{keywords}

GS Ngô Như Bình là người đầu tiên giảng dạy tiếng Việt tại ĐH Harvard một cách bài bản. Hơn 28 năm công tác tại ngôi trường đại học hàng đầu nước Mỹ, ông đã đưa chương trình tiếng Việt lên vị trí ngang bằng với các ngôn ngữ khác ở bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á. 

Ông cũng chính là người biên soạn và xuất bản ra bộ giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Đến nay, không chỉ tại Mỹ, bộ sách ấy còn được sử dụng tại rất nhiều trường đại học ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

{keywords}

Từng có nhiều năm học tập và nghiên cứu về tiếng Nga, GS Ngô Như Bình kể lại: “Hồi còn học bên Liên Xô, tôi cũng được học bài bản về văn học Nga và Nga – Xô Viết. Tôi đến với tiếng Nga bằng cả tấm lòng của mình đối với nền văn học và thi ca Nga. 

Vì thế, mỗi lần đọc lại một bài thơ của Puskin hay truyện ngắn của Anton Chekhov, tôi lại nghiệm ra một khía cạnh mới. Đến giờ, tôi cũng dùng chính cách dạy này để truyền đạt cho sinh viên những cái hay, cái đẹp của văn học và thi ca Việt Nam”.

Trước khi vị giáo sư người Việt đến Mỹ, tiếng Việt đã được dạy ở Harvard trong suốt 20 năm. Khi ấy, ông vẫn dùng cuốn sách do một nhà ngôn ngữ người Mỹ biên soạn vào năm 1972.

“Kiến thức cơ bản của giáo trình ấy nhìn chung khá tốt, nhưng có một số phần không còn đúng trong bối cảnh của Việt Nam vào thời điểm ấy. Khi sử dụng, tôi phải chỉnh sửa một số chỗ, thậm chí là biên soạn lại”.

Thấy nước Mỹ chưa có cuốn sách nào giới thiệu đầy đủ về tiếng Việt hiện hành, bằng tất cả kiến thức, kinh nghiệm khi còn học ở Việt Nam và Liên Xô, GS Ngô Như Bình đã tự biên soạn ra cuốn giáo trình dạy tiếng Việt cơ bản dành cho năm thứ nhất.

Kết quả, cuốn Elementary Vietnamese đã ra đời vào năm 1999. Kể từ đó đến nay, cuốn sách được tái bản đến lần thứ 3 nhằm cập nhật và bổ sung thêm thực tế của Việt Nam.

{keywords}

Ngoài ra, vào năm 2010, GS Bình còn biên soạn và xuất bản thêm giáo trình phục vụ cho trình độ năm thứ 2 và kỳ I năm 3 với tên gọi Continuing Vietnamese.

Trong 28 năm đứng trên giảng đường ĐH Harvard, GS Ngô Như Bình đã đem vào những trang sách là một Việt Nam có bề dày lịch sử và nền văn hoá lâu đời. Đối với những sinh viên người Mỹ gốc Việt, ông luôn cố gắng dẫn dắt học trò của mình tìm về nguồn cội.

Bắt đầu giờ học đầu tiên, bao giờ GS Bình cũng nói với sinh viên: “Các bạn học tiếng Việt không phải học một số từ hay cấu trúc ngữ pháp để nói dăm ba câu chuyện. Hơn hết, các bạn học tiếng Việt là để tìm hiểu về Việt Nam. Cho nên, nhiệm vụ của tôi chỉ là giúp các bạn có được thứ phương tiện là ngôn ngữ ấy”.

{keywords}

Trong các cuốn sách do GS Ngô Như Bình biên soạn, mỗi bài lại được chia thành 2 nội dung bao gồm phần đối thoại (ngôn ngữ nói) và phần ngôn ngữ viết. 

Trước mỗi bài đọc, bao giờ ông cũng đặt ra những câu hỏi về nội dung. Ví như khi nói về Hà Nội, ông thường hỏi sinh viên:“Hà Nội được thành lập vào năm nào?”, “Tại sao khi ấy thành phố lại có tên là Thăng Long”.

Các nội dung trong giáo trình cũng rất đa dạng. Đối với cuốn sách viết cho năm thứ nhất, ông viết về Hà Nội, về y tế, việc du lịch hay ẩm thực ở Việt Nam. Ông cũng viết về bữa ăn của người Việt với nguồn gốc đến từ nền văn hóa lúa nước. Các bài đọc trong sách đều do ông tự viết và chịu trách nhiệm bản quyền.

Sau khi kết thúc chương trình tại quyển dành cho năm thứ nhất, sinh viên có thể sử dụng tiếng Việt ở trình độ cơ bản.

“Tôi mừng vì có nhiều sinh viên ban đầu e ngại rằng “Tiếng Việt rất khó”, nhưng sau vài tuần họ nhận ra tiếng Việt không khó hơn nhiều thứ tiếng khác. Nhiều sinh viên nói với tôi: “Thưa thầy, sau khi học lớp của thầy, em không chỉ học được tiếng Việt. Rời Harvard, em mang theo tình yêu đối với tiếng Việt, đối với đất nước Việt Nam. Chắc chắn em sẽ đến Việt Nam trong một ngày gần nhất”.

{keywords}

Tương tự, ở quyển thứ 2, GS Ngô Như Bình cũng viết về các chủ điểm nổi bật như: Địa lý Việt Nam; 2 thành phố lớn là Hà Nội, Sài Gòn; nền giáo dục Việt, trang phục và lối ăn mặc của người Việt, ca dao dân ca và sân khấu cổ truyền, thể thao, kinh tế, lịch sử, phong tục tập quán,...

Đến cuối năm thứ 2, ông bắt đầu giới thiệu cho sinh viên bức tranh tổng thể về văn học Việt Nam. Truyện ngắn “Nàng Bua” trích trong tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp và bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính là hai bài được ông đưa nguyên tác vào trong cuốn “Continuing Vietnamese”.

“Tôi luôn cố gắng để sinh viên khi đọc tác phẩm sẽ hiểu bối cảnh của Việt Nam trong thời điểm ấy. Ví dụ, khi tìm hiểu bài thơ “Chân quê” được viết năm 1936, sinh viên phải hiểu tại sao khi ấy lại diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới?

Tại sao chàng trai thôn quê khi thấy người yêu của mình trước đây “mặc yếm lụa sồi, chít khăn mỏ quạ, mặc quần nái đen”, nhưng đến khi người yêu lên tỉnh về, anh thấy “khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm” lại cảm thấy không vừa lòng? Từng bước như thế, sinh viên sẽ hiểu được những hình ảnh trong bài thơ và có thể cảm nhận được thông điệp mà Nguyễn Bính gửi gắm vào tác phẩm của ông”.

Sang đến năm thứ 3 và thứ 4, sinh viên ĐH Harvard được điểm qua một số tác phẩm văn học Việt Nam trong mỗi thời kỳ. Tuy nhiên, chương trình sẽ chú trọng hơn đến phần văn học Việt Nam hiện đại, bắt đầu từ những năm ba mươi.

“Tôi thường nhấn mạnh đến những tác động tích cực của văn học châu Âu mà trước hết là văn học Pháp đến văn học Việt Nam vào thời kỳ ấy.

Tôi giới thiệu các tác phẩm của những nhà văn hiện thực như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng; các tác phẩm của nhà văn lãng mạn thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng; giới thiệu thơ mới như thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên, Huy Cận.

Sinh viên khai thác tiếng Việt qua thơ văn Việt Nam rất hiệu quả. Có những sinh viên Mỹ được giao đọc “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng chỉ trong 1 tuần, rồi đọc “Chí Phèo” của Nam Cao hay “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh - một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về cuộc chiến mà người Mỹ dính líu vào".

Sau mỗi tác phẩm, dù đó là thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết, sinh viên đều viết ra những bài bình luận rất sâu sắc. Có những bài luận, vị giáo sư người Việt không ngần ngại cho điểm tuyệt đối.

Nhiều sinh viên Mỹ kể lại với thầy, sau khi đọc các tác phẩm viết về giai đoạn chống Mỹ, họ đều cho rằng cuộc chiến đó xảy ra là điều không may cho cả Mỹ và Việt Nam.

"Tôi cảm thấy mừng vì sinh viên tiếp nhận tiếng Việt một cách tích cực. Các em sau khi học xong tiếng Việt tại ĐH Harvard phần đông sẽ sang Việt Nam học tập, công tác, du lịch; đồng thời sử dụng vốn tiếng Việt đã học được để có cái nhìn mới mẻ về đất nước Việt Nam".

Thúy Nga

Ảnh: Tùng Tin

Thiết kế: Diễm Anh