{keywords}

Những yêu cầu bức thiết từ thực tiễn giáo dục đôi khi lại đòi hỏi các nhà làm chính sách phải có những quãng ngưng nhất định.

{keywords}

Cuối tháng 9/2017, Bộ GD-ĐT có công văn về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018.

Theo đó, Bộ GD-ĐT quyết định giữ nguyên phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong các năm 2018, 2019, 2020 như năm 2017.

Thông tin được nhiều người ủng hộ, bởi lẽ, năm 2017 đúng tròn 3 năm Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học - vừa đủ một khóa THPT.

Trong 3 năm ấy, năm nào xã hội cũng thấp thỏm chờ đợi phương án thi của Bộ và trải qua đủ hỉ, nộ, ái, ố vì chuyện thi cử.

Ngay cả Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng ví von: Bộ Giáo dục giống như "Bộ thi".

Năm 2015, việc cho thí sinh 4 giấy chứng nhận kết quả thi và quyền được thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học trong đợt xét tuyển đầu tiên khiến nhiều nơi xét tuyển như “sàn chứng khoán”.

Năm 2016, để giảm tải cho phụ huynh, học sinh, phần khó khăn được đẩy về phía các trường.  

Học sinh không còn được thay đổi nhưng được đăng ký 2 trường và có quyền nộp giấy chứng nhận duy nhất vào trường nào mình thích. Điều này đã khiến các trường từ trên xuống dưới vò đầu bứt tai vì lượng thí sinh ảo quá lớn.  

Lần đầu tiên những trường tốp đầu cũng không tuyển đủ thí sinh. Đến ông hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội năm đó cũng phải thốt lên: "Không hiểu thí sinh điểm cao đã đi đâu?"

Năm 2017, Kỳ thi THPT quốc gia và kỳ xét tuyển đại học diễn ra trong không khí yên ả.

Không khí “gay gắt” lại diễn ra và trước và sau đó.

Trước khi kỳ thi diễn ra, đã có tranh cãi quyết liệt khi quyết định chuyển tất các các môn thi thành bài thi theo dạng trắc nghiệm (ngoại trừ bài thi môn Ngữ văn) và giao việc tổ chức kỳ thi cho các Sở GD-ĐT chủ trì. 

Sau kỳ thi, phát sinh vấn đề chất lượng của đề thi trong việc phân loại thí sinh, từ đó dẫn đến thắc mắc về cộng điểm ưu tiên cũng như đặt vấn đề “một kỳ thi hai mục đích có thoả đáng”?

Từ năm 2018 cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT quyết định duy trì phương thức thi như năm 2017.

{keywords}

Trong một hội thảo góp ý Luật Giáo dục mới đây, PGS Trần Kiều (Viện KH Giáo dục) nói: “Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền giáo dục này”.

Khó có thể tìm một nhận xét nào đúng hơn nhận xét của ông Kiều về bản chất của giáo dục Việt Nam hiện tại. Bởi minh chứng rõ nhất là, cụm từ "điểm chuẩn đại học" năm nay đã là năm thứ 3 liên tiếp nằm trong top 3 những từ khóa tin tức được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.

Việc giữ ổn định phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là một quyết định hợp lý. Điều này sẽ giúp Bộ GD-ĐT có thời gian cho những công việc khác trong bối cảnh các trường ĐH sẽ được tự chủ từ năm 2020, trong đó có cả việc tự chủ tuyển sinh.
{keywords}
Thời điểm Bộ GD-ĐT quyết định giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia tới khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới cũng là thời điểm Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.

Đó cũng là 3 năm kể từ ngày triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Điểm đổi mới căn bản của chương trình giáo dục phổ thông mới chính là chuyển phương pháp giáo dục từ truyền thụ kiến thức của hiện tại sang phát triển năng lực cho học sinh. Chân dung mới của học sinh Việt Nam cũng được xác định với 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi.  

Bên cạnh đó, những thay đổi nhiều nhất nằm ở cấp THPT - giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Theo đó, học sinh sẽ được lựa chọn các môn học định hướng nghề nghiệp ngay từ khi các em bước chân vào lớp 10.

Dẫu vẫn còn nhiều tranh luận ngay cả khi chương trình tổng thể được thông qua, song điều quan trọng là xã hội, phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo có được những mường tượng đầu tiên về chương trình giáo dục phổ thông trong tương lai.

Tuy nhiên, vào thời điểm chương trình tổng thể được thông qua, việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa chỉ còn vỏn vẹn 1 năm để triển khai tất cả những công việc còn lại: biên soạn chương trình môn học, sách giáo khoa, chuẩn bị đội ngũ, điều kiện vật chất…

Kể từ khi Nghị quyết 88 được Quốc hội ban hành vào 24/11/2014, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa chỉ có vỏn vẹn 4 năm để chuẩn bị. Theo lộ trình, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu từ năm học 2018-2019 ở cả 3 cấp, theo hình thức cuốn chiếu.

Nhiều người đã lo lắng về khối lượng công việc "khổng lồ" bị gói lại trong thời gian quá ngắn. Quan trọng hơn, những điều kiện về đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất khi không đáp ứng được những yêu cầu của chương trình mới, đổi mới sẽ thất bại.

Cuối cùng, đầu tháng 11, Chính phủ quyết định đề xuất lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới lên Quốc hội. Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. 

Theo đó, Quốc hội quyết định thời hạn bắt đầu áp dụng chương trình, SGK mới chậm nhất từ năm học 2020-2021 với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 với cấp THPT.

Việc lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới là cần thiết, như cách bà Cao Thị Giang, đại biểu tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh tại Quốc hội: "Bài học về cải cách giáo dục còn đó, niềm tin của người dân về cải cách giáo dục đang vơi dần, nếu nóng vội thì hậu quả khôn lường".

Những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn giáo dục đôi khi lại đòi hỏi các nhà làm chính sách phải có những quãng ngưng nhất định, nhất là khi những đổi mới liên tục trong quá khứ lại không đạt kết quả như người ta kỳ vọng. Bởi vậy, những "quãng ngưng" trong năm 2017 thể hiện sự thận trọng cần thiết để giáo dục có cơ hội "giữ sức" trước khi đi tiếp hành trình đổi mới luôn chứa đựng nhiều thử thách.



Lê Văn