{keywords}

Vì thế mà anh Tuộc có thể học và làm Toán với sự thích thú một cách mộc mạc, hồn nhiên, và cả sự vui tính… ‘đặc sệt’ tính cách của một người miền Tây.

GS Phan Văn Tuộc sinh ra và lớn lên ở Mỏ Cày, Bến Tre, là cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM và là một trong những lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên đến Mỹ làm nghiên cứu sinh ngành Toán sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Hiện nay, GS Tuộc làm việc tại khoa Toán của Trường ĐH Tennessee (Mỹ). Ngoài giảng dạy và nghiên cứu ở Mỹ, anh là một người rất gắn bó với toán học Việt Nam, thường xuyên về nước tổ chức các hội thảo khoa học cũng như dành thời gian trình bày nhiều bài giảng tại quê nhà. Hướng nghiên cứu của GS Tuộc là giải tích và phương trình đạo hàm riêng.

{keywords}

Là con thứ 10 trong gia đình có 12 anh em tại mảnh đất Mỏ Cày, dù cuộc sống gia đình có phần vất vả, nhưng GS Tuộc nói, với mình đây lại là một điều may mắn.

“Nhà đông anh em và lại ở vùng sâu, nên các anh chị trong gia đình cũng như hàng xóm láng giềng hầu hết không có điều kiện học lên cao. Là con trai nhỏ trong gia đình, tôi không phải làm nhiều công việc như các anh chị lớn, do đó có nhiều thời gian để học hơn”.

Từ ngôi trường mái lá đơn sơ ở chùa miếu làng quê đến trường PTTH Cheguevara thân thương ở thị trấn Mỏ Cày, đi học luôn là một niềm vui vô cùng lớn với anh.

Khi sắp tốt nghiệp phổ thông, anh Tuộc nói mình và bạn bè không hình dung được sẽ học những gì nếu thi vào đại học. Hai nghề mà anh biết nhiều nhất là nghề nông và nghề giáo.

Do yêu thích môn Toán, và mong muốn học những gì liên quan đến Toán ở bậc đại học, anh Tuộc quyết định thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), với thông tin đơn giản từ một cô giáo dạy Toán cấp 3 rằng ĐH Sư phạm có nhiều học phần về kĩ năng sư phạm, còn bên Khoa học Tự nhiên thì chỉ học Toán thôi. 

Nhưng sau khi nghe tin anh đỗ đại học, má anh không vui khi con trai phải đi học xa. Điều bà mong muốn là con sẽ học gần nhà để còn phụ giúp ba má chuyện đồng áng. Chỉ có ba anh, sau khi nghe nguyện vọng của con, đã đồng ý thuyết phục vợ: “Cuộc đời mình chưa từng được đi học, giờ con nó thi đậu rồi, mình ráng để cho nó đi”.

Nghe chồng và con thuyết phục, má anh đồng ý, nhưng có một điều kiện, “sau khi tốt nghiệp, con phải về chăm sóc vườn tược với ba”. Anh đồng ý và một mình khăn gói lên TP.HCM.

Anh Tuộc nói, mặc dù ba má mình không hiểu học đại học để làm gì, nhưng đó lại là một thuận lợi với anh.

“Tôi không gặp phải bất cứ áp lực nào cả, do đó cứ học theo những gì mà mình cảm thấy yêu thích”.

Yêu thích Toán học, anh quyết định “nghe theo tiếng gọi trái tim”, chọn theo học “Chương Trình I” bao gồm khoa Toán Tin học và khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

{keywords}

Trong khi nhiều người bạn cùng quê bỏ học để đi làm, anh Tuộc nói, mình được đi học đã là một niềm hạnh phúc. Đây lại một khoản đầu tư rất lớn của gia đình, do đó từ đầu năm thứ Nhất, không giây phút nào anh dám lơ là.

“Tôi cứ thế cố gắng học trong suốt năm nhất đại học. Nhưng bước sang năm thứ 2, khi các sinh viên trong khoa bắt đầu phải đưa ra quyết định lựa chọn chuyên ngành liên quan đến Toán hay Công nghệ thông tin, tôi bắt đầu dao động”.

Những người bạn thân của anh khi ấy, dù học rất giỏi Toán, nhưng đã chọn theo Công nghệ thông tin.

Bạn bè rủ rê nhiều, nhưng cuối cùng, anh Tuộc vẫn quyết định chọn theo ngành Toán ‘vì cảm giác thích Toán hơn’, và cũng vì cảm nhận được sự ‘gần gũi, giản dị’ của các thầy, cô khoa Toán.

Thế nhưng, khi đã chọn rồi, trong lòng anh vẫn phân vân, không biết mình có chọn đúng hay không. Kinh tế gia đình anh khó khăn, trong khi công nghệ thông tin là một xu hướng ‘hot’ thời đó, ra trường lương rất cao.

Giữa lúc còn đang chao đảo, chương trình học của khoa Toán bắt đầu nặng và khó hơn.

“Lúc đó sự lơ là khiến kết quả học tập của tôi giảm sút hẳn. Có những môn như đại số đại cương, tôi xém rớt môn đó và còn một vài môn học khác nữa”, anh Tuộc nhớ lại.

{keywords}

Kết thúc năm 2, khi về quê nghỉ hè, trong anh vẫn còn ngổn ngang rất nhiều suy nghĩ. “Nhìn thấy ba má vất vả để cho mình được đi học, tôi lại càng cảm thấy có lỗi và quyết tâm ôn tập và học lại kỹ càng những phần kiến thức của các môn đã học”.

Vì vậy, đến năm thứ 3, anh bắt đầu lấy lại cân bằng. Điều này giống như một luồng gió mới khiến bản thân anh yêu thích môn Toán trở lại.

“Tôi biết ơn thầy tôi – GS Dương Minh Đức. Thầy nói muốn đưa những sinh viên Việt Nam qua Mỹ học tiến sĩ. Lúc đó, không khí học tập của những sinh viên khoa Toán chúng tôi rất sôi nổi. Tôi cũng bắt đầu nhen nhóm hy vọng sẽ được đặt chân đến Mỹ và trở thành nhà Toán học” – anh Tuộc xúc động và nói sự nghiêm khắc nhưng rất ân cần, ấm áp của GS Dương Minh Đức đã truyền cảm hứng giúp anh có thêm sức mạnh, vững vàng để học tập tốt hơn. Ngay cả hướng nghiên cứu hiện nay về giải tích cũng đến từ sự chỉ bảo của GS Dương Minh Đức, nói như GS Tuộc, đó là “mối duyên nợ kỳ lạ”.

Đi Mỹ làm Toán cũng là “kế hoạch lớn” mà anh ấp ủ kể từ năm thứ 3. Trong suốt 2 năm sau khi ra trường, anh giấu gia đình âm thầm chuẩn bị hồ sơ, học tiếng Anh. Và cuối cùng, anh đã thành công khi được nhận làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Minnesota (Mỹ).

Vài ngày trước khi lên đường sang Mỹ, anh Tuộc mới thông báo với gia đình. Ba má và các anh chị em rất sốc với quyết định này. Với gia đình anh và hàng xóm thời điểm đó, đi Mỹ là điều chưa ai từng nghĩ đến…

Quyết tâm đi học của anh Tuộc một lần nữa lại có bóng dáng của người thầy Dương Minh Đức. Biết học trò khó khăn, GS Đức đã chủ động hỏi và giúp anh Tuộc chuẩn bị một số thứ cần thiết, cũng như một phần chi phí để mua vé máy bay đến Mỹ.

{keywords}

Năm 2002, là một trong những sinh viên đầu tiên của Khoa Toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) được sang Mỹ du học, nhưng kể cả khi đã đặt chân đến đây, anh Tuộc thừa nhận vẫn chưa rõ mình học Toán để làm gì.

“Đến khi gần tốt nghiệp, tôi vẫn thấy khả năng nghiên cứu của mình không có gì nổi trội.

Khi đi học, tôi chủ yếu làm bài tập, trong đó đa phần là những thứ đã có lời giải sẵn; nếu bí quá có thể hỏi thầy. Còn việc nghiên cứu lại hoàn toàn khác. Cho nên, ở thời điểm ấy, tôi vẫn chưa học được cách làm Toán thật sự” – anh Tuộc nói.

Hoang mang về hướng đi tiếp theo, anh Tuộc hy vọng tìm được một công việc ở một nơi anh có thể học hỏi kinh nghiệm và cách làm toán chuyên nghiệp từ những nhà toán học nhằm theo đuổi ước mơ của mình.

Rất may, cơ duyên đã đưa anh đến với ĐH British Columbia (Canada) với công việc nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc). “Hai người hướng dẫn của tôi rất tốt và tận tình. Phải mất hơn 2 năm, tôi mới học lại được cách làm toán và nghiên cứu toán chuyên nghiệp”, GS Tuộc nhớ lại.

{keywords}

Giờ đây, sau khi đã trở thành GS Toán tại một ngôi trường đại học ở Mỹ, nhìn lại chặng đường đã qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng GS Tuộc vẫn tin con đường này là phù hợp với mình nhất.

“Tôi may mắn vì có khởi điểm từ con số 0, do đó không có nhiều thứ để mất. Trong suốt quãng thời gian đi học, tôi không có quá nhiều áp lực.

Tất nhiên, trên hành trình ấy, tôi cũng phải trả giá bằng nhiều thứ, ví dụ như quãng thời gian sau tiến sĩ, tôi cũng phải rất vất vả để tự học lại kiến thức. Hay đến khi ba mất, lời hứa “sẽ về chăm sóc vườn tược cho ba”, tôi vẫn chưa thể thực hiện được.

Nhưng giống như một duyên nợ, dù đã từng đứng trước nhiều ngã rẽ, cuối cùng tôi vẫn kiên định với ước mơ của mình là được trở thành một nhà Toán học. Tôi nghĩ rằng, dù mình có thể theo đuổi bất kỳ con đường nào, nhưng nhất định đó phải là con đường mà mình đam mê”.

{keywords}
{keywords}

Lan Anh

Thiết kế: Phương Thu