Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, sẻ chia, lá lành đùm lá rách. Đặc biệt trong những thời khắc khó khăn nhất, khi phải cùng đứng lên chống giặc dịch, tinh thần này càng được khơi gợi mạnh mẽ.
Đầu tiên phải kể đến phong trào 'Tăng ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse' xông pha vào tuyến đầu chống dịch, đăng ký sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân mắc Covid-19 diễn ra sôi nổi trên cả nước. Hàng trăm tăng ni và Phật tử đã và đang lên đường, phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại các bệnh viện dã chiến. Nhiều máy thở, phòng áp lực âm, trang thiết bị y tế được GHPGVN trao tặng thông qua Trung ương MTTQVN. Nhiều ngôi chùa chuyển hàng trăm tấn rau củ vào vùng tâm dịch giúp đỡ người dân. Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố cùng tín đồ Phật tử đã góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine Covid-19.
Ngày 17/8 vừa qua, đoàn sư tăng đầu tiên của phía Bắc gồm 10 người được chọn từ hàng trăm tình nguyện viên đã lên đường chi viện miền Nam, tham gia hỗ trợ chống dịch tại bệnh viện dã chiến tỉnh Long An.
Tại tâm dịch TP.HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã 2 lần tổ chức lễ xuất quân cho các vị tăng ni, phật tử cùng chức sắc, tu sĩ của Công giáo và đạo Tin Lành đăng ký là tình nguyện viên xung phong lên tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (214 người), Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 10 (45 người)... Ngày 11/8/2021, 70 tình nguyện viên là các chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo tham gia hỗ trợ công tác điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Thu Dung, điều trị Covid-19 số 12 (62 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (8 người).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN 'Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19', đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ thuộc các tôn giáo trong cả nước đã tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19. Về phía GHPGVN, khi đất nước gặp đại dịch, với tinh thần nhập thế, các tăng ni và Phật tử tích cực đóng góp công sức cùng hệ thống chính trị và nhân dân cả nước tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, cả nước đã có cả nghìn tăng ni, cư sĩ, phật tử tham gia tuyến đầu chống dịch.
Các Tòa Giám mục cũng kêu gọi các linh mục, tu sĩ và tín đồ phát huy tinh thần chia sẻ và chung tay tham gia các hoạt động thiện nguyện trong công tác phòng, chống dịch Covid -19. Không chỉ có vậy, hưởng ứng lời kêu gọi của GHPGVN, các chùa ở TP.HCM cũng đã bắt đầu nhận tro cốt của người qua đời vì Covid-19 và tổ chức cầu siêu cho các vong linh của những người tử vong do đại dịch.
Ngày 1/8, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản khuyến khích các chùa, cơ sở tự viện trong vùng tâm dịch tích cực tổ chức thực hiện và lan tỏa phong trào 'Bữa cơm yêu thương' để đồng bào đang khó khăn có thể an tâm ở yên một chỗ.
Tại TP.HCM, bếp ăn chùa Tường Nguyên sử dụng 2 tấn gạo, 1,5 tấn rau để nấu 20.000 suất ăn miễn phí do hơn 100 tình nguyện viên, Phật tử nấu mỗi ngày mang đến cho khu cách ly, bệnh viện dã chiến, người nghèo. Hoạt động này được thực hiện suốt thời gian qua trong khuôn viên rộng gần 6.000 m2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè), chia thành các khu tập kết đồ, sơ chế, nấu nướng, nhà kho...
Bếp chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM) nấu hơn 10.000 suất cơm/ngày phục vụ các bệnh viện dã chiến và trung tâm điều trị Covid-19. Hoạt động bếp ăn từ thiện được lan tỏa đến nhiều nơi. Ở TP Sóc Trăng, mỗi ngày chùa Hương Sơn nấu hàng ngàn suất cơm miễn phí gửi đến các chốt phòng dịch, người nghèo... trên địa bàn.
Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên mỗi ngày nấu 500 lít nước chanh đậm đặc để pha được 1000 lít nước uống phục vụ cho các chiến sỹ, bệnh nhân trong một số khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Giáo hội Công giáo cũng đã có sáng kiến xây dựng mô hình 'Siêu thị mini 0 đồng' để hỗ trợ người khó khăn. Tại nhiều nơi, nhiều tăng ni, Phật tử tham gia tiếp nhận, phân loại nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các điểm cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng dịch Covid -19 trên địa bàn TP.HCM.
Không chỉ có các hành động thiết thực, các tôn giáo còn tham gia đóng góp, ủng hộ 'Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19' và góp thêm nguồn lực vào công tác phòng chống dịch theo lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
GHPG Việt Nam hiện đã ủng hộ hơn 150 tỷ đồng; Hội thánh Tin Lành Việt Nam quyên góp ủng hộ hơn 2 tỷ đồng; Phật giáo Hòa Hảo ủng hộ trên 34,4 tỷ đồng; các Hội thánh Cao Đài Việt Nam quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 và Quỹ vaccine Quốc gia là 1,2 tỷ đồng; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 và Quỹ vaccine Quốc giá là trên 1,2 tỷ đồng; Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky Tô, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam... đã ủng hộ Quỹ Phòng, chống Covid-19 và Quỹ vaccine Quốc gia hàng trăm triệu đồng.
Cùng với đó, GHPG Việt Nam các cấp đã vận động ủng hộ hơn 3.000 tấn nông sản, 200.000 phần quà với tổng giá trị lên tới 10 tỷ đồng. Các cấp Giáo hội đã vận động ủng hộ 170 máy thở và tạo oxy; hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, nước khử khuẩn cho ngành y tế, góp phần thiết thực cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân và các tôn giáo, chắc chắn đại dịch sẽ sớm bị đẩy lùi, trả lại cuộc sống bình thường mới cho người Việt Nam một ngày không xa.
Vũ Phong
Ảnh: Hồng Kiên
Video: Kiên Trung, Trần Hảo, Thanh Sơn
05/12/2021 11:55 (GMT+07:00)