nhiều luống, kết nối với hệ thống dây cáp dài 33km để vận chuyển chuối từ vườn về nhà xưởng. Nhờ thiết kế này, chỉ cần 1 người điều khiển cáp là mỗi lần có thể chuyển được 50 buồng chuối (khoảng 10 nải/buồng, nặng 40-60kg) từ vườn về tận xưởng. Trong khi, nếu thực hiện cắt tay, phải cần tới hàng chục nhân công, mất nhiều thời gian mới đạt sản lượng thu hoạch.
Với hạ tầng trên, năm 2022, doanh thu từ riêng cây chuối của chúng tôi, thương hiệu FOHLA (Fruits of Huy Long An) là khoảng 15 triệu USD/năm. Mặt hàng chuối của công ty đã có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia...
Nghe thì hoành tráng vậy nhưng doanh nghiệp của tôi vẫn chỉ là “tép riu” trên thị trường (cười).
- Làm ra sản phẩm là một chuyện, còn quá trình tìm kiếm khách hàng, đối tác để xuất khẩu có gặp nhiều trở ngại?
Ông Võ Quan Huy: Tôi đi ngược khi chọn thị trường xuất khẩu. Tôi chọn Nhật Bản đầu tiên, bởi đây vốn là thị trường khó tính. Trong quá trình nuôi tôm trước đây, tôi từng được tiếp xúc với các bạn hàng người Nhật. Họ là những người làm ăn cẩn thận, xem tới xem lui nhà máy 5-7 lượt rồi mới quyết định mua hàng.
Công ty Nhật yêu cầu rất cao về nhà đóng gói vì chuối là sản phẩm cần đảm an toàn thực phẩm, mình đáp ứng các điều kiện thì họ mới mua hàng.
Nếu có điểm nào chưa đạt, đối tác Nhật Bản chấp nhận cho doanh nghiệp có lộ trình cải tiến và thay đổi. Chỉ cần doanh nghiệp thực sự cầu thị, hợp tác, chịu cực để sửa sai thì sẽ là bạn hàng lâu dài của họ. Miễn sao, đừng gian dối, mông má hồ sơ, số liệu là được.
Tôi có ví dụ cho thấy sự khó tính của thị trường Nhật Bản. Để sản phẩm chuối Huy Long An sang được nước bạn, phải đáp ứng khoảng 300 chỉ tiêu về sản xuất và quy trình. Trong đó, chỉ tiêu khó nhất là về vấn đề dư lượng.
Chúng tôi có xây khu nhà ở của công nhân công ty gần vườn chuối. Công ty định kỳ thực hiện xịt thuốc muỗi khu nhà ở, nào ngờ loại thuốc đó tạo ra chất tồn tại trên các bề mặt khoảng 3 tháng. Thuốc muỗi xịt bằng máy phun nên chẳng may có hạt chất bay ra vườn, dính lên trái chuối. Đối tác Nhật lấy mẫu kiểm tra dư lượng, phát hiện ra chất đó, họ kêu một trận mệt mỏi luôn. Đó cũng là lần để công ty rút kinh nghiệm lớn, sửa sai sau này.
Hãy nhớ rằng, chinh phục thị trường như Nhật Bản thì cần sự minh bạch trong quy trình sản xuất, nhật ký sản xuất. Tiếp khách không dưới 5 lần mới bán được hàng là chuyện bình thường. Hãy cứ kiên nhẫn.
- Khai hoang và làm nông nghiệp đều ẩn chứa nhiều rủi ro, ông có thấy mình liều với con đường đã chọn?
Ông Võ Quan Huy: Tôi không nghĩ là liều, tôi vốn là một nông dân. Nếu được tự đánh giá, tôi nghĩ mình có máu đam mê và tỉ mỉ với công việc. Bởi, nếu lỡ có dự án nào thất bại, đóng lại chương trình đó, thì tôi cũng nhìn ra sự thất bại. Dù thành công hay thất bại, tôi đều có được câu kết trong hành trình là việc đó làm được hay không, vì tôi đã hết mình với công việc.
Cho đến giờ, tôi đã tới đây khai hoang được 30 năm nhưng những người am hiểu, khi nhìn vào đất, vào nước vẫn thấy sự khắc nghiệt tại vùng đất này. Tràm gió, tràm hoang mọc đầy đường, lúa thì đám tốt đám xấu.
Nhưng khi đi tới phần đất 240ha do Út Huy khai hoang, ai cũng sẽ thấy cây trái sum suê từ bưởi, chuối, măng cụt, mãng cầu... Những vuông nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng vậy, đều từ những mảnh đất gia đình tôi khai hoang.
Người làm nông nghiệp như tôi chỉ có thể đi khai hoang đất chứ tiền đâu mua đất. Vẫn biết, khai hoang là chấp nhận rủi ro cao, khó khăn lớn, chưa kể, thiên tai lúc nào cũng có thể ập đến với nông nghiệp. Do vậy, làm nông nghiệp phải cứng như đá, sẵn sàng ứng phó khó khăn.
Nhưng, trong đất có sự mặn mà của nó. Những người đổ công sức gắn bó với đất, kiểu gì cũng có ngày thành công đến. Tôi hiểu rõ được điều đó.
- Với nhiều trang trại đang sở hữu khắp các tỉnh, một ngày làm việc của ông Út Huy sẽ như thế nào?
Ông Võ Quan Huy: Tôi ra khỏi nhà lúc 5-6h sáng. Tôi đi tới nông trại từ sớm để thoát cảnh kẹt xe. Các nông trại cây trồng của tôi hiện có ở 4 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai; còn vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu; phần diện tích đất trồng trên Tây Nguyên thì tôi giao cho con quản lý, tôi ít lên đó hơn vì đường xa.
Nhớ lại ngày trước, năm 14 tuổi, ngoài giờ học, tôi đã lái máy cày Massey Ferguson của gia đình đi cày thuê kiếm tiền. Cày theo mùa vụ thời chiến, kiếm đồng nào hay đồng đấy.
Cho đến giờ, tôi vẫn gắn bó với nông nghiệp, tôi thích tự mình đi thăm đồng. Như anh thấy, chiếc bán tải Ford Ranger màu cam bám đầy bụi đỗ trước cửa là phương tiện di chuyển tới các nông trại của tôi.
- Với thành công đã có, ông sẽ nói gì với những người trẻ khi họ muốn bắt tay vào làm nông nghiệp?
Ông Võ Quan Huy: Nói thật, tôi không thể đếm xuể những lần thất bại của mình. Để có cơ ngơi ngày hôm nay, gia đình tôi phải đổ quá nhiều mồ hôi và nước mắt.
Thất bại nhiều nhưng tôi quan niệm, té chỗ nào thì đứng dậy chỗ đó, đứng dậy để nhìn thấy mình sụp đổ ở đâu. Vấp phải cục đá nào thì hãy dừng lại, dọn đường, nhìn kỹ cái sai của mình để sửa sai rồi mới đi tiếp được. Những bạn trẻ đang cộng tác với tôi bây giờ, tôi cũng truyền lửa cho họ như vậy.
Tôi nghĩ 4 yếu tố để làm nông nghiệp thành công là: Đất - Nguồn vốn - Khoa học kỹ thuật - Ý chí con người. Cuộc đời làm nông đã dạy tôi như vậy. Tiềm năng phát triển của nông nghiệp Việt Nam còn lớn lắm. Đối với thế hệ trẻ muốn theo nông nghiệp, tôi nghĩ họ phải tìm kiếm những yếu tố trên.
Ngoài ra, các bạn trẻ phải học. Học là điều quan trọng nhất. Ở tuổi gần 70 mà tôi vẫn đang phải học, đi đến đâu cũng học, học kinh nghiệm từ ông nông dân, học từ người trẻ độ nhanh nhạy của họ, học để phát triển.
Như với cây chuối, trước khi bắt tay vào làm, tôi phải đến cái nôi của chuối là huyện Trảng Bom (Đồng Nai) để học, hay sang cả Philippines để học từ kinh nghiệm nước bạn. Mỗi loại cây, con đã trải qua trong cuộc đời làm nông nghiệp của mình, tôi đều phải học từ những người thầy khác nhau.
Cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Thực hiện: Trần Chung, ảnh: Nguyễn Huế, thiết kế: Minh Hoà