Dưới góc nhìn của một chuyên gia phân tích xu hướng thị trường toàn cầu, một diễn giả cũng như nhà tư vấn uy tín cho nhiều doanh nghiệp, cuốn sách này là tập hợp những dự đoán được mốc nối qua lại với nhau, thông qua 7 vấn đề lớn: số trẻ sơ sinh giảm, các thế hệ dân số mới, tầng lớp trung lưu mới, nhiều phụ nữ giàu có hơn, phong cách sống thành thị, công nghệ đột phá, nền kinh tế chia sẻ và đồng tiền điện tử. 

Đi cụ thể theo từng vấn đề trên, Mauro F.Guillén đưa ra dự đoán về những tác động qua lại của các yếu tố, từ đó đưa ra những viễn cảnh cũng như cảnh báo, đồng thời cung cấp rất nhiều cơ hội cho những người muốn nắm bắt thời cơ vào sự thay đổi. 

Chương 1: “Trẻ em cho ta biết điều gì” đưa ra viễn cảnh về sự khan hiếm trẻ sơ sinh trên toàn thế giới trong thập kỷ tiếp theo. Trong khi tỷ lệ sinh ở Đông Á, châu Âu, châu Mỹ suy giảm nhanh chóng; thì ở châu Phi, Trung Đông, Nam Á tỷ lệ này lại giảm chậm, từ đó làm thay đổi thế cân bằng quyền lực trong nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Tuy dòng di cư có thể làm dịu bớt phần nào tình trạng này ở những nơi thiếu hụt trẻ sơ sinh, nhưng nó không đủ lớn để xoay chuyển xu hướng dân số. Từ những phân tích trên, tiểu vùng Sahara châu Phi có rất nhiều thuận lợi để vươn lên, và ngành lương thực là một mảnh đất màu mỡ trong tiến trình cách mạng nông nghiệp - công nghiệp châu Phi. 

Chương 2: “Công dân ‘Đầu bạc’ sẽ là thế hệ ‘xanh’ mới” cho thấy một thực tế rõ ràng hơn về các thế hệ chia theo độ tuổi, khi giờ đây người tiêu dùng lớn tuổi mới là lực lượng định hình lại bối cảnh kinh doanh. Điều này cũng đồng thời thay đổi các chiến lược truyền thông hiện thời, cũng như dự đoán sự bùng nổ của các dịch vụ y tế, chăm sóc tại nhà, hỗ trợ sinh hoạt và các ngành tương tự khác. Một số lĩnh vực mới nổi như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano… cũng hữu ích hơn cho lượng dân số trên 60 tuổi. Khi tỷ lệ trẻ sơ sinh giảm, thế hệ Millennials già đi và công dân “đầu bạc” tăng lên, thị trường lao động dành cho những người lớn tuổi sẽ gia tăng. 

Chương 3: “Theo kịp với nhà Singh và nhà Wang” phân tích sâu hơn về cuộc chiến giành vị thế trung lưu cũng như sự xoay trục về phía châu Á. Theo đó, vào năm 2030, Mỹ và châu Âu không còn là nơi tập trung phần lớn tầng lớp trung lưu của thế giới, mà đó là Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác (trừ Nhật Bản). Vì tầng lớp trung lưu luôn là cổ máy của nền kinh tế thị trường, do đó châu Âu và Mỹ sắp phải xoay xở tìm cách thâm nhập mới khi mà trọng tâm tiêu dùng dịch chuyển sang châu Á. Thế hệ Millennials trong giai đoạn tạo ra tài sản sẽ rất vất vả để có thể gia nhập vào tầng lớp trung lưu so với thế hệ ông bà mình, bởi sự cạnh tranh toàn cầu và các công việc ổn định ngày càng thu hẹp.

Chương 4: “Người phụ nữ mới” cho thấy cách mà phụ nữ sẽ trở thành giới triệu phú, doanh nhân và lãnh đạo mới của tương lai. Với những thay đổi như vị thế kinh tế được nâng cao, sự gia tăng tài sản nhanh chóng, cân bằng được giữa công việc và gia đình; phụ nữ sẽ lần đầu tiên tích lũy nhiều tài sản và giàu hơn nam giới trong năm 2030. Ngoài ra ở mặt trận quản lý, vào thập kỷ sau sẽ có nhiều phụ nữ tham gia biểu quyết vào các vấn đề quan trọng hơn, nhưng đáng buồn họ vẫn là lực lượng thiểu số, và cần nhiều thời gian hơn để đạt được sự cân bằng, cũng như loại bỏ định kiến giới.  

Chương 5: “Cái chết của đô thị” tập trung sâu hơn vào các hệ quả về môi trường mà ta đang thấy ngày nay, với thực tế trái đất nóng lên, các thành phố buộc phải chuyển mình và thích nghi để tồn tại. Trong khi quá trình đô thị hóa có chiều hướng gia tăng, mực nước biển dâng cao; nếu không có những hành động thiết thực, khoảng 90% đô thị nằm dọc theo bờ biển, 75% dân số sống cạnh bờ biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Về phía nội bộ, các đô thị cũng sẽ đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, xử lý rác thải, đói nghèo, bất bình đẳng và béo phì đô thị. 

Chương 6: “Điện thoại còn nhiều hơn nhà vệ sinh” cho thấy tác động của công nghệ đến xu hướng nhân khẩu học và xã hội học, từ đó tạo nên những lối sống cũng như thực trạng khó lường, từ tốt đến xấu. 2030 tiếp tục đón chờ làn sống biến đổi công nghệ, trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, logistic, in 3D, Internet vạn vật, thực tế ảo, công nghệ nano… Tuy nhiên những tiến bộ này cũng đặt ra một bài toán về đạo đức và lương tâm trong quá trình sử dụng máy móc tự động hóa, AI và các dữ liệu lớn.

Chương 7: “Một thế giới không tư hữu” nói về quy mô cũng như tác động của nền kinh tế cộng tác trong hơn một thập kỷ nữa. Theo đó, gen Z ngày càng rời xa khái niệm “tư hữu”, trong khi giới “đầu bạc” nhiều khả năng với chi phí chăm sóc y tế tăng cao, sẽ tham gia vào mạng lưới Airbnb tạo ra thêm thu nhập từ các tài sản của mình, dẫn đến nền kinh tế chia sẻ sẽ bao trùm trong tương lai gần. Điều này góp phần làm thay đổi nếp văn hóa sở hữu và tận hưởng, mà thay và đó là thế giới quan ủng hộ cho sự bình đẳng và tính cộng đồng. Không chỉ ở mặt cá nhân, mà nó còn tác động đến chính trị, môi trường, lương thực… theo nhiều khả năng tích cực hơn.  

Chương 8: “Nhiều loại tiền hơn số quốc gia” phơi bày bức tranh đa dạng trong hệ thống tiền tệ của thế giới, khi rất có thể các hệ thống tiền tệ quốc gia độc quyền bị xóa bỏ, hoặc có thể nó vẫn sẽ chiếm ưu thế, nhưng sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn từ tiền ảo cũng như các đồng tiền điện tử. Kỷ nguyên sắp tới cũng mở ra “thiên đường số hóa” khi có sự tham gia của blockchain và “nền cộng hòa kỹ thuật số” với việc cắt giảm thủ tục hành chính.

Mang tính chất dự đoán dựa trên các mối quan hệ tác động qua lại phức tạp giữa 7 yếu tố thức thời, 2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai hiện lên một cái nhìn tổng quan về thế giới sắp tới, kèm theo đó là những cảnh báo cũng như kêu gọi bức thiết phải hành động, về hành tinh, môi trường cũng như tác động quá lớn của các làn sóng công nghệ nơi con người nắm giữ quá ít quyền hành. Tuy nhiên đó cũng là kỷ nguyên của nền kinh tế chia sẻ, của sự giảm tư hữu, nơi mỗi người ngày càng gắn kết cũng như hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.

Ngô Minh