Xa dần hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ, những năm gần đây, ở các nông thôn của nước ta đã xuất hiện nhiều hơn những “cánh đồng công nghệ cao”.
Ở đó, người nông dân áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa... nhằm tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Tại một hội nghị về nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp 4.0) vừa được tổ chức ở Lâm Đồng, ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - nhận xét, việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong lĩnh vực ngành nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và tăng năng suất lao động...
Hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin có mức đầu tư cao được hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư đưa vào sản xuất như hệ thống nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ IoT... đưa diện tích ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng tăng nhanh, không chỉ tập trung ở các huyện, thành trọng điểm mà nhiều loại hình công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi làm nên thương hiệu nông sản của tỉnh. Công nghệ thông tin kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa đã giải được nhiều bài toán về dự báo thời tiết; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Những năm gần đây, nông dân Lâm Đồng đã được tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vảo sản xuất nông nghiệp.
Ông Vinh cho biết, Lâm Đồng có trên 56.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cao cấp đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng; hoa 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao 250 triệu đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm...
Chia sẻ câu chuyện thành công từ nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Anh Đào (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) từng cho biết, HTX đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và áp dụng thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu.
Hiện HTX đang trồng rau quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ bình quân 50.000 tấn trong nước và 4.000 tấn xuất khẩu. Doanh thu hơn 10 triệu USD/năm, ông Thừa tiết lộ.
Dù đem lại hiệu quả kinh tế cao, song, ông Vinh cũng thừa nhận, diện tích đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin còn hạn chế khi chỉ chiếm khoảng 20% diện tích đất canh tác, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh.
Tỷ lệ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất còn quá ít so với số hộ sản xuất nông nghiệp; những mô hình, trang trại thành công trong sản xuất nhờ áp dụng thành tựu khoa học công nghệ đa số tuổi đời còn khá trẻ, hầu hết được qua đào tạo chuyên môn nhất định, nhạy bén và dễ dàng tiếp cận những thành tựu của công nghệ thông tin mang lại để áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Còn phần lớn người nông dân Lâm Đồng vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, diện tích đất manh mún, còn thụ động và chưa làm chủ được công nghệ và chưa tự tin, mạnh dạn ứng dụng thành tựu, hiệu quả của công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi.
Để giải quyết được bài toán cho người nông dân sẵn sàng làm nông nghiệp 4.0, theo ông Vinh, cần có nguồn vốn đủ và có cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi hơn nữa để đầu tư, khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây chính là khâu then chốt.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, mới đây cho rằng, dù giá thành cao hơn nông sản sản xuất đại trà khoảng 20-30%, nhưng nông sản ứng dụng công nghệ cao lại được thị trường ưa chuộng, làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó.
Hà Nội hiện có 133 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đáng chú ý, 100% mô hình này trong trồng trọt, chăn nuôi đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Song số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, ông Mỹ thừa nhận.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình nông nghiệp 4.0, đồng thời đẩy mạnh hướng tới xuất khẩu các sản phẩm này. Trong đó, sẽ chú trọng vào chăn nuôi và cây ăn quả.
Trước hết, với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở NN-PTNT sẽ vận động bà con trong một hợp tác xã cùng sản xuất sản phẩm thế mạnh có ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật để tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao, ông Mỹ chia sẻ.
Bài: Bảo Phương
Thiết kế: Luyện Phạm