Lời tòa soạn: Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và đất nước: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Quốc khánh.
Nhằm chào mừng các ngày trọng đại, đặc biệt của đất nước, VietNamNet triển khai loạt bài "Những người con của lịch sử". Đây là những nhân chứng lịch sử - những người đã trải qua thăng trầm của khi đất nước mới giành được độc lập, xây dựng tiến lên chủ nghĩa xã hội và đến hiện tại khi đất nước ở trong thế và lực mới.
Họ là con của những nhà cách mạng tiền bối, những người thân cận từng làm việc với Bác Hồ, hay chính bản thân họ từng có thời gian hoạt động cách mạng.
XEM VIDEO:
Ở tuổi 74, ký ức về Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong tâm trí Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng.
Tướng Hậu chính là cậu bé “đi lạc” vào bức ảnh lịch sử Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Trường Chinh với các chiến sĩ Điện Biên do nhiếp ảnh gia Vladimir Isurin chụp ngày 19/5/1954 tại chiến khu Việt Bắc.
Hồ Sỹ Hậu sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở làng khoa bảng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Năm 1903, cụ Nguyễn Sinh Sắc trên đường dẫn theo 2 con là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ghé qua ngôi làng này và nghỉ lại 3 ngày ở gia đình ông Hậu.
Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ông Hậu mới chỉ là cậu bé 8 tuổi đi theo cha là ông Hồ Viết Thắng (nguyên Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm UB Kế hoạch nhà nước) lên chiến khu Việt Bắc.
Cậu bé Hồ Sỹ Hậu đã có nhiều dịp được gặp Bác Hồ.
Ông kể: "Lúc nào tôi cũng chỉ thấy Bác mặc một bộ quần áo nâu, thi thoảng tôi cũng hay lên nhà sàn chơi, có khi Bác cho ngồi vào lòng, cảm giác thật ấm áp, tràn đầy yêu thương”.
Nhớ lại câu chuyện được chụp ảnh với Bác Hồ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn còn bồi hồi xúc động.
Tháng 5/1954, đạo diễn Liên Xô Roman Karmen sang quay phim về Việt Nam kháng chiến. Sáng 19/5, cậu bé Hậu và các bạn được diện quần áo mới, quàng khăn đỏ đến chúc mừng sinh nhật Bác.
Bọn trẻ được Bác cho kẹo, rồi quây quần xung quanh xem báo và múa hát. Chia tay Bác, các bạn tản đi chơi nhưng riêng cậu bé Hậu vẫn quanh quẩn ở sân trước. Đúng lúc này, có 6 chú bộ đội đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gặp Bác.
Bác ân cần hỏi chuyện gia đình các chiến sĩ rồi gắn huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho từng người. Bỗng từ đâu chú bé Hậu chui tọt vào giữa, ngồi vào lòng Bác.
"Bác nghiêm nghị hỏi: Bác đang làm việc sao lại vào đây, các cô, các chú đâu? Thực sự chưa bao giờ tôi thấy Bác nghiêm như thế, tôi có chút sợ sệt liền chạy ra, đứng lấp ló sau gốc cây", ông Hậu nhớ lại.
Khi cùng các lãnh đạo Đảng và quân đội chụp ảnh chung với 6 chiến sĩ Điện Biên, Bác đột nhiên hỏi: “Thằng Hậu đâu”, rồi vẫy cậu bé vào chụp ảnh.
Điều này đã giải đáp thắc mắc của nhiều người về cậu bé “đi lạc” trong bức ảnh chụp Bác Hồ và các chiến sĩ Điện Biên Phủ tại chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1954 của nhà nhiếp ảnh người Nga Isurin - người đi cùng đoàn làm phim với đạo diễn Karmen.
Trong ảnh, hàng thứ nhất là ông Lê Liêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ, Tổng bí thư Trường Chinh và cậu bé Hậu. Hàng thứ hai có Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái và các chiến sĩ Điện Biên.
Khi học cùng với con em của các cán bộ Văn phòng Trung ương trên chiến khu Việt Bắc, có một câu chuyện rất nhỏ nhưng Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nhớ mãi đến tận bây giờ.
Một hôm, người bạn cùng lớp tên là Tộ đánh nhau với bạn nên bị cô giáo phạt, bắt úp mặt vào liếp. Đúng lúc nhìn thấy Bác đi qua, Tộ liền úp mặt tỏ ra rất khổ sở vì biết Bác sẽ thương và "giải cứu''.
Bác vào lớp hỏi: "Cô Bắc ơi, tại sao cháu lại thế kia?''. Sau khi nghe cô giáo nói đầu đuôi câu chuyện, Bác bảo: "Bây giờ Bác xin cô, cho cháu ấy xin lỗi, cô tha cho cháu đó không". Cô giáo đồng ý.
Bác gọi Tộ đến và nói: "Bác xin phép cô Bắc rồi, cháu đánh bạn là sai, khuyết điểm rồi, giờ cháu xin lỗi, làm hòa với bạn đi". Thấy vậy, cậu bạn ngoan ngoãn làm theo, hứa không tái phạm.
Sau này, lớn lên ông mới chiêm nghiệm và thấy rắng: "Cụ là lãnh tụ, tuy nghiêm khắc nhưng vẫn rất tôn trọng mọi người, từ cô bảo mẫu đến cháu nhỏ, Cụ chưa bao giờ lấy vị thế của mình để 'lấn lướt' người khác, lời dạy bảo của Cụ đều tinh tế".
Khi về thủ đô, ông Hậu cũng có dịp được theo bố đến ăn cơm cùng với Bác ở nhà thương Đồn Thủy (nay là BV Hữu Nghị).
"Bữa đó có Bác, thư ký của Bác, tôi và một bạn nữa. Bữa cơm có canh, cà, đĩa cá kho. Bác xới cơm cho 2 đứa chúng tôi và dặn hôm nay Bác mời các cháu đến đây, cũng như ở nhà các cháu thích gì thì các cháu tự gắp ăn, đừng bắt bố mẹ phải gắp cho mình".
Chuyện giản dị như vậy, nhưng Cụ cũng dặn dò, dạy dỗ rất chân tình, cụ thể", ông kể.
Những năm tháng đó đã hun đúc trong lòng cậu bé Hậu một mong muốn, là phải phấn đấu để có cơ hội gặp lại Bác với tư cách là anh hùng, chiến sĩ thi đua.
Tốt nghiệp khoa Mỏ - Địa chất, ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Hậu nhập ngũ tháng 4/1968. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông là kỹ sư khảo sát thiết kế tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn huyền thoại.
Năm 1969, khi đang là trợ lý kỹ thuật đi tiền trạm cho cơ quan tiền phương Trung đoàn đường ống, vì không có báo đài để biết thông tin, nên đến ngày 5/9 ông Hậu mới biết tin Bác đã ra đi.
"Lúc đó tôi bàng hoàng, thậm chí hoang mang, sau Tết Mậu Thân, cách mạng miền Nam còn gặp nhiều khó khăn, nay Bác mất rồi thì không biết như thế nào".
Cũng trong thời gian đó, từng đợt B52 của địch càn quét liên tiếp vào tuyến ống dẫn dầu của bộ đội.
"Chúng tôi đi sơ tán chỗ khác, trên đường đi có cán 1 thương binh là chính trị viên người miền Nam thuộc tiểu đoàn 337.
Anh chắc là đau lắm vì suốt hành trình tôi thấy anh quằn quại. Khi đến gần trạm phẫu thuật, anh hét lên “Tôi không thể qua khỏi rồi các đồng chí ạ. Bác Hồ mất rồi nhưng chúng ta còn Đảng, còn quân đội nhất định chúng ta sẽ chiến thắng” rồi hy sinh” - ông Hậu nhớ lại.
Lời nhắn nhủ cuối cùng của người chiến sĩ ấy đã khiến ông Hậu suy nghĩ rất nhiều, trong giây phút hoang mang ông như được thức tỉnh. Nhớ về tuổi thơ được gần Bác, được Bác chăm sóc, dạy dỗ như một người ông, Hồ Sỹ Hậu hiểu mình đã có một niềm vinh dự lớn lao. Vì thế, phải sống và chiến đấu thật xứng đáng.
Nay tuổi đã cao, thi thoảng ông gặp lại bạn bè, đồng đội để ôn lại kỷ niệm xưa, niềm vui lớn nhất của Tướng Hậu là thấy con cháu trưởng thành, thành công trong cuộc sống. Ông luôn giáo dục cho con cháu về truyền thống cách mạng, tấm lòng thành kính dành cho Bác Hồ qua những lời dạy của Người.
Trần Thường
>> Người lập bàn thờ Bác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch
Nguyên Phó Thủ tướng và kỷ niệm được Bác nhắc khẽ khi dự tiệc ở Liên Xô
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể lại chuyện được Bác Hồ nhắc nhở khi ăn các món ngon trong chuyến công tác Liên Xô năm 1960.