Ngày mới nhận nhiệm vụ công tác, thầy Định không nghĩ mình có thể bám trụ lại ở đây lâu dài. Cao Sơn ngày ấy phần lớn là núi rừng dày một màu xanh ngăn ngắt. Còn ngôi trường lại nằm chênh vênh trên điểm cao nhất của đỉnh Phù Luông (xã Lũng Cao, Bá Thước, Thanh Hóa).
Những năm 2015 trở về trước, mỗi lần muốn lên đến điểm trường, các thầy phải đi bộ băng qua con đường rừng ngoằn nghoèo đầy hiểm trở giữa một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Đó là “con đường” chỉ cần mưa nhẹ cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới qua được một con dốc dài chưa đầy 300 mét.
“Những tưởng chẳng thể trụ lại được lâu, vậy mà thời gian lại trôi nhanh đến thế”.
Thầy Trịnh Công Định hiện đã là Hiệu trưởng của Trường phổ thông Cao Sơn. Gắn bó với miền sơn cước, điều thầy tự hào nhất khi kể về ngôi trường này là trong suốt 4 năm qua, tỉ lệ học sinh đến trường đều đạt 100%, không có em nào bỏ học giữa chừng.
Năm học 2018-2019, trường có 8 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, trong đó có 2 giải Nhất; tất cả học sinh lớp 9 của trường đều đỗ vào cấp 3. Đây không phải là điều dễ dàng đối với hầu hết các trường vùng cao còn nhiều khó khăn như Cao Sơn.
Vậy điều gì đã làm nên sự thay đổi ấy?
Hơn 6 giờ chiều, căn bếp tập thể của trường toả ra nghi ngút khói. Mùi măng ngọt xào dần lan khắp dãy nhà công vụ cách đó cả một khoảng sân. Bữa cơm chiều hôm nay có măng đi xin của dân bản, rau ngót tự trồng, cá khô sẵn có và một chút thịt kho.
Các thầy chia nhau, người khệ nệ bê nồi cơm vừa chín tới, người vội múc đĩa măng ngọt vừa xào còn nóng hôi hổi. Bữa cơm tập thể lúc nào cũng ồn ào và vui vẻ nhất.
“Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp. Anh em trong trường toàn là giáo viên nam nên ăn uống cũng hơi chút đơn giản, xuề xoà”, thầy Hiệu phó Lê Văn Dũng vội giãi bày.
“Thế mà cứ vào mùa mưa bão, ước có bữa cơm như thế này không phải dễ đâu”, thầy giáo cấp 1 Trần Ngọc Hải chêm vào.
Thầy Hải là người bám trụ với trường kể từ ngày thành lập. Có kinh nghiệm gần chục năm len lỏi đường rừng, thầy tếu táo kể: “Trên này rau rừng, bí ngô không thiếu; nhiều tới mức dân bản còn cho lợn ăn. Các thầy lại đến xin về tích trữ.
Không thiếu rau nhưng lại thèm thịt. Có đợt trời mưa cho cả tháng, đường sạt lở kẹt không về được. Gạo hết, thức ăn không có, anh em phải chia nhau đi bắt cá, soi ếch, hái măng rừng ăn”.
Các thầy hầu hết ở lại tất cả các ngày trong tuần, nhiều thầy thậm chí cũng không về nhà trong những ngày cuối tháng vì quá xa. Thức ăn gần như đều phải tự cung tự cấp. Chỉ có hôm nào trời mát mẻ, các thầy sẽ phân nhau đi chợ bên tận tỉnh Hoà Bình. Đó cũng là ngày những bữa cơm có thịt.
Thầy Vi Văn Hoan tháng 11 này sẽ chính thức nhận quyết định nghỉ hưu. Cả sự nghiệp gắn bó với miền sơn cước, nhưng thầy cũng phải thú thật, ngày mới lên đã từng một năm bỏ về xuôi vì… không chịu nổi.
“Hồi tôi mới lên, điểm trường không có đường đi như giờ. Con đường ấy phải gọi là thực sự ám ảnh. Anh em trèo qua vách núi, trên vai vác cả chục kg đồ, có khi leo đến nửa chừng thì trời đã tối. Tất cả lại phải ngủ ở vách núi một đêm, chờ khi trời sáng để đi tiếp.
Ở đó chẳng có bóng nhà dân nên hoang vu lắm! Vì thế lúc nào trong người cũng phải sẵn có thuốc men phòng rắn rết, côn trùng cắn”.
“Tôi nhớ đêm đầu tiên lên không sao ngủ được vì nhớ nhà. 5, 6 giờ chiều trời đã tối om, sương phủ mờ, dày đặc. Buồn nhất là khi đến giờ tan trường, mình thấy học sinh lần lượt đi về nhà. Lớp học vắng teo, nhìn chỉ chực khóc”.
Cũng vì buồn lại đi đứng khó khăn nên từ khi trường thành lập đến nay, chưa có cô giáo nào đủ sức chinh phục những ngọn núi cao để đến nơi “thâm sơn cùng cốc” này.
“Không có chị em giáo viên thì anh em được tự do thoải mái, nhưng nhiều khi cũng buồn lắm chớ”, thầy Hải tếu táo thêm vào.
“Nói vậy thôi nhưng không có cô giáo, thiệt nhất vẫn là học sinh mình. Các em không biết tả cô giáo vì cũng chưa được gặp cô giáo bao giờ. Các tiết học Kể chuyện hay Âm nhạc, kể có cô giáo thì cũng sẽ uyển chuyển, sinh động hơn”.
Thầy Phạm Văn Tùng năm nay gần 40 tuổi, quê ở Cẩm Thủy, đến giờ vẫn chưa lập gia đình. Đồng nghiệp vẫn trêu chắc do thầy “cao số”. Nhưng thật ra là vì thầy hiền quá, lại hay thẹn. Thầy chỉ quanh quẩn với việc dạy học trên bản hoặc về quê chứ không đi đâu. Vì thế, mỗi lần về nhà, nghe gia đình giục chuyện cưới xin, không làm sao được, thầy đành nấn ná: “Để một thời gian nữa hãng hay”.
Tiểu khu Cao Sơn thành lập từ năm 1966. Khối THCS ở đây đã có từ năm 1978 nhưng không tồn tại được lâu vì không có giáo viên cắm bản. Học sinh ba bản Son, Bá, Mười sau khi học hết bậc tiểu học (vốn là điểm lẻ của Trường Tiểu học Lũng Cao), muốn học tiếp cấp 2 sẽ phải học nhờ bên Ngổ Luông (Tân Lạc, Hòa Bình) cách đó chục km hoặc đi bộ xuống trung tâm xã.
Đường đi lại khó khăn, trơn trượt. Muốn đến trường, học trò phải dậy từ tờ mờ sáng, đốt đuốc, xách đèn vượt dãy Pha Chiến. Cho nên, dù cố gắng, nhiều em vẫn không thể bám trụ lại trường.
Đến năm 2008, ngôi trường phổ thông Cao Sơn chính thức được thành lập để dạy cho các em trong ba bản Son, Bá, Mười với chương trình giáo dục từ lớp Một đến lớp Chín.
Nhờ có trường, học sinh lại hăng say đến lớp, nhất là khi Cao Sơn đã có sự “thay da đổi thịt” rõ rệt.
“Với sự giúp đỡ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, năm 2012, trường đã được xây mới 4 phòng học, xóa bỏ lớp học tranh tre nứa lá. Đến năm 2019, dãy nhà công vụ của giáo viên cũng đi vào sử dụng. Dù vẫn chưa có điện, có chợ nhưng cơ bản, đời sống của giáo viên cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều”, thầy hiệu trưởng Trịnh Công Định kể.
Thầy Định nhớ mãi hình ảnh học trò trong những ngày mưa bùn đất nhão, chân học trò không dám thò xuống dưới. Bùn đất khi ấy vẫn ngập những con đường ngoằn ngoèo qua núi. Đó cũng là những ngày đầu thầy Định từ dưới xuôi lên “khai hoang” con chữ.
“Ban đầu học trò cứ thấy thầy là vội lẻn vào bụi cây tránh mặt. Thầy thuyết phục thế nào trò cũng không chịu ra. Nhưng mình biết những đứa trẻ nơi đây như hạt ngô, hạt thóc. Nếu được chăm sóc đúng cách thì dù gieo vào vách núi chúng cũng sẽ nảy mầm”.
Với quyết tâm ấy, các thầy nỗ lực kéo con chữ đến với học trò. Để học trò không bỏ học, các thầy phải làm công tác vận động, thậm chí kêu gọi trích lương ủng hộ các em có SGK, có quần áo đến trường.
Đến giờ, dù mùa đông thời tiết có dưới 5 độ, có em bản cách trường 3-5km vẫn chăm chỉ đi bộ đến trường. Đó cũng là điều khiến thầy Định mừng nhất.
Năm học này khối lớp 8 của thầy Hà Ngọc Tiếm có tổng cộng 6 em. Nguyên là cậu học trò được thầy Tiếm thương nhất. Trước ngày khai giảng, thầy Tiếm ghé xe máy vào nhà Nguyên nhắc nhở vài điều về việc chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới.
Nguyên không có bố, mẹ cũng bỏ đi khi em vừa lên lớp 2. Chị gái của Nguyên hơn em 2 tuổi. Hai đứa trẻ đã quen với việc tự ở nhà trông nhau. Nhưng mấy năm nay, người chị cũng lên huyện học trường nội trú. Nguyên phải ở nhà tự xoay sở một mình.
Vì vậy, với Nguyên, thầy Tiếm giống như người cha thứ hai. Học hết buổi sáng, hôm nào rảnh, thầy Tiếm sẽ ghé qua nhà dạy Nguyên học bài.
Ở nhà buổi tối buồn lại không có điện, đó là lý do khiến Nguyên thích tới trường hơn. Nhưng cậu bé người Thái dù nhỏ tuổi nhưng đã biết tự ái. Có lần, vì thương học trò, thầy Tiếm mang cho Nguyên chút đồ ăn và hai bộ quần áo mới, nhưng Nguyên nhất định không chịu nhận.
Cậu không thích cảm giác phải đi xin xỏ. Do vậy, Nguyên thường tự vác cần đi câu sau mỗi buổi học, ăn ổi xanh hoặc nhịn đói.
Thầy Tiếm cũng đành chịu thua học trò: “Kể cũng tài. Hấn ăn vậy mà chả thấy ốm đau bao giờ”.
Hiểu tính trò, thầy Tiến chỉ có thể mua lại số cá bống hàng ngày Nguyên đi câu được để kiếm tiền đong gạo. Mỗi lạng, Nguyên bán cho thầy 8.000 đồng, quyết không lấy hơn.
“Em rất muốn được học lên cao nữa, hết cấp 3 rồi đến Đại học”, Nguyên tự định hướng cho cuộc đời mình. Nghị lực ấy đã giúp Nguyên trụ được đến nay đã là năm thứ 6 xa mẹ.
Cả thầy Tiếm, thầy Định, thầy Dũng,… đều tin rằng, sự gắn bó mật thiết và định hướng đúng cách sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của học trò vùng cao.
Thầy Tiếm nhớ mãi món quà 20-11 đầu tiên mình nhận được lại từ chính cậu học trò Hồng Nguyên. Cậu mang tặng thầy chủ nhiệm 4 con cua đá đi bắt được ở suối và vài quả cam sành vặt ở vườn nhà bà ngoại. Món quà ấy cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt sự nghiệp giáo dục của thầy Tiếm.
“Những đứa trẻ nơi đây như hạt ngô, hạt thóc. Nếu được chăm sóc đúng cách thì dù gieo vào vách núi chúng cũng sẽ nảy mầm”. Đúng như thầy Định nói, với những người thầy vùng cao, niềm hạnh phúc lớn nhất trên hành trình gieo chữ chính là sự nảy mầm, đơm hoa của lũ trẻ, dẫu trên mảnh đất ấy vẫn còn nhiều khô cằn.
Thực hiện: Thúy Nga
Thiết kế: Quang Dũng