{keywords}

Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Chen Baosheng tuyên bố nước này sẽ cấm việc ca ngợi và vinh danh các thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học.

Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc năm nay sẽ diễn ra vào ngày 7-8/6.

“Nếu phát hiện ra địa phương nào công bố danh tính các thủ khoa, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc” – ông Chen nói trong một cuộc họp báo mới đây. Ông cũng đề cập đến việc cấm tuyên truyền tỷ lệ trúng tuyển của các địa phương.

Nhiều người dự đoán rằng, động cơ cho lệnh cấm này xuất phát từ những lo ngại về việc thủ khoa bị gắn với quá nhiều yếu tố thương mại quá lố và cách ca tụng như vậy sẽ gây quá nhiều áp lực cho phụ huynh và học sinh.

Nhiều người xem đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy mục tiêu “giáo dục vì sự phát triển toàn diện” đã được đặt ra trong nhiều năm, nhưng ít có hiệu quả.

Ông Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia, cho rằng một động lực quan trọng để công khai danh tính thủ khoa là vì tư duy tôn thờ những người điểm cao nhất. Thủ khoa còn có liên quan tới danh tiếng và thành tích của các trường phổ thông, thậm chí là của chính quyền địa phương, vì thế họ sẵn sàng công bố rộng rãi.

Ông Xiong Bingqi, một chuyên gia giáo dục của Trung Quốc, cho rằng vấn đề then chốt đằng sau việc vinh danh thủ khoa là hệ thống giáo dục nặng thi cử của nước này. “Nhưng nếu lệnh cấm không xác định các mục tiêu và người thực thi thì rất có thể trở thành một hô hào trống rỗng”.

{keywords}
 

Ở Trung Quốc, khái niệm thủ khoa (hay còn gọi là trạng nguyên) có nguồn gốc từ kỳ thi ở thời đại nhà Tùy (581-618). Việc người Trung Quốc tôn thờ các thần đồng chưa bao giờ thay đổi từ đó đến nay.

Báo chí Trung Quốc từng đưa tin về việc 4 học sinh của nước này với vòng hoa trạng nguyên nổi bật trên những chiếc xe hơi mui trần, theo sau là một đoàn mô-tô, một ban nhạc và đội múa sư tử đứng vẫy tay với người dân giống như những ngôi sao ca nhạc vào tháng 8/2017.

{keywords}
Các thủ khoa được cưỡi ngựa diễu hành như trạng nguyên ngày xưa 

Một lễ kỷ niệm rình rang như vậy không chỉ thu hút sự ngưỡng mộ của người dân, mà còn mang lại những lợi ích về mặt kinh tế. Một số thủ khoa nhận của Trung Quốc được các doanh nghiệp tặng thưởng những món quà trị giá lớn như một chiếc xe hơi SUV, thậm chí là một ngôi nhà.

Một thủ khoa ở tỉnh Quảng Đông nước này từng được tặng một ngôi nhà rộng 130m2 trị giá ít nhất 78.587 USD vào năm ngoái.

Mối quan tâm của dư luận về thủ khoa đã vượt ra ngoài bản thân các em. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe có thể tiếp cận các em để quảng bá cho những thương hiệu của họ.

Trên website thương mại điện tử taobao.com của Trung Quốc, mức giá cao nhất để có một bản viết tay của thủ khoa là khoảng 2.000 tệ, mức phổ biến là khoảng 350 tệ. Một thủ khoa giấu tên ở tỉnh Hà Bắc cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận em sau khi em đạt danh hiệu thủ khoa.

“Mỗi lần phát biểu, tôi nhận được 8.000 tệ” – thủ khoa này tiết lộ.

Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2016 cho thấy 70% thủ khoa trả lời rằng họ đồng ý để các doanh nghiệp thương mại hóa “vầng hào quang” của mình.

Zheng Shubao, một thủ khoa năm 2017 của tỉnh Sơn Tây, nói rằng nhiều cơ sở giáo dục đề nghị cậu chia sẻ kinh nghiệm và dạy các khóa học cho những thế hệ sau.

Việc công khai danh tính là “cần thiết” bởi vì thủ khoa rất “hiếm và quý”, cậu nói. “Ngoài ra, các em học sinh thường lắng nghe những người đi trước đã thành công hơn là giáo viên và bố mẹ. Những gì chúng tôi nói sẽ mang lại lợi ích cho các em”.

Tuy nhiên, cậu cũng thừa nhận rằng khi nhận lợi tham gia một chương trình truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc có tên là “Super Brain” (Siêu Não), cậu cảm thấy thực sự áp lực. “Tôi không thể thua khi là thủ khoa” – cậu nói.

Ngoài việc các công ty muốn giành được “miếng bánh” của mình trong ngành công nghiệp kinh doanh thủ khoa, chính quyền địa phương và các trường cũng tranh thủ quảng bá những “người hùng” của mình.

Sau khi sở hữu một thủ khoa, trường phổ thông sẽ quảng bá đội ngũ giáo viên của mình và thế mạnh giáo dục của mình để đạt được danh tiếng tốt hơn. Các trường sau đó có thể thu hút được nhiều học sinh giỏi một cách dễ dàng và một số trường sẽ tăng phí nhập học.

“Với các sở giáo dục địa phương, họ coi kết quả kỳ thi này như là thành tích hành chính của mình” – ông Xiong nói.

Một cư dân mạng chia sẻ, hiện tại các trường chỉ có thể chiếm được trái tim của phụ huynh Trung Quốc bằng tỷ lệ trúng tuyển cao, vì thế thực tế không cho phép họ từ bỏ sự chú trọng vào điểm số, khi họ không thể chấp nhận được sự mất mát về kinh tế.

{keywords}
 

Ông Xiong lưu ý rằng, khi giáo dục vì mục tiêu thi cử, thì việc học sinh và phụ huynh chú trọng vào điểm số và xếp hạng là không thể tránh khỏi.

Một cư dân mạng nói rằng, do dân số lớn và nguồn lực không đầy đủ của Trung Quốc, người dân không còn cách nào khác ngoài việc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao) – kỳ thi được cho là công bằng hơn các phương thức khác.

Tuy nhiên, ông Chu cho rằng điểm số không đánh giá được toàn diện về khả năng của một đứa trẻ ở trường. “Với một hệ thống giáo dục như vậy, phụ huynh và học sinh phải lo lắng quá nhiều về điểm số và xếp hạng thay vì học tập” – ông nói.

Mặc dù, vào những năm 1990, Chính phủ nước này đã đề xuất ý tưởng phát triển một nền giáo dục toàn diện, nhưng cả ông Xiong và ông Chu đều cảm thấy rằng khẩu hiệu này quá trừu tượng và không được đưa vào thực tiễn.

{keywords}
Phụ huynh có con thi đại học đi lễ bái cầu may mắn cho con

Trong khi các cơ quan quản lý giáo dục yêu cầu các trường giảm gánh nặng cho học sinh, thì các bậc phụ huynh Trung Quốc vẫn tiếp tục gửi con tới các lớp học thêm, các chương trình phụ đạo nhằm tránh “thua ở vạch xuất phát”.

Tờ China Newsweek đã phân tích về nỗi lo lắng của phụ huynh cũng như gánh nặng của học sinh Trung Quốc trong một bài báo mới đây. Khác với phụ huynh phương Tây, hầu hết phụ huynh Trung Quốc cư xử với con cái giống như huyết mạch của mình. Họ mong muốn con cái đạt được những ước mơ mà bản thân họ không thể thực hiện được.

“Bố mẹ Trung Quốc cũng nghi rằng kinh nghiệm sống của họ có thể được chuyển giao hoàn toàn cho con cái – những người chỉ nên nhận “đơn đặt hang”. Đó là lý do dẫn tới căng thẳng” – bài báo viết.

Điều đáng chú ý là hiện tượng tôn thờ điểm số như vậy không phải là “đặc sản” riêng của Trung Quốc. Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc cũng rất được coi trọng.

{keywords}
 

Ông Chen cho rằng, việc giải phóng gánh nặng của hệ thống giáo dục nặng về thi cử đòi hỏi cải đổi cách thức đánh giá và thiết lập một hệ thống đánh giá chất lượng toàn diện không xếp hạng học sinh dựa trên điểm số.

Hệ thống lựa chọn tài năng hiện tại của Trung Quốc đang sử dụng cái gọi là bài thi “3 + X” – nghĩa là yêu cầu thí sinh thi Toán, tiếng Trung, tiếng Anh và các môn tự chọn khác trong khối tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hoá học) hoặc khối xã hội (Địa lý, Lịch sử, Chính trị).

Nhiều người tin rằng đây là cách thức công bằng nhất, vì nó cung cấp một nền tảng cân bằng cơ hội cho học sinh ở mọi tầng lớp xã hội, kể cả những người có nền tảng giáo dục hạn chế, để cùng nhau cạnh tranh.

Tuy nhiên, một khảo sát trực tuyến vào năm 2012 do tờ Nhân dân nhật báo tiết lộ, 53% người trả lời (5.882 người) tin rằng kỳ thi đại học không hề công bằng, bởi vì nó sử dụng nhiều bài kiểm tra khác nhau và đưa ra điểm trúng tuyển khác nhau cho học sinh tới từ các tỉnh khác nhau.

{keywords}
 

Ông Xiong cho rằng, cải cách thi đại học hiện đang bị “khoá” vào những cuộc tranh luận bất bình đẳng do truyền thông và dư luận đặt ra. “Theo hệ thống đánh giá chỉ nhìn vào điểm số này, chúng ta không thể phá bỏ được nền giáo dục nặng về thi cử. Các trường nên đánh giá học sinh dựa trên nhiều tiêu chuẩn và học sinh nên có nhiều lựa chọn khác nhau” – ông nói.

Cả ông Xiong và ông Chu đều đề xuất một giải pháp thay thế nhằm cải thiện hệ thống giáo dục hiện tại bằng cách tách biệt việc thi cử và tuyển sinh. Các trường đại học nên tự xây dựng những bài thi và thành lập một nhóm tuyển sinh riêng để chọn lựa những sinh viên phù hợp, thay vì giao cho sở giáo dục, ông Chu đề xuất.

“Lúc đó, học sinh có thể tìm được những trường mà các em thích. Không cần phải xếp hạng điểm số từ trên xuống dưới để chọn tài năng. Điều này sẽ giúp học sinh Trung Quốc giảm tải áp lực”.

Trở lại với lệnh cấm tôn vinh thủ khoa, tính đến ngày 17/5, một quan chức ở sở giáo dục Weihai của tỉnh Sơn Đông cho biết, họ vẫn chưa nhận được những hướng dẫn cụ thể về việc lệnh cấm sẽ được thực thi như thế nào.

Ông Xiong cho rằng, lệnh cấm nên do người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục địa phương chịu trách nhiệm nếu phát hiện sai phạm. Nếu trường phổ thông vi phạm điều này, năm sau họ nên bị cắt chỉ tiêu tuyển sinh.

Nguyễn Thảo (Theo Global Times)

Thiết kế: Diễm Anh