Tại cuốn sách “Cường quốc trong tương lai”, tác giả Hamada Kazuyuki đã đưa ra dự đoán, Việt Nam sẽ nằm trong top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Dự đoán này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, điều làm tác giả - một người Nhật - cảm thấy ấn tượng chính là nội lực và khát khao của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vì thế được dự báo sẽ là một động lực quan trọng để đưa Việt Nam trở thành cường quốc.
Vẫn còn 10 năm nữa để kiểm chứng dự đoán của tác giả. Thế nhưng, Việt Nam đang cho thấy khát vọng ngày càng lớn để trở thành một quốc gia hùng cường thịnh vượng.
Công nghệ số là con đường duy nhất có thể đưa Việt Nam đến được mục tiêu. Chuyển đổi số chính là bước đầu tiên để hiện thực hóa khát vọng đó.
Chuyển đổi số là cách để thế giới vượt qua đại dịch. Thông điệp này đã được không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới khẳng định tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020).
Công nghệ thông tin (CNTT) đang ngày càng chứng tỏ vai trò trong việc giúp thế giới ứng phó với đại dịch. Nhờ hạ tầng CNTT mà thế giới vẫn có thể vận hành, dòng chảy kinh tế, xã hội không bị gián đoạn.
Trong bối cảnh đại dịch, Internet trở thành công cụ hiệu quả nhất, đảm bảo cho sự kết nối của người dân, bất chấp việc giãn cách xã hội.
Covid-19 được ví như “cú huých trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia”, mang đến cơ hội thúc đẩy CNTT, số hóa các hoạt động sản xuất, dịch vụ và hoạt động thương mại.
Chuyển đổi số dần trở thành một xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức và từng cá nhân cơ hội phát triến chưa từng có.
Với nước ta, 2020 là một năm quan trọng của ngành ICT Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số, chính thức khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia như một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện.
Việt Nam coi các nền tảng số là cách để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, coi an ninh mạng và công nghệ mở là yếu tố chính để tạo ra niềm tin số, coi cải cách thể chế là yếu tố quyết định cho chuyển đổi số.
Trong năm qua, Bộ TT&TT đã hiện thực và cụ thể hóa hơn nữa thông điệp “Make in Vietnam”. Đây là slogan được tạo ra với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước. Thuật ngữ này nhằm truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Nhờ “Make in Vietnam”, nước ta đã trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G bằng thiết bị tự sản xuất. Cũng nhờ có tinh thần này, Việt Nam đã chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng Bluezone - góp phần vào công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19.
Suốt nửa năm qua, cứ mỗi thứ 6 hàng tuần, Bộ TT&TT lại công bố một sản phẩm công nghệ số Việt Nam. Cũng từ đây, những sản phẩm, dịch vụ như phần mềm họp trực tuyến (Zavi, CoMeet), phần mềm biến giọng nói thành văn bản (VAIS), công nghệ chuỗi khối (akaChain), nền tảng tự động hóa quy trình bằng robot (akaBot), nền tảng lập trình cho giao tiếp (Stringee),... xuất hiện và đóng góp cho quá trình chuyển đổi số.
Việt Nam giờ đây đã có tới 4 nền tảng mạng xã hội trên 1 triệu thành viên. Trong đó, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng, tiếp theo sau là Mocha, Gapo, Lotus.
Trước đây, chúng ta không kiểm soát được cuộc chơi và hoàn toàn bị phụ thuộc vào các nền tảng ngoại, phải mua dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài. Sự nổi lên của các mạng xã hội trong nước sẽ giúp Việt Nam làm chủ về công nghệ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.
Với ngành bưu chính, sự xuất hiện của mã bưu chính quốc gia VPostcode sẽ mang hạ tầng địa chỉ số về tới tận các hộ gia đình, từ đó khơi thông dòng chảy của nền kinh tế số và thương mại điện tử.
Hạ tầng số với các sản phẩm và nền tảng số “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho kinh tế số, xã hội số.
Thông qua chiến lược “Make in Vietnam", Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Vào tháng 9, Bộ Y tế đã khánh thành hơn 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa. Hoạt động này là một phần của Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025.
Nền tảng khám chữa bệnh từ xa của Việt Nam có chất lượng tương đương các nước phát triển. Nhờ nền tảng này, các bác sĩ tuyến dưới có thể tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn.
Nhờ có Telehealth, bác sĩ tuyến trên không phải vượt quãng đường hàng trăm kilomet và bác sĩ tuyến huyện cũng có thể tự xử lý được các ca bệnh khó.
Trong thời gian tới, đề án sẽ triển khai mở rộng hệ thống khám chữa bệnh từ xa với hơn 14.000 điểm. Hệ thống telehealth được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa khi 5G chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam.
Bên cạnh hệ thống Telehealth, ngành y tế cũng đã công bố nền tảng tư vấn sức khỏe online thông qua ứng dụng VOV BACSI24. Nền tảng này giúp người dân có thể liên hệ mọi lúc, mọi nơi với các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau thông qua môi trường mạng.
Sự xuất hiện của hơn 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh và nền tảng tư vấn sức khỏe từ xa là bước tiến lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Không chỉ chuyển đổi số ngành y tế, những dự án này sẽ giúp người dân tuyến dưới được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, giảm quá tải bệnh viện, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm trên toàn cầu.
Học trực tuyến (hay E-learning) đã ra đời và trở thành một xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Điều này càng diễn ra nhanh hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Học trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, làm tăng hứng thú học tập nhờ sự xuất hiện các bài giảng trực quan, sinh động… Quan trọng hơn cả, các nền tảng học trực tuyến đã giúp hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn có thể duy trì việc học tập bình thường.
Gần 50% trường đại học tại Việt Nam đã tổ chức dạy học trực tuyến trong mùa dịch. Ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô đã quay video bài giảng gửi lên YouTube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác nhằm tạo cơ hội học tập cho học sinh.
Sự phát triển của các mô hình học tập trực tuyến tại Việt Nam thậm chí còn được ghi nhận bởi các tổ chức uy tín trên toàn cầu.
Theo báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), việc học trực tuyến tại Việt Nam có nhiều điểm khả quan hơn so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, 79,7% học sinh Việt Nam đã được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước thành viên OECD (67,5%). Đây là tiền đề quan trọng nhằm từng bước chuyển đổi số ngành giáo dục Việt Nam.
Nhìn chung, chuyển đổi số đang cho thấy sức tác động ngày một lớn lên đời sống của từng người dân Việt Nam, ở mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Cùng với chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đang ấp ủ trong mình nhiều tham vọng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại nhờ công nghệ số.
Trọng Đạt
Thiết kế: Thu Hằng