Sau hành trình gần 40 năm nuôi trồng và xuất khẩu, con tôm Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Tôm được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam 10 tỷ USD để giấc mơ thủ phủ tôm số một thế giới thành hiện thực.
Xuất thân từ một gia đình thuần nông suốt ngày chân lấm tay bùn, cuộc sống khó khăn vất vả, song đến thời điểm này ông Dương Hà ở thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu) có thể tự tin nói rằng mình đã có tiền tỷ trong tay, bởi mấy năm nay nhờ con tôm mà ông thắng lớn.
Ông cho biết, 5 năm trở lại đây, ông đã tận dụng hết diện tích đất sản xuất của mình là 14ha để sản xuất 2 vụ tôm/năm với mô hình nuôi tôm công nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến nhất vào nuôi trồng dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao.
Nhờ đó, mô hình nuôi tôm của ông đạt chuẩn từ khâu quản lý cho tới chăm sóc, đặc biệt lúc xuất bán con tôm đáp ứng đủ tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất. Kết quả, đều đặn mỗi năm ông thu hoạch 2 vụ tôm với năng suất đạt 40 tấn, giá bán trung bình đạt 150.000 đồng/kg, doanh thu đạt 6 tỷ đồng, trừ đi chi phí ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Song, không chỉ riêng ông Hà, vào khu vực ĐBSCL, sẽ chẳng khó để gặp được những tấm gương làm giàu nhờ con tôm. “Vua tôm”, “tỷ phú tôm” hay “siêu lợi nhuận” là những gì mà nông dân miền Tây nói đến khi nhắc về con tôm họ đang nuôi.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh thành, gồm 2 loài: tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ 20). Từ năm 1998, tôm chân trắng bắt đầu được du nhập Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp.
Sau hành trình gần 40 năm phát triển, đến nay diện tích nuôi trên 720 ngàn ha, sản lượng đạt gần 690 ngàn tấn, trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,8 tỷ USD, xuất khẩu đi 90 nước trên thế giới. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tôm như: Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn Việt Úc, Công ty CP Trung Sơn, Công ty Đắc Lộc,... đã đưa con tôm Việt vào được những thị trường cực kỳ khó tính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ,... hay các nước châu Âu.
Đi kèm với nó là những vùng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sinh thái, tôm siêu sạch,... rồi những khu nhà máy chế biến hiện đại bậc nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam đã có nhãn hiệu tôm sú sinh thái Việt Nam được thế giới ưa thích và nhu cầu rất lớn trong khi khả năng cung cấp của ta còn hạn chế.
Việc tôm Việt Nam đạt các chứng chỉ chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP,... và VietGAP đã minh chứng cho các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm tôm của nước ta, được khách hàng đánh giá cao với một ngành sản xuất có trách nhiệm.
Một doanh nhân gắn bó gần 30 năm trong ngành tôm chia sẻ, nhờ liên kết với các hộ nông dân để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ con giống, nuôi trồng cho tới chế biến với tiêu chuẩn cao nhất thế giới mà con tôm Việt Nam đã đặt chân được vào những thị trường khó tính nhất. Theo đó, đứng cạnh các đối thủ Ấn Độ và Thái Lan, các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc,... luôn lựa chọn con tôm Việt Nam để mua vì tin tưởng vào chất lượng.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng thừa nhận, đầu năm nay giá tôm xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Nhật là 12 USD/kg, trong khi giá của Indonesia chỉ có 11 USD và Thái Lan là 10 USD. Thế nhưng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn hẳn so với cả 2 nước còn lại là Thái Lan với 13,9%, Indonesia chỉ tăng 2,4%.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam vượt Thái Lan năm 2013. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2013 đạt 3,1 tỷ USD, trong khi Thái Lan chỉ đạt 2,3 tỷ USD. Đến năm 2017, xuất khẩu tôm Thái Lan đạt 1,9 tỷ USD thì tôm Việt xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD.
Vượt qua khó khăn để đạt thắng lợi lớn, con tôm Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế khi đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Cách đây không lâu, tại một hội nghị về phát triển ngành tôm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành này.
Với thị trường 7 tỷ người, từ trẻ con đến người lớn đều ăn tôm và hầu như tất cả bữa tiệc thịnh soạn đều sử dụng tôm nên Thủ tướng nhấn mạnh, chậm nhất trước năm 2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 10 tỷ USD.
Vậy, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD và giấc mơ số 1 thế giới liệu có thành sự thật?
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, làm thế nào để khai thác được những tiềm năng, lợi thế của con tôm đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét đến các tỉnh ven biển nước ta là một trong những nhiệm vụ ưu tiên triển khai khi ông nhận cương vị mới.
Ông kể, trong các chuyến đi khảo sát thực tế đã cho thấy được sự đa dạng, phong phú về con tôm Việt Nam. Chẳng hạn, mô hình tôm - lúa tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Đây là mô hình đầy sáng tạo với việc sản xuất 1 vụ lúa trong mùa mưa và nuôi một vụ tôm sú trong mùa khô giúp người dân thu lời lớn, trong khi đó với mô hình luân canh này giúp giảm dịch bệnh cho cả lúa và tôm, giảm chi phí đầu vào và đặc biệt giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hay về Ngọc Hiển (Cà Mau) xem các mô hình tôm sú trong rừng ngập mặn cũng vậy. Mặc dù với sản lượng dưới 300kg/ha nhưng mô hình này giúp người dân bảo vệ được rừng ngập mặn, chống sói lở và tôm nuôi trong rừng ngập mặn là tôm nuôi hữu cơ sử dụng chủ yếu là thức ăn tự nhiên do đó có giá bán cao hơn hẳn tôm thường.
Bên cạnh đó, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư bài bản, hiện đại như của công ty Việt Úc tại Bạc Liêu, Công ty Đắc Lộc ở Phú Yên. Đặc biệt, Hà Tĩnh có những doanh nghiệp đầu tư hàng trăm ha nuôi tôm trên cát với lợi nhuận hàng năm lên đến cả trăm tỷ đồng.
Từ đó, có thể thấy rằng, chúng ta có rất nhiều thế mạnh để phát triển con tôm, từ điều điện tự nhiên đến khoa học kỹ thuật, con người chăm chỉ và đầy sáng tạo,… Trong khi đó, thị trường 7 tỷ dân còn rất nhiều dư địa và đặc biệt, tôm Việt Nam đang được các thị trường khó tính công nhận về chất lượng.
Thế nhưng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có, theo các chuyên gia trong ngành, ngành tôm nước ta vẫn còn tồn tại một số vướng mắc cần tháo gỡ, như: thiếu nguồn tôm giống bố mẹ, giá thành sản xuất tôm còn cao, tình trạng làm dụng thuốc, hóa chất, bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm chưa đảm bảo, sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ…
Thương hiệu Tôm Việt |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để con tôm có vị thế cao và phát huy hiệu quả tiềm năng thì nhiệm vụ chính là của ngành nông nghiệp, nhưng cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, đặc biệt là sự tham gia của người dân và doanh nghiệp thì mục tiêu chinh phục đỉnh cao của thế giới về sản xuất và cung ứng tôm mới thành hiện thực.
Trong đó, vai trò của của doanh nghiệp luôn được đặt làm trung tâm trong chuỗi giá trị ngành tôm hiện nay.
Người dân và các doanh nghiệp cần tập trung phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian... Bởi đó là xu hướng tất yếu để đạt mục tiêu xuất khẩu với số lượng và chất lượng cao hơn.
Trong quá trình nuôi, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thay thế dần từ sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học; không sử dụng thuốc kháng sinh. Cùng với đó, chủ động về chế phẩm, thức ăn, con giống; tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng các chứng nhận quốc tế có uy tín; nâng cao năng lực chế biến; xúc tiến thương mại, làm thương hiệu cho con tôm...
Bảo Hân