- 2013 là một năm thế giới đầy những diễn biến nóng bỏng, phức tạp, khó lường, các cuộc xung đột thắt mở kịch tính, đến những diễn biến bất ngờ từ chính nội bộ của những cường quốc... 

Bán đảo Triều Tiên

{keywords}

Ảnh: Telegraph

Truyền thông quốc tế đầu 2013 đã tốn không ít giấy mực dõi theo những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt việc xúc tiến thử hạt nhân của lãnh đạo Kim Jong Un.

Không chỉ gây ra phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, các vụ thử hạt nhân khiến bán đảo không còn được bình yên khi trở thành "chất xúc tác" biến khu vực nóng như chảo lửa với dày đặc các cuộc tập trận hải quân, không quân, bộ binh của các bên liên quan. 

Bình Nhưỡng còn lên tiếng đe dọa sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, nhấn chìm Seoul trong biển lửa... Washington đáp trả khi điều động các hệ thống đánh chặn ở Alaska, các hệ thống phòng thủ, chuẩn bị ‘ô hạt nhân’ để đỡ đạn cho Hàn Quốc.

Nhật Bản thì triển khai các tên lửa Patriot để bảo vệ 30 triệu dân sống tại thành phố Tokyo. Hàn Quốc cũng trong tâm thế sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang đến mức có những dự tính một viễn cảnh tồi tệ xảy ra: Mỹ sẽ mất vài thành phố; Triều Tiên bị hủy diệt toàn bộ, Hàn Quốc tổn thất nặng; khủng hoảng biên giới Triều Tiên - Trung Quốc và lớn hơn là Đông Bắc Á lâm vào hỗn loạn...

Nhưng một cuộc chiến tranh tổng lực đã không xảy ra nhờ nỗ lực ngoại giao của tất cả các bên liên quan.

Hỏa lực phương Tây đe dọa Syria

{keywords}
Ảnh: BI

Cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm rưỡi tại Syria đã có nguy cơ trở thành chiến tranh lan rộng khắp khu vực khi vũ khí hóa học trở thành công cụ, bằng chứng và lý do. Không khí chiến tranh đã bao trùm khắp Trung Đông sau khi phe nổi dậy cáo buộc chính phủ sử dụng vũ khí hóa học giết hại 1.300 dân thường. Tình huống đã trở thành “thời cơ” để  Mỹ và phương Tây dễ bề can thiệp.

Vũ khí trên chiến hạm của Mỹ và các căn cứ quân sự của các nước NATO đã được nạp đầy bom, đạn ở tư thế sẵn sàng khai hỏa vào các địa điểm đã được lựa chọn sẵn, dù LHQ mong muốn điều tra “thấu đáo, công bằng và cấp bách”.

{keywords}
Ảnh: wordpress

10 nước phương Tây và Trung Đông đã tính toán thảo luận về khả năng can thiệp quân sự vào Syria.

Trong vai trò gỡ ngòi nổ chiến sự, Moscow đưa ra giải pháp thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học tại Syria.

Dư luận ví đây như "bắn một mũi tên trúng nhiều đích": đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Assad khi các hợp đồng vũ khí của Syria với Nga đạt giá trị ít nhất 4 tỉ USD; thể hiện một hình ảnh chính phủ chủ quyền, mạnh mẽ, tự do khỏi ảnh hưởng phương Tây để gián tiếp cảnh báo các khu vực bất đồng chính kiến tại Nga, ví dụ như Chechnya rằng, nổi dậy sẽ không được dung thứ; Hạn chế ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới...

Nước Mỹ tê liệt

{keywords}

Một nhà ga tàu điện ngầm gần đồi Capitol vắng tanh không có lấy một hành khách, dù đang là giờ cao điểm của một ngày làm việc bình thường. Ảnh: AP

Ngày 1/10 đi vào "lịch sử" nước Mỹ: Chính phủ chính thức ngừng hoạt động sau khi các nghị sĩ không thể nhất trí về một kế hoạch chi tiêu. Các công viên quốc gia, tượng đài và viện bảo tàng cũng như hầu hết các cơ quan liên bang đóng cửa. 

{keywords}
Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ ngừng hoạt động trong vòng 17 năm. Với gần như toàn bộ thế giới, đây là một tin xấu. Sau đóng cửa, nếu là vỡ nợ liên bang thì các nhà đầu tư sẽ lo lắng về nền kinh tế Mỹ. Đối với châu Âu, những bế tắc tài khóa của Mỹ có thể đặc biệt gây hại đến các nước thuộc khu vực đồng euro.

Sau khi Tổng thống Obama ký một dự luật về ngân sách để nâng trần nợ công, tình trạng đóng cửa chấm dứt. Bế tắc chính trị được khai thông nhưng nước Mỹ vẫn không giải quyết được bất đồng về chương trình chăm sóc sức khỏe do Tổng thống đề xướng.

Trung Quốc

{keywords}
Ảnh: Philstar

Khi danh sách lãnh đạo mới của Trung Quốc hoàn tất vào tháng 3, thì chính sách ngoại giao trong đó tiếp cận vấn đề chủ quyền một cách cứng rắn được áp dụng.

Trên đất liền, tại khu vực biên giới với Ấn Độ, xảy ra liên tiếp các vụ xâm nhập xuyên biên giới của binh lính Trung Quốc. Ấn Độ tuyên bố sẽ “tiến hành mọi biện pháp có thể” để bảo vệ các lợi ích của mình. Ngày 18/7, ủy ban nội các phụ trách an ninh Ấn Độ đã thông qua quyết định thành lập quân đoàn tác chiến vùng núi có chi phí khoảng 11 tỉ USD trong 7 năm.

Trên biển, Trung Quốc liên tục có động thái mới làm nổi sóng ở cả Hoa Đông và Biển Đông. Nước này đã phê chuẩn việc dành 1,6 tỉ USD để củng cố các đảo ở Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia Đông Nam Á; công bố bản đồ 130 đảo ở vùng biển này và cả các đảo tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông...

Lần đầu tiên, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ của hải quân Trung Quốc được trang bị đầy đủ đã tới vùng cực nam Biển Đông - bãi đá James - cách Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km và cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km, vượt ra cả ngoài giới hạn "bản đồ 9 đoạn".

{keywords}
Mỹ điều máy bay ném bom B52 tới Hoa Đông mà không cần thông tin cho TQ. Ảnh: Tribune

2013 sắp qua đi thì lại dậy sóng khi Trung Quốc ra thông báo thành lập Vùng nhận diện phòng không bao gồm không phận ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật tại Hoa Đông. Xung đột nổ ra giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Nhật, Hàn Quốc và đồng minh Mỹ.

Cuộc "diễu võ" chạy đua khi Mỹ điều động hai máy bay B52 tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và không thông báo cho Trung Quốc; các nhà lãnh đạo Nhật thề sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; Hàn Quốc đã công bố mở rộng vùng nhận dạng phòng không của nước này, bao trùm lên cả bãi đá tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc...

Giới phân tích đánh giá khả năng xảy ra xung đột quân sự Trung - Nhật kéo theo dính líu của các bên liên quan là không nhiều. Nhưng như TS John Swenson-Wright, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã nói: "Không ai muốn chiến tranh - nhưng đó cũng là những gì chúng ta nói đến trong năm 1914”.

Thái An