Cuối năm 2023, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác để bảo vệ bản quyền và phát triển thị trường sách trên nền tảng thông qua dự án #BookTok. Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam tập trung vào 4 nội dung chính: Hỗ trợ quảng bá sách và văn hóa đọc tại Việt Nam; Triển khai Ngày #BookTok định kỳ mỗi tháng trên nền tảng TikTok; Ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng; Tổ chức chương trình đào tạo về khai thác hiệu quả TikTok Shop. VietNamNet xin giới thiệu một số điểm nhấn quan trọng, gương mặt nổi bật trong chiến dịch #BookTok tại Việt Nam và sự phát triển của nền tảng này trên thế giới 3 năm qua.
- Hành trình sáng tạo nội dung trên TikTok của bạn có gì đặc biệt?
Tôi bắt đầu hành trình sáng tạo nội dung vào đầu năm 2021. Lúc đó Bino sống ở Australia, do dịch bệnh nên mọi người không được ra ngoài nhiều, tôi đã tải TikTok về dùng thử. Mới đầu cũng nghĩ TikTok chỉ là nền tảng giải trí tập trung vào nhảy múa, hát nhép đơn thuần, nhưng không ngờ ứng dụng tập trung vào dạng video ngắn. Có rất nhiều người bắt đầu chia sẻ kiến thức cô đọng trên nền tảng này.
Từ đây, tôi mới biết có kha khá người Việt tham gia hướng dẫn và chia sẻ kiến thức về tiếng Anh trên TikTok, nhưng đa phần mang tính học thuật, sách vở và không sát với thực tế. Chợt nghĩ bản thân đang sống và làm việc ở một nước nói tiếng Anh, tiếp xúc với tiếng Anh bản xứ hằng ngày lại có sẵn nền tảng TikTok chỉ cần rút điện thoại quay vài phút là tạo thành một video thì sao mình không thử chia sẻ cho cộng đồng?
Sau vài clip đầu chưa được nhiều người biết tới cuối cùng video của Bino cũng được lên xu hướng, số người theo dõi ngày càng tăng nên tôi tiếp tục gắn bó với việc làm sáng tạo nội dung cho tới giờ.
- ''Thừa thắng xông lên'' nên anh tận dụng ra ngay ''bảo bối''?
“Bảo bối” của Bino là cuốn Chém tiếng Anh không cần động não (Nhà xuất bản Thế giới), phân phối qua Zenbooks và đồng hành cùng TikTok trong dự án #BookTok vào tháng 4/2024.
Chém tiếng Anh không cần động não dày 200 trang, gồm 12 chương, tương ứng và 12 chủ đề hội thoại thiết thực từ chào hỏi, giới thiệu bản thân đến công sở, mua sắm, diễn tả sở thích, thời tiết, cảm xúc... Sách bao gồm những kiến thức tiếng Anh thực tế nhất mà tôi đã tổng kết lại trong quá trình sống và làm việc ở Australia, những triết lý về việc học ngoại ngữ nói chung cũng như tiếng Anh nói riêng.
Tất cả những đoạn hội thoại trong cuốn Chém tiếng Anh không cần động não đều dựa theo ngữ cảnh của những đoạn hội thoại có thật mà tôi đã trải qua nên sẽ không có bất cứ dạng tiếng Anh sách vở nhồi nhét nào cả. Nội dung đặc biệt thu hút là 120 video Bino đã quay dựng cẩn thận giúp người xem có cơ hội luyện tập hội thoại tiếng Anh thực tế nhất mà không cần nói chuyện trực tiếp với người khác. Do đó, cũng loại bỏ được yếu tố tâm lý sợ bị đánh giá.
- Bino đã trải qua 3 tháng ròng rã thai nghén cho “đứa con” đầu lòng của mình thế nào?
Do đây là lần đầu tiên viết sách nên tôi mất khá nhiều thời gian tổng hợp lại kiến thức. Thậm chí tới giờ, sách ra mắt rồi nhưng suy nghĩ “đáng nhẽ nên thêm thông tin này, thêm thông tin kia cho người đọc” vẫn quẩn quanh trong đầu. Riêng hệ thống hội thoại, tôi tự tay viết hơn 50 đoạn rồi xoá sạch đi viết lại 66 đoạn khác, bởi thấy rằng những cuộc hội thoại đó... dễ quá, không mang tính ứng dụng cao trong thực tế. Điều tiếc nuối lớn nhất là không tích hợp được AI để đánh giá chấm điểm giúp người đọc, nếu có AI hỗ trợ chỉ lỗi và cách khắc phục cho độc giả cuốn sách sẽ hoàn hảo hơn nhiều.
- Đồng hành cùng TikTok qua dự án #BookTok vào tháng 4/2024, anh mong đợi gì vào dự án này?
Thị trường sách trên TikTok khá đa dạng. Vừa rồi, tôi qua Australia chơi và thấy ở các nhà sách bên đó có hẳn quầy #BookTok giới thiệu tới người đọc những cuốn sách hot đang được chia sẻ nhiều trên nền tảng. Cá nhân tôi cũng chọn mua cuốn truyện được bày trên quầy #Booktok của một nhà sách và rất thích nội dung của nó. Tôi tin rằng dự án #BookTok giúp độc giả tiếp cận được những tác phẩm hay, hợp "gu". Biết đâu nhờ đó mà bạn hay nhiều người khác sẽ thích cuốn Chém tiếng Anh không cần động não của tôi (cười lớn).
-Nếu chỉ nói về chủ đề tiếng Anh, tôi nghĩ là hơi bó hẹp... Với sự ảnh hưởng và lượng fan nhất định, anh vẫn có thể đầu tư sáng tạo thêm nội dung những nội dung khác - trong đó chủ đề lan toả văn hoá đọc là một ví dụ trên TikTok?
Kế hoạch và tuyến nội dung mới cho TikTok tôi có khá nhiều nhưng hiện giờ nhân lực hạn chế nên khó triển khai. Kênh chính Bino vẫn đi theo hướng chia sẻ nội dung về ngoại ngữ và những vấn đề xã hội cần góc nhìn đa chiều như du học, việc làm... Còn kênh phụ hướng tới những nội dung đời thường hơn, hài hước hơn và tập trung một chút về fitness vì đó cũng là một niềm đam mê của Bino.
- Một nha sĩ, nhân viên ngân hàng và người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội, tôi vẫn chưa thể hình dung điểm chung của những ngành nghề anh đã từng học và làm việc?
Ba công việc này không có điểm chung cũng là điều dễ hiểu thôi. Nha sĩ là công việc mà gia đình định hướng và muốn tôi theo đuổi (do nhà tôi có ông, bố, chị em họ đều làm nha khoa). Ngân hàng là số trời đưa đẩy, trong thời gian dịch Covid, tôi rải đơn xin việc khắp nơi và ngân hàng là nơi gọi phỏng vấn mặc dù tôi không có bất cứ kinh nghiệm gì, cũng chưa bao giờ được đào tạo gì về lĩnh vực này. Người sáng tạo nội dung số chính là công việc tôi đam mê nhất, được phát huy óc sáng tạo và chia sẻ những tư duy, suy nghĩ của mình với mọi người dưới hình thức video.
-Không chú trọng dạy tiếng Anh học thuật mà chia sẻ cách học tiếng Anh như kỹ năng sinh tồn, anh có thể nói rõ thêm về điều này?
Phải nhấn mạnh rằng dù không thích tiếng Anh học thuật nhưng tôi chưa bao giờ phủ nhận sự cần thiết của nó. Không thể chỉ sử dụng tiếng Anh giao tiếp trong mọi tình huống, bối cảnh được. Có điều cá nhân mình nghĩ tiếng Anh học thuật không nên là cách dạy và học phổ biến vì quá chú trọng vào ngữ pháp phức tạp và những thứ liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
Tôi luôn quan niệm bất cứ ngôn ngữ nào về cơ bản đều là công cụ “trao đổi thông tin”, càng đơn giản dễ dùng thì lượng thông tin được trao đổi sẽ càng nhiều. “Tôi đói” và “Bao tử của tôi đang rỗng, tôi cần nạp thêm thực phẩm để tồn tại” mang nghĩa như nhau, tại sao phải nói thêm 13 âm tiết nữa chỉ để gửi đi cùng một thông điệp?
Khi ở Nga, Ukraine, Australia, tôi đã thấy nhiều người Việt lớn tuổi sang đây khi không còn trẻ, không được học tiếng Anh, tiếng Nga cơ bản nhưng vẫn sống tốt. Vậy là để sống và tồn tại được ở một nước nói tiếng Anh thì một người không nhất thiết phải biết quá rõ ngữ pháp (tất nhiên mình không khuyến khích điều này) mà chỉ cần cải thiện vốn từ vựng và làm quen với tiếng Anh hàng ngày là được. Đó là thứ tiếng Anh mà Bino đang hướng tới.
- Thực hiện ước mơ “điên rồ” khi bỏ việc ở ngân hàng để làm được những việc có ích cho cộng đồng như dạy tiếng Anh, có khi nào anh thấy hối tiếc?
Thực ra lúc mới đầu về nước tôi cũng khá hối hận, nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời do sốc văn hoá vì sống ở nước ngoài quá lâu. Bây giờ thì Bino rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, được gần gia đình, được làm công việc mình yêu thích mà vẫn lo được cho vợ con và có cơ hội phát triển bản thân nhiều hơn.
-Hàng ngày, Bino hay đọc gì và duy trì thói quen đọc đã hỗ trợ công việc của bạn thế nào?
Tôi bắt đầu đọc nhiều từ hồi hết cấp 3, khoảng năm 2007-2008. Tuy nhiên, không giống như mọi người, tôi không đọc nhiều sách mà thích đọc các bài báo cáo, nghiên cứu khoa học. Tôi quan tâm đến ngôn ngữ học nói chung, không chỉ riêng tiếng Anh nên luôn tìm đọc những bài viết về lĩnh vực này.
Do thích thể hình và dinh dưỡng nên tôi thường xuyên đọc các bài báo và nghiên cứu của Đại học Harvard, NRS (Nutritional Risk Screening). Có một số chủ đề khá hay như “Cholesterol ở người”, “Ăn nhiều trứng có hại hay không?”, “Thịt đỏ và hải sản, cái nào tốt hơn?... Bên cạnh đó, thời gian học nha khoa cũng giúp tôi học hỏi về dược, giải phẫu cơ thể người, sinh lý cơ thể bình thường, sinh lý cơ thể bệnh… Tôi cũng nghiền ngẫm một số sách, bài nghiên cứu để biết cách tập luyện sao cho phù hợp với cơ thể mình.
-20.000 cuốn ‘Chém tiếng Anh không cần động não’ đã bán hết sạch trong vài ngày và chuẩn bị tái bản. Thừa thắng xông lên, anh sẽ viết cuốn thứ 2 chứ?
Đêm qua tôi thức trắng để bắt đầu viết cuốn thứ hai đấy bạn, cuốn đó sẽ tập trung vào phát âm. Sau một quá trình dạy học 1:1 bên Úc và cả ở Việt Nam, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều người Việt gặp vấn đề về phát âm tiếng Anh. Thực ra, quá nửa số âm của tiếng Anh đã tồn tại trong tiếng Việt nhưng nhiều người chưa biết cách ứng dụng và hình dung rõ nét.
Vậy nên cuốn sách thứ hai tôi muốn nhấn mạnh về phát âm và kỹ năng nói. Những kỹ thuật này tôi đã áp dụng cho rất nhiều học viên của mình. Có những bạn mới đầu học nói tiếng Anh như là đánh vần tiếng Việt nhưng đã tiến bộ sau một thời gian ngắn.
Ví dụ âm “TH” trong từ “Thank you” phát âm là /θ/. Vì nó không có trong tiếng Việt nên nhiều người hay nhầm với chữ “th”. Để giúp học sinh khắc phục, tôi giải thích rằng: Âm /θ/ này chính là âm /s/ của tiếng Việt. Mọi người cứ phát âm chữ “s” như bình thường nhưng đưa lưỡi dài ra thay vì thu vào khi phát âm. Nghe tôi hướng dẫn như vậy họ làm được và nói rằng: “Tại sao lúc trước khi học với người bản xứ mình không làm được?”. Đơn giản vì tôi đã ứng dụng những nguyên tắc phát âm trong tiếng Việt để chỉ cho bạn và bạn chỉ cần thay đổi một chút về vị trí đặt lưỡi và răng là có thể tạo ra âm đó.
Về phương pháp trình bày tôi làm y hệt như cuốn đầu tiên. Khi viết đến phần nào cần thị phạm. tôi đặt mã QR và người đọc quét sẽ thấy video hướng dẫn phát âm mẫu của tác giả.
- Với tài bắt chước giả giọng các vùng miền, anh có ý định lấn sân sang làm nghệ sĩ lồng tiếng không, biết đâu sẽ có thêm một phiên bản Bino cực kỳ hài hước, đáng yêu?
Một trong những ước mơ của Bino là lồng tiếng game đó. Mình có một game yêu thích là Dota 2, trong game có hơn 100 nhân vật và cực kỳ ngạc nhiên khi biết rằng có những nhân vật khác nhau hoàn toàn, chả có gì liên quan nhưng lại được lồng tiếng bởi cùng một người. Từ đó, tôi đã tìm hiểu thêm về nghề lồng tiếng, hay tự nhại lại tiếng của những nhân vật này khi chơi game.
Thi thoảng tôi cũng dùng giọng miền Trung hay miền Nam để trêu khi có người gặp ở ngoài và hỏi: “Có phải anh là Bino không?”. Nếu để lấn sân sang làm nghệ sĩ lồng tiếng tôi vẫn chưa tự tin lắm, nhưng có cơ hội chắc chắn sẽ thử.
Bài 5: Nam ca sĩ lập kỷ lục bán hết 5.000 cuốn sách sau 2 ngày phát hành là ai?
Ảnh: Dũng Mai và NVCC
Thiết kế: Hồng Anh