Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi "Ngày Thương binh toàn quốc" thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc. 

Từ năm 1975, theo Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh, Liệt sĩ" của cả nước.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có tổng cộng 1.146.250 liệt sĩ, trong đó 191.605 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, và 105.627 người nằm xuống trong các chiến dịch khác bảo vệ Tổ quốc (như chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo…).

Ngoài ra, tính đến hiện nay còn:

- Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia...

- Cả nước có gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách thương binh.

- Hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, tên tuổi, quê quán, đơn vị.

- Hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và có con đẻ bị nhiễm chất độc da cam dioxin.

- Gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách thương binh trên cả nước.

Quảng Nam là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất với 65.000 người hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Ngoài ra tỉnh Quảng Nam còn có hơn 30.000 thương binh.

Huyện có nhiều liệt sĩ nhất cả nước là huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) với hơn 19.800 liệt sĩ.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc… có khoảng hơn 4 triệu dân thường Việt Nam đã chết và bị thương tật suốt đời do bom đạn, kẻ thù giết hại…

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến tháng 7/2022, cả nước hiện có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Khắp 63 tỉnh, thành phố, địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ.

- Các nghĩa trang liệt sĩ cấp Quốc gia nổi tiếng:

+ Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang)

+ Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ (Điện Biên)

+ Nghĩa trang Mai Dịch (Thủ đô Hà Nội)

+ Nghĩa trang Quốc tế Việt – Lào (Anh Sơn, Nghệ An)

+ Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị)

+ Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Đông Hà, Quảng Trị)

+ Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

+ Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu)

- Có 9.000.000 người có công trên cả nước.

- Có trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

+ Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chồng, chín con đẻ, một con rể, hai cháu ngoại là liệt sĩ;

+ Mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị có chồng, sáu con đẻ, một con dâu và một cháu nội là liệt sĩ;

+ Mẹ Lê Thị Tự ở Quảng Nam có chín con là liệt sĩ;

+ Mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận, mẹ Nguyễn Thị Rành ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đều có tám con là liệt sĩ, bản thân hai mẹ cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

- Quảng Nam là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất, cũng là tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất với 11.658 mẹ.

- Gần 13.000 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động.

- Gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn trong các nhà tù nổi tiếng như Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo, Phú Quốc…

Những con số biết nói ở trên để chúng ta thấy được giá trị của hòa bình. Dành một ngày để tri ân những hy sinh, mất mát đó, chắc chắn là không đủ. Nhưng bằng việc làm cụ thể, thiết thực để khơi dậy lòng biết ơn, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của cộng đồng đối với sự hy sinh, mất mát đó là vô cùng cần thiết…

Tác giả: Trần Trung Hiếu - Thái An
Thiết kế: Hồng Anh