0h ngày 16/4, TP.HCM công bố đã khống chế được ổ dịch quán bar Buddha ở phường Thảo Điền, quận 2. Tuy nhiên, những cán bộ y tế góp phần dập ổ dịch này chỉ cảm thấy nhẹ nhõm trong chốc lát trước khi tiếp tục ‘chiến đấu’.
Phường Thảo Điền, quận 2 như một “Liên Hợp Quốc” thu nhỏ giữa Sài Gòn. Ở đây có gần 10.000 cư dân tới từ 102 quốc gia, vùng lãnh thổ sinh sống và làm việc. Ổ dịch Buddha Bar xuất hiện vào ngày 19/3 tựa như một “quả bom” Covid-19 được kích hoạt nổ tại nơi này.
Lực lượng công an phường bị cách ly, lượng người nước ngoài đông, sử dụng hàng chục ngôn ngữ khác nhau đã khiến việc chống dịch Covid-19 trở nên đầy thách thức. Trong khi đó, trạm y tế phường chỉ có 5 nhân viên.
Đúng 0h ngày 16/4, TP.HCM thông tin ổ dịch Buddha Bar đã tạm thời được khống chế, phân tách an toàn. Tính đến thời điểm hiện tại, ổ dịch này có 18 trong tổng số 54 ca dương tính nCoV được điều trị trên địa bàn thành phố.
Ca đầu tiên (F0) của ổ dịch Buddha Bar là phi công người Anh làm việc cho Vietnam Airlines, bệnh nhân số 91. Người này đã tham gia vào bữa tiệc đêm 14/3 tại quán bar trên.
Hiện nay, người đàn ông 43 tuổi này vẫn trong tình trạng nguy kịch, được điều trị ở BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Ngay sau khi phát hiện trường hợp F0 trên vào ngày 19/3, 8 block chung cư, 2 khu dân cư và trụ sở công an phường ở Thảo Điền phải phong tỏa cách ly.
Chỉ riêng 12 ca dương tính ở Thảo Điền đã kéo theo 2.450 người tiếp xúc gần (F1) phải lấy mẫu xét nghiệm điều tra dịch tễ.
Trong khi đó, Trạm Y tế phường chỉ có 5 nhân viên gồm 3 người phụ trách giấy tờ hành chính, 2 người đi vận động cư dân cách ly. Gần một tháng, Trạm trưởng và y sĩ Nguyễn Quốc Phi phải ngủ ở Trạm Y tế phường, hầu như không về nhà.
159 trong tổng số 255 người dự tiệc cùng với phi công trên ở Buddha Bar sống ở Thảo Điền. Bởi vậy, từ tờ mờ sáng cho tới 2-3h hôm sau, anh Phi và các tình nguyện viên phải đi gõ cửa nhà những người trên để vận động cách ly.
“Phía sau họ là hàng nghìn mối quan hệ gặp gỡ chồng chéo. Khi đi vận động, chúng tôileo rà từng lầu, từng block chung cư, gõ cửa từng căn hộ. Quy trình này hơn nửa tháng mới hoàn tất xong”, y sĩ Phi cho hay.
Kề cận với các ca nhiễm virus nCoV, anh Phi lo sợ bản thân mắc Covid-19 sẽ khiến công việc bị ảnh hưởng. “Nghề nào nghiệp đó, tôi chỉ sợ bản thân nhiễm bệnh hoặc trở thành bệnh nhân siêu lây nhiễm cho người khác, đồng nghiệpkhiến công việc ngưng trệ. Vì vậy, tôi cẩn thận hết mức có thể để không bị lây”.
Với anh Phi, trường hợp vận động khó khăn nhất là một người làm nghề mộc, bạn của bệnh nhân 91. Người đàn ông này sống ở chung cư The Asen quyết không đi cách ly dù bạn gái sẵn sàng chấp hành quy định.
“Hôm nay, ông ta nói ngày mai sẽ đi cách ly. Nhưng tới sáng hôm sau, ông ta bảo, con không đồng ý nên ông ta sẽ tự cách ly”, anh Phi nhớ lại.
Sau đó, Trạm trưởng Trạm Y tế phải qua tận nơi thuyết phục trong 2 ngày, người đàn ông trên mới chịu lên xe đi tới khu cách ly tập trung ở Hóc Môn.
Khó khăn lớn của ổ dịch Buddha Bar chính là sự khác biệt ngôn ngữ. Ngoài ra, nhiều người còn đưa ra yêu cầu“ở một mình một phòng, đi một mình một xe”. Nhân viên y tế mướt mồ hôi khi phải chạy khắp các tầng chung cư, điều xe, thuyết phục.
Sau gần 1 tháng, các ca khỏi bệnh trở về địa phương, nhân viên y tế phường tiếp tục giám sát sức khỏe những người trên thêm 14 ngày.
Khi ổ dịch bùng phát, phường Thảo Điền lại gặp thêm khó khăn lớn khi toàn bộ 14 chiến sĩ công an phường bị cách ly.
Để các F1 không trở thành F0 lây lan ra cộng đồng, quận 2 phải điều động 1 nhóm hỗ trợvận động cách ly. Trạm Y tế phường với 5 cán bộ nòng cốtđi khắp các cao ốc, ngóc ngách để tìm cho ra những F1, F2 có nguy cơ lây nhiễm.
“Mới đầu, đội hỗ trợ gồm các cảnh sát cơ động, hình sự nên chưa nắm được địa bàn, dân cư để cùng nhân viên y tế vận động cách ly được. Sau đó, lực lượng trên dần nắm vững khu vực nên cùng với y tế phường và tình nguyện viên phối hợp trôi chảy”, ông Trần Phương Nam, Phó Chủ tịch phường Thảo Điền, chia sẻ về khó khăn bước đầu.
Vị lãnh đạo phường cho hay, dập được ổ dịchcũng phải ghi nhận công của đội tình nguyện viên.
Ban đầu, các bạn trẻ chỉ phiên dịch hỗ trợ cho nhân viên y tế. Sau đó, do thiếu hụt lực lượng, chính những cộng tác viên này cũng tham gia vận động cách ly.
Nguyễn Ngọc Anh (25 tuổi) từ Tây Ban Nha trở về sau Tết Âm lịch. Cô gái từng có 11 năm sống ở nước ngoài là một trong những thành viên tinh nhuệ nhất trong đội.
“Ở đâu cần tình nguyện viên thì bảo em với, em nhiệt tình, tháo vát và biết 5 ngoại ngữ”, cô gái tóc vàng, đeo khuyên mũi đã đăng lên mạng xã hội.
Ngày đầu đến nhận việc, bộ dạng rất Tây của Ngọc Anhkhiến nhiều ánh mắt ngỡ ngàng. Tuy nhiên, sở trường biết 5 thứ tiếng đã giúp cô “trị” được những ca khó nhất ở ổ dịch Buddha Bar.
“Rất khó giao tiếp với những người Italia, Tây Ban Nha, Nam Phi, Brazil bằng tiếng Anh. Ngoài ra, nửa đêm kêu họ đi cách ly ở một nơi xa lạ, tất nhiên, họ sẽ thấy hoang mang và phản kháng”, Ngọc Anh chia sẻ.
Cô gái đã thuyết phục những người nước ngoài bằng chính ngôn ngữ Tây Ban Nha của họ. Ngọc Anh cũng chia sẻ thông tin báo chí nói về cách ly, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam và cho số điện thoại của cô để họ liên lạc khi cần.
Khi vào khu cách ly, những người ngoại quốc lại than phiền “phòng dơ quá, giường nhỏ quá, đồ ăn không hợp, ở nóng quá”.
Ngọc Anh một lần nữa động viên: “Các bạn bỏ qua những cái nhỏ nhặt để cùng nhau chống dịch. Hiếm có nước nào hỗ trợ các bạn y tế miễn phí, bảo vệ sức khỏe các bạn như Việt Nam. Tất nhiên,Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhưng nhìn về châu Âu và một số nước, các bạn nên thấy mình may mắn đang ở đây chứ”.
Từ đó, cô gái có rất nhiều bạn giúp tìm ra thêm những người liên quan đến Buddha Bar chưa được vận động đi cách ly. Những thông tin dần gợi mở, phạm vi ổ dịch được thu hẹp.
Rảnh rỗi khi công ty bất động sản đóng cửa, Mai Lan (27 tuổi,ngụ ở Thảo Điền) xung phong làm phiên dịch. Cô được bố trí trực tổng đài điện thoại để nhận các cuộc gọi khai báo của người nước ngoài; phiên dịch cho đội y tế lấy mẫu bệnh phẩm ở các tòa nhà cách ly; cùng công an đến nhà những người nhập cảnh sau ngày 8/3 vận động lấy mẫu khai báo y tế.
Buổi tối,Mai Lan điều động xe đưa mọi người về các khu cách ly tập trung. “Tôi thấy tự hào khi giúp được các cô chú làm trong ngành y tế. Đây là một trải nghiệm mà tôi sẽ ghi nhớ vì tôi chưa từngtham gia chống đại dịch như thế này”, Mai Lanbày tỏ.
Theo ông Trần Phương Nam, Phó Chủ tịch phường Thảo Điền, sự đồng lòng của cán bộ và nhiệt tình của tình nguyện viên đã giúp ổ dịch được khống chế kịp thời.
“Trong 177 người vào Buddha Bar đi cách ly tập trung có 7 ca dương tính. Nếu 7 người này đi ra cộng đồng thì không biết ổ dịch này sẽ lây lan ở mức độ nào”, ông Nam nói.
Bác sĩ Trương Thanh Trung, Trưởng phòng Y tế quận 2, cùng với đồng nghiệp mỗi ngày đều viết nhật ký đúc kết bài học về công tác dự phòng dịch tễ trong trận dịch lớn Covid-19 với ổ dịch phức tạp Buddha Bar.
Bác sĩ nhìn nhận hạn chế lớn nhất trong một tháng qua chính là khâu nhập liệu thông tin người bệnh khiến việc phân loại tốn nhiều thời gian. Điều may mắn là quận 2 có cơ chế linh hoạt, bệnh viện phụ trách khu cách ly tập trung. Bởi vậy, tất cả nhân viên y tế dự phòng có thể chuyên tâm vào ổ dịch ở Thảo Điền.
Bước vào giai đoạn 3, người dân TP.HCM có dấu hiệu chủ quan, ra đường nhiều, những người khỏi bệnh trở về cách ly tại nhà nên các nhân viên y tế không được phép mất cảnh giác.
“Sau lần này, chúng ta cầnbổ sung thêm cán bộ y tế trẻ. Hiện tại, nhiều cán bộ dự phòng đã lớn tuổi, khó kham nổi những trận chiến lớn”, bác sĩ Trung trải lòng.
Sau khi hoàn tất công việc ở ổ dịch Buddha Bar,vị bác sĩ gầy sọp đi, đôi mắt thâm quầng. Nhưng ông vẫn tiếp tục ra phà Cát Lái để sàng lọc, giám sát y tế hàng nghìn người dân qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM.
“Mỗi đợt phà cập bến Cát Lái chuyên chở cả nghìn người, cán bộ y tế phải đo nhiệt độ, ghi thông tin và phân luồng ngay nếu người dân sốt và có triệu chứng nghi ngờ về hô hấp. Công việc vẫn diễn ra và không cho phép chúng tôi chủ quan khi vừa tạm thời dập được một ổ dịch lớn”, bác sĩ Trung khẳng định.
Thêm một khó khăn nữa tồn đọng là phàn nàn của những người nước ngoài phải đi cách ly. Họ gửi thư lên Tổng lãnh sự các nước nên bác sĩ Trung và các đồng nghiệp phải ngồi phúc đáp để Sở Ngoại vụ chuyển đến các cơ quan ngoại giao các nước.
Bài: Phan Nhơn
Thiết kế: Thu Hằng
Những bệnh nhân Covid-19 đặc biệt nhất Việt Nam
- Trong số 270 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam có nhiều trường hợp rất đặc biệt, cho thấy còn nhiều ẩn số về virus corona chủng mới nCoV này.