Cuộc trò chuyện của chúng tôi trong góc nhỏ quán cafe ấm áp giữa chiều đông Hà Nội bàng bạc gió và những tầng cảm xúc lặn sâu được xới lên khe khẽ… 

Có thể đó là cảm giác đau nhói, bóp nghẹt hơi thở định bỏ thi Sao Mai ở Huế năm 2011, khi nhận tin bố đang ốm nặng do nhồi máu cơ tim… Cũng có thể là sự tận hiến đến cùng cho niềm đam mê âm nhạc mà như Vũ Thắng Lợi tâm sự: “Nếu còn sức khỏe tôi không bao giờ ngừng hát”. 

-Từ chú bé đứng cánh gà nghe lén khúc ca cải lương, rồi cậu học trò làm thêm ở quán café xin lên sân khấu hát tới ca sĩ Vũ Thắng Lợi hôm nay, dường như “sứ mệnh” của anh trong cuộc đời này gắn liền với âm nhạc? 

Nhà tôi có gen yêu nghệ thuật, bố thích chụp ảnh, các chú mê hội họa, kiến trúc. Bố tôi sinh năm 1928, tính nghệ sĩ lắm, năm ông 20 tuổi đã tự sắm máy ảnh, thời đó dám đầu tư như vậy là “ghê gớm” đấy! Khi tôi được 4-5 tuổi, ông cứ đi theo các đoàn nghệ thuật vừa để gần gũi với các nghệ sĩ, vừa kiếm sống bằng nghề chụp ảnh, sau đó ông còn xin vào làm bảo vệ ở Đoàn Cải lương Bông Sen Trắng (Nghệ Tĩnh, nay là Nghệ An). Sống cùng với bố, tôi ngấm niềm đam mê âm nhạc từ lúc nào không hay.

Học cấp 3, tôi xin đi làm thêm ở những quán cafe âm nhạc, vừa bưng bê đồ vừa nghe, rảnh tay còn xin lên sân khấu hát say sưa. Âm nhạc đã trở thành một phần máu thịt và tôi quyết định sẽ dấn thân.

Chị biết không, mỗi sớm mai thức giấc tôi đều bật một bản nhạc để thả trôi trong đó và quỳ xuống tạ ơn Trời - Đất cho tôi thêm một ngày được hít thở bầu không khí trong lành, cầu xin cho những người thân của mình được bình an. Những thanh âm, giai điệu cứ “nhập vào” trong tôi một cách giản dị, tự nhiên như vậy! 

-Theo đuổi dòng nhạc chính thống, anh có nghĩ mình đã tự chọn một lối đi hẹp khó tiếp cận với khán giả đại chúng, không có nhiều bài hit và “chiếm sóng” truyền thông? 

Thực ra thời đó có gì mà nghe đâu chị? Các bạn ngoài này có thể nghe đĩa nhạc Tây và biết thế nào là nhạc Pop, thế nào là Jazz còn bọn tôi ở quê chỉ nghe đài phát thanh, xem tivi thấy anh Trọng Tấn hát là mê lắm! Trong 3 năm học trung cấp của Phân viện Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội ở Nghệ An, tôi chỉ được học về âm nhạc thế giới theo kiểu truyền khẩu và qua tài liệu.

Đến năm 2007 tôi mới ra Hà Nội, lúc đó chưa mua được máy tính, chỉ có đầu đĩa và bộ loa cũ mà cậu em đã tốt nghiệp để lại, toàn nghe CD của anh Trọng Tấn, Bằng Kiều… đã được người bán rong in sao lại nhiều lần. 

Tôi còn nhớ như in lần mò lên cửa hàng băng đĩa nhạc ở phố Hàng Bông, ông chủ tên Hưng bật cho đĩa nhạc Time to say goodbye (Sarah Brightman và Andrea Bocelli) mà cảm giác thẫn thờ vì lần đầu tiên được nghe thứ âm nhạc “lớn lao” nhường vậy.

Năm 2007, tôi thi Sao Mai và trượt, quay về quê đến 2009 thi tiếp… vẫn trượt. Đến năm 2011 mới đạt giải Nhì dòng nhạc thính phòng. Tôi vẫn kiên định một lòng để chạm tới những cái đích đã đặt ra. Chắc do “chất lính” được rèn luyện từ môi trường quân đội nên khó lùi bước.

Tôi không quá quan trọng việc nổi tiếng hay không. Hồi mới đạt giải, tự khoác cho mình cái danh, đi đâu cũng “ra vẻ” nhưng may mắn là có những người bạn đi trước nhắc nhở rằng: “Đó chỉ là cái vỏ thôi, thực chất của mình thế nào mới bền lâu”, nên tôi nhanh chóng thoát ra được những hư danh đó để thực sự lao động nghiêm túc và có những bước tiến trong sự nghiệp. 

Giờ cũng thấy tự hào vì vẫn có một lượng khán giả luôn yêu quý, chịu đến ngồi nghe mình hát mấy tiếng liền (cười). 

-Anh có sợ rằng đến lúc nào đó, dòng nhạc mình lựa chọn sẽ không còn nhiều người nghe khi một bộ phận khán giả trẻ đang được cho là thờ ơ với nhạc truyền thống? 

Âm nhạc luôn hướng thiện và đưa con người trở về nguồn cội. Trong dòng máu, trong tâm hồn của bất cứ ai cũng đều có tình yêu cha mẹ, gia đình, yêu quê hương, đất nước nên tôi tin rằng dòng nhạc mình theo đuổi sẽ không bao giờ lụi tàn. Bởi vì đây cũng là thể loại âm nhạc hội tụ đủ yếu tố từ văn hóa, tính nhân văn và mang giá trị giáo dục rất cao.

Quan trọng mình phải thay đổi cách tiếp cận, truyền bá và bảo tồn văn hóa gốc. Có lần tôi sang Nga, đi tàu điện ngầm thấy họ mở nhạc giống như nhạc đỏ của Việt Nam, bật mọi nơi mọi lúc, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ ở nước họ mạnh mẽ lắm. 

Hiện nay, một số khán giả trẻ nhiều khi bị hoang mang, không biết mình cần nghe nhạc gì, nghe một cách thụ động theo “trend”, theo gợi ý của các nền tảng nhạc số. Tôi nhớ có một câu nói thế này: “Một bước tiến của văn minh là một bước lùi của đạo đức”. Nói đạo đức cũng hơi quá nhưng thời đại công nghệ lên ngôi đôi lúc nhấn chìm chúng ta và làm đánh mất đi những cảm xúc rất “người” với nhau. 

-Vũ Thắng Lợi có định thử sức trong một số thể loại nhạc “dễ nghe” hơn như nhạc trẻ, bolero? 

Tôi không thể nào hát nhạc theo kiểu khiến cho người nghe thấy “thương vay” mình. Tôi quen với sự vững chãi, chắc chắn khi hát nhạc đỏ mất rồi. 

-Anh có vẻ thích từ “Khát vọng”, những sản phẩm âm nhạc đầu tay đều mang tên này. Nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã qua, anh đã thực hiện được những khát vọng của bản thân chưa và còn dự định nào dang dở? 

Đến nay tôi thấy cũng thỏa được phần nào! Nên đôi khi cho phép mình thả bộ rong chơi, được làm những điều mình thích. Mỗi năm quyết tâm làm được ít nhất một liveshow, không phải để duy trì tên tuổi của riêng Vũ Thắng Lợi mà muốn góp sức nuôi dưỡng dòng chảy âm nhạc cách mạng, những khúc tình ca yêu đời, yêu người với sự rung cảm thiết tha, sâu lắng đến được với nhiều người yêu nhạc hơn nữa. 

Ít nhất mỗi cá nhân đều làm tốt phần việc của mình đã là một sự thành công rồi. May mắn là cũng có những bạn trẻ, những học trò nhìn thấy sự nỗ lực và một số thành quả của tôi để họ tin tưởng bước tới. Khi đứng ở vị trí người thầy, tôi coi đó là một trách nhiệm với xã hội và cũng là cơ hội để tôi luyện kỹ năng của bản thân.

-Vũ Thắng Lợi trong hình dung của khán giả là một ca sĩ có giọng hát kỹ thuật nhưng vẫn mang chất “tình”, luôn xuất hiện rất chỉn chu, lịch lãm có khi nào anh sẽ muốn thay đổi sự đóng khung này bằng một hình ảnh hoàn toàn mới? 

Thực ra, tôi cũng không lịch lãm lắm đâu, (cười), gốc gác từ nông dân mà ra, chỉ nghĩ rằng có lẽ mình ở đâu cũng sống được. Giờ nếu chẳng may không làm ca sĩ được nữa tôi sẵn sàng chạy xe ôm, lái taxi kiếm tiền mưu sinh. Tuy nhiên, khi vẫn còn cơ hội xuất hiện trên bất cứ sân khấu nào phải chỉn chu, nghiêm túc để thể hiện sự tôn trọng khán giả. 

Tôi hài lòng với hình ảnh hiện tại vì nó phù hợp với cái chất của mình nên thấy thoải mái, không phải diễn gượng gạo. 

-Có nhận xét Vũ Thắng Lợi khá “chảnh” nên ít có bạn đồng nghiệp thân thiết, anh nghĩ sao về điều này? 

Tôi là người khái tính, bộc trực nên có quan điểm sống yêu - ghét rõ ràng. Nhưng tôi thấy hạnh phúc và may mắn vì vẫn có nhiều người anh, người chị, bạn bè đáng quý gắn bó lâu dài, luôn đồng hành cùng tôi. Còn ai có nhận xét như vậy, chắc họ không chơi với tôi nên chưa hiểu hết. Tôi coi trọng những ý kiến đóng góp xác đáng để nếu mình chưa cư xử đúng mực, sẽ sẵn sàng sửa đổi. Nhưng tôi vẫn là tôi, chỉn chu, cầu toàn và luôn lắng nghe. 

-Rất chăm chỉ đầu tư cho các sản phẩm từ album nhạc tuyển, MV, phát hành đĩa than nhạc quê hương, tổ chức live concert, bên cạnh sự tâm huyết chắc hẳn anh cũng có nguồn tài chính khá vững vàng bởi các dự án âm nhạc thời nay làm dễ... lỗ? 

Đúng là làm sản phẩm âm nhạc chất lượng thời nay phải chịu lỗ nhưng mà… kệ thôi! (cười). Đó là sứ mệnh của người nghệ sĩ. Trời cho mình giọng hát và cái duyên theo nghề cứ phiêu đi, bay đi, sao phải kìm hãm? Thầy tôi dạy rằng: "Người nghệ sĩ sáng tạo vì yêu cái đẹp chứ không vì tên tuổi, tiền bạc hay địa vị".

Nhà tôi đang ở vẫn chưa trả hết nợ nhưng có sao đâu, miễn mình còn đủ sức khỏe, cảm xúc thăng hoa và tràn trề năng lượng tích cực để đứng trên sân khấu. Mệt đến mấy mà nghe thấy những tràng pháo tay của khán giả là như được nạp pin 100%, lại cuộn trào nỗi đam mê được hát. Nỗi khát khao làm nghề trong tôi lớn lắm! Tôi hạnh phúc vì điều đó. Sợ nhất là khi mình cạn kiệt cảm xúc, không còn thấy rung động khi lắng nghe một giai điệu, một khúc ca. 

-Vợ anh có khi nào lo lắng trước những dự án âm nhạc mới của chồng? 

Vợ tôi không phải là dân nhạc, không có hiểu biết sâu xa về nghề nghiệp của chồng nhưng cô ấy luôn ủng hộ và hỗ trợ tôi bằng hết khả năng. Đáng nhẽ, năm nay tôi “án binh bất động” nhưng cô ấy lại thúc giục: “Anh làm gì đi chứ!”. Và tôi đáp: “Ừ thì làm!”. Sự đồng lòng đồng sức đó chính là khởi nguồn của live concert Quê hương sẽ đến với khán giả Thủ đô vào ngày 22/12 tới. 

-Liveshow sắp tới anh mời ê-kíp từ TP.HCM thực hiện. Vì sao anh chọn đạo diễn Cao Trung Hiếu - một người nổi tiếng khá kỹ tính và… đắt đỏ? 

Tôi và Cao Trung Hiếu gắn bó khá lâu rồi, từ những chiếc đĩa đầu tiên ra đời năm 2013, lúc còn chưa nhiều người biết đến anh ấy, giờ anh Hiếu đã là một đạo diễn giỏi, có chiêu trò, có thương hiệu. Tất cả những bìa đĩa nhạc của tôi từ trước đến nay đều do anh làm.

Với live concert Quê hương, tôi cũng muốn thử sức làm một show “xứng tầm”, còn chi phí cũng chưa thấy anh ấy “bày biện” hay nói cụ thể gì cả. Quan trọng nhất là anh Hiếu đã nhận lời làm chương trình này, hy vọng  khán giả sẽ đón nhận sự nỗ lực và tâm huyết của chúng tôi. 

-Anh khoe ảnh chơi với con rất vui, ở nhà chắc bố Lợi chiều các bé lắm! Anh có định hướng hay mong con sau này theo đuổi âm nhạc không?

Khi còn trong bụng mẹ hay lúc mới sinh tôi cũng cho các bé nghe nhạc cổ điển, lớn thêm chút nữa để mọi thứ diễn ra tự nhiên, mình nghe nhạc gì thì các con đều nghe theo. Âm nhạc sẽ thẩm thấu dần dần, nuôi dưỡng tâm hồn bọn trẻ trong không gian tự do đó, mình đâu cần can thiệp gì. 

Bài: Linh Đan

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Minh Hòa