Với tinh thần sống chung an toàn với SARS-CoV-2 trong bối cảnh Omicron lan trên toàn cầu, việc hiểu và đối phó với virus rất quan trọng. 

{keywords}
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP.HCM.

Sau Tết, chắc chắn số ca nhiễm sẽ tăng, ít nhiều tùy theo mức độ di chuyển của người dân trong dịp nghỉ lễ. Việc tăng nhanh hay chậm, phụ thuộc vào mức độ tuân thủ 5K của người dân và vào việc du nhập của biến thể Omicron.

Việc tăng số ca mắc chắc chắn không thể tránh khỏi, ngay cả khi chúng ta đã triển khai tiêm mũi tăng cường. Điều này đã được minh chứng ở Israel, Mỹ, Anh, Nhật, Tây Âu, Bắc Âu.

Chúng ta cũng không thể ngăn  biến thể Omicron lây vào cộng đồng ngay cả khi áp dụng truy vết, cách ly nghiêm ngặt như trước đây. Vì hiện nay, chúng ta đã mở cửa và chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2 an toàn.

Test PCR và test nhanh dù âm tính vẫn có thể bị lọt lưới những trường hợp âm tính giả. Trung Quốc với chính sách "Zero covid", truy vết thần tốc và cách ly nghiêm vẫn không tránh được.

{keywords}
TP.HCM triển khai cách ly F0 tại nhà hiệu quả thời gian qua.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin Covid-19 ở Việt Nam rất cao, kể cả tiêm mũi 3 và cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Khi số ca nhiễm tăng, chúng ta hy vọng tỷ lệ chuyển nặng và nhập viện sẽ không cao như trước đây. Tuy nhiên nếu số ca nhiễm tăng quá nhanh và trong một thời gian ngắn thì tỷ lệ nhập viện và tử vong cũng tăng theo.

Khi đó, hệ thống y tế sẽ quá tải, lực lượng lao động thiếu hụt, chuỗi sản xuất lại đứt gãy. Vậy việc truy vết, cách ly tập trung nghiêm F0, F1 như trước đây đối với những trường hợp nhiễm Omicron có giúp giảm tốc độ tăng số ca nặng và tử vong không?

Chắc chắn là không, kể cả khi tiếp tục giãn cách!

Đợt dịch thứ 4 vừa qua ở TP. HCM đã cho thấy rõ điều này. TP đã giãn cách nghiêm khắc, truy vết liên tục không ngừng, cách ly đến khủng hoảng. Thế nhưng, chỉ đến khi tỷ lệ chủng ngừa vắc xin Covid-19 đủ cao thì đỉnh dịch tại TP. HCM mới hạ nhiệt.

Hà Nội và các tỉnh khác bùng dịch sau TP. HCM, số ca nhiễm tăng cao nhưng rõ ràng nhờ chủng ngừa mà tỷ lệ tử vong thấp.

{keywords}
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP.HCM trong đợt dịch thứ 4.

Vậy nếu tỷ lệ chủng ngừa đã cao thì chúng ta hành động thế nào để đảm bảo 2 mục tiêu. Thứ nhất, số ca nhiễm tăng nhưng đừng tăng quá nhanh. Thứ hai, hệ thống y tế đáp ứng kịp thời trong tình huống xấu nhất. Theo tôi, TP.HCM nên triển khai ngay từ trước Tết những vấn đề sau:  

Ngành y tế nên chuẩn bị sẵn sàng thuốc kháng virus trong hệ thống phân phối thuốc công và tư, thuốc cho cả nhóm bệnh nhân nhẹ và nặng. Thuốc kháng virus giúp giảm sự nhân lên của virus, giảm tải lượng virus trên nhóm bệnh nhân nhẹ, từ đó bớt lây lan.

Người dân có thể tiếp cận sớm và dễ dàng khi có kê đơn của bác sĩ, giúp giảm số ca nhập viện và tử vong. Tôi nghĩ điều này quan trọng nhất nhưng đến hiện nay vẫn chưa làm được.

Ngành y tế phải xây dựng chắc chắn mạng lưới theo dõi và cung cấp oxy ở tuyến cơ sở, phường xã, để xử trí sớm và kịp thời các trường hợp chuyển nặng trong tình huống xấu nhất.

Vừa qua, hệ thống này đã có kinh nghiệm nhưng sau một thời gian làm việc quá tải trầm trọng, nhân viên y tế cơ sở đã thấm mệt, đuối sức. Trong khi đó, nguồn nhân lực chưa được bổ sung, thậm chí còn hao hụt do nghỉ việc.

Thành phố cần tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tuân thủ 5K khi ra ngoài. Lưu ý rằng, luôn luôn có một tỷ lệ người dân không tuân thủ do đó đây không phải yếu tố quyết định.

Việc truy vết vẫn phải thực hiện, nhưng không nên cách ly tập trung những ca nhẹ, chỉ cần cách ly tại nhà.

Như vậy, theo tôi, sau Tết diễn biến dịch Covid-19 sẽ tiếp tục khó lường. Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần vững vàng để không nao núng, sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2, để không phải phong tỏa lại, để kinh tế vẫn phát triển và tính mạng, sức khỏe người dân vẫn an toàn.

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP.HCM

TP.HCM hiện có 68 ca Covid-19 nhiễm biến thể Omicron

TP.HCM hiện có 68 ca Covid-19 nhiễm biến thể Omicron

Trong số 68 ca nhiễm biến thể Omicron tại TP.HCM, có 33 ca được công bố thông tin dịch tễ.