Rủi ro cao phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại
Trong những năm gần đây, thị trường Mỹ luôn chiếm tới 50 – 55% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của doanh nghiệp Việt. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, có hai lý do chính:
Thứ nhất, sản phẩm gỗ Việt rất phù hợp với người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu "xứ Cờ hoa". Ở Mỹ, trong những ngôi nhà có giá bán khoảng 200.000 USD – 400.000 USD, hầu hết tủ bếp, bàn ghế phòng ăn, phòng khách, buồng ngủ, buồng vệ sinh… đều nhập khẩu từ Việt Nam. Hai năm gần đây, giá trị sản phẩm gỗ Việt xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 9 tỷ USD/năm, chiếm tới khoảng 38% tổng giá trị nhập khẩu nhóm sản phẩm này vào thị trường Mỹ.
Thứ hai, trước đây, Trung Quốc là công xưởng xuất khẩu rất nhiều sản phẩm gỗ vào Mỹ. Mỗi năm họ xuất khẩu vào thị trường này khoảng 14 – 15 tỷ USD. Nhưng từ năm 2018, khi có xung đột thương mại Mỹ - Trung, mức thuế đánh vào nhóm sản phẩm này rất cao, doanh nghiệp Trung Quốc hầu như không xuất khẩu được mấy sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ. Trong thế giới phẳng và hội nhập toàn cầu ngày nay, Việt Nam tỏ ra sẵn sàng hơn các nước xung quanh, có thể bù đắp một phần thiếu hụt sản phẩm gỗ mà Trung Quốc không thể cung ứng cho thị trường Mỹ.
“Chúng ta có lợi thế so sánh về nguồn nhân công, giá còn tương đối thấp và nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào từ rừng trồng trong nước để có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ chủ yếu đến từ thị trường Mỹ. Chúng ta xuất khẩu vào Mỹ rất nhiều đồ mộc nội thất – nhóm sản phẩm Việt Nam khuyến khích chế biến - xuất khẩu vì có giá trị gia tăng cao hơn. Nhưng cũng có bất lợi là chúng ta “bỏ trứng vào một giỏ” quá nhiều. Khi chúng ta tăng trưởng nóng, tăng trưởng với nhịp độ quá cao, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Chúng ta đang phải đối phó với một số vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam phân tích.
Cụ thể, từ năm 2020, Mỹ đã khởi xướng điều tra mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Cách đây ít ngày, phán quyết cuối cùng về gỗ dán đã được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông qua. Theo đó, ước tính chỉ có khoảng chưa đến ½ doanh nghiệp Việt có thể tiếp tục xuất khẩu được gỗ dán vào Mỹ. Còn các doanh nghiệp khác bị đưa vào danh sách đen có thể phải đoạn tuyệt với thị trường này trong một thời gian khá dài.
Từ giữa năm ngoái, Mỹ đã khởi xướng điều tra tủ bếp và bàn trang điểm bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Cuộc điều tra này có thể kéo dài 2 – 3 năm. Ngay từ khi có tín hiệu khởi kiện, xuất khẩu nhóm sản phẩm thuộc đối tượng điều tra vào Mỹ đã có nguy cơ giảm sút.
Tương tự, với Hàn Quốc, doanh nghiệp gỗ Việt cũng đang phải đối mặt với lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán. Sản phẩm gỗ dán của chúng ta xuất khẩu vào thị trường này đang chịu thuế chống bán phá giá trên 10%. Hiện phía Hàn Quốc đang xem xét lại vì đã hết một chu kỳ áp thuế.
“Tại các thị trường nước ngoài, khi chúng ta tập trung xuất khẩu nhiều thì rủi ro bị điều tra và áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại rất cao. Doanh nghiệp Việt cần phải quản trị doanh nghiệp tốt hơn, hết sức chú trọng các biện pháp phòng vệ ngay từ khi tìm kiếm khách hàng và chấp nhận đơn hàng, tăng cường tự năng lực tự vệ khi có sự cố. Có thể dùng hình ảnh ví von, với mỗi hợp đồng, mỗi lô hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng như cho một chuyến ra khơi với nhiều bất trắc sóng to, gió lớn, phải trang bị phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, để tránh rủi ro, thiệt hại, có khi mất cả chì, lẫn chài”, ông Hoài nhấn mạnh.
Doanh nghiệp gỗ cần chú trọng 2 từ khóa “hợp pháp” và “bền vững”
Lâu nay, công nghiệp gỗ Việt Nam chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng có phần nóng, chú trọng nhiều đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, góp phần cải thiện cân bằng thương mại.
Hoạt động xuất khẩu dựa trên 2 lợi thế so sánh tương đối mạnh của Việt Nam. Một là nguồn nguyên liệu đầu vào tương đối dồi dào, từ khoảng 3 triệu ha rừng trồng và 9 trăm nghìn ha cao su tiểu điền. Hai là giá nhân công lao động tương đối rẻ (lợi thế này đang dần giảm đi).
Dựa trên hai lợi thế như vậy, mức tăng đầu vào tương đương với tăng đầu ra, chi phí nhân công và nguyên liệu đầu vào tăng tương đương với sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
“Đã đến lúc chúng ta phải chú ý tới chất lượng tăng trưởng không chỉ theo chiều rộng mà theo cả chiều sâu, tức là chú ý đến giá trị gia tăng của sản phẩm, tập trung nhiều hơn vào những phân khúc sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tôi muốn nhấn mạnh tới chất lượng tăng trưởng, chú ý tới lợi ích, lợi nhuận mà người Việt Nam được hưởng, đừng để “làm rất nhiều mà hưởng chẳng bao nhiêu”, ông Hoài nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp vượt qua khó khăn lúc này, ông Hoài khuyến nghị, các doanh nghiệp gỗ Việt phải tính đến những câu chuyện cả trước mắt và lâu dài.
Trước mắt, doanh nghiệp cần nỗ lực duy trì sản xuất ở một quy mô nhất định, chấp nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ, biên lợi nhuận không rộng, để có công ăn việc làm, duy trì đội ngũ, thanh khoản, vòng chu chuyển hàng - tiền…
Về lâu dài, doanh nghiệp phải tái cơ cấu chiến lược kinh doanh, thay đổi quản trị doanh nghiệp theo hướng chú trọng các biện pháp tự vệ và phòng vệ thương mại; áp dụng những phần mềm kế toán hiện đại hơn, minh bạch hơn, có độ tin cậy cao hơn, để khi có sự cố thì có thể chứng minh được mình hoàn toàn không vi phạm các quy định.
Một điểm nữa cũng rất quan trọng, nguyên liệu đầu vào của công nghiệp gỗ rất nhạy cảm với môi trường cho dù chủ yếu được khai thác từ rừng trồng. Các thị trường lớn của sản phẩm gỗ Việt ngày càng khắt khe nhiều hơn tính hợp pháp và tính bền vững của sản phẩm gỗ.
“Tôi đặc biệt chú ý tới hai từ khóa là “hợp pháp” và “bền vững”. Các doanh nghiệp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến và cung ứng”, ông Hoài nhấn mạnh.
Đối với các cơ quan nhà nước, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng nêu một số khuyến nghị.
Trước hết, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần cân nhắc để duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật bằng cách không vội ban hành các quy định mới. Quy định, quy chuẩn phòng chóng chữa cháy mới được ban hành là ví dụ điển hình.
Nhiều khách hàng khi đi thị sát và kiểm toán doanh nghiệp gỗ Việt yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận đạt chuẩn phòng chống cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp thì mới mua hàng. Trong lúc doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, ông Hoài đề nghị tạm hoãn áp dụng các quy định, quy chuẩn phòng chống cháy mới đối với các doanh nghiệp đã và đang hoạt động; định hướng để các doanh nghiệp đang xây mới nhà xưởng hướng tới việc tuân thủ quy định mới này.
Ngoài ra, doanh nghiệp ngành gỗ rất mong muốn các cơ quan hữu quan của Chính phủ vào cuộc tích cực hơn nữa để giúp doanh nghiệp không phải đối diện với nguy cơ bị khởi xướng điều tra và áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Chúng ta đã có kinh nghiệm hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết theo hướng “win – win” (đôi bên cùng thắng) trong vụ việc điều tra theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại Hoa Kỳ 1974 vì Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam dung túng chế biến và thương mại gỗ bất hợp pháp. Sau khi đàm phán, hai bên đã ký kết Thỏa thuận Việt – Mỹ về loại bỏ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp khỏi chuỗi cung. Theo Thỏa thuận này, hai bên đã thành lập Nhóm kỹ thuật nhằm giúp cải thiện tình hình. Hoa Kỳ cũng đã trang bị cho Việt Nam, theo kênh hợp tác kỹ thuật, bộ thiết bị giúp xác định nhanh tên loài gỗ được lưu thông trên thị trường. Trên nền quan hệ ngoại giao và thương mại Việt – Mỹ được cải thiện rất nhiều như hiện nay, ngoài nỗ lực của hiệp hội và doanh nghiệp ngành gỗ, ngoại giao kinh tế là cách làm ít tốn kém mà có thể mang lại lợi ích rất to lớn cho cả hai nước”, ông Hoài khuyến nghị.