0h, phố đi bộ Bùi Viện (còn gọi là phố Tây, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) tráng lệ, náo nhiệt như đến từ một thế giới khác. 

Đường phố chật kín người, hàng quán mờ ảo, lung linh trong ánh đèn led nhiều màu. Người đi bộ, du khách lắc lư theo những cô gái mặc thiếu vải đang nhảy trong tiếng nhạc sàn ầm ĩ.

Giữa đoạn đường náo nhiệt ấy, chốc chốc lại bùng lên ngọn lửa đỏ khiến nhiều người giật mình, phải nghiêng đầu né tránh. Chúng được tạo ra bởi những đứa trẻ lang thang, thổi lửa giữa phố Tây để kiếm sống.

Đứng giữa phố, cô bé tự giới thiệu mình tên là Nguyễn Trần Bảo Thy (SN 2010) liên tục lấy tay che miệng sau khi thực hiện màn thổi lửa khiến nhiều du khách giật mình. Thy nói em mới tập thổi lửa cách đây vài tháng. 

Vì vậy, Thy thường để sót dầu hỏa trong miệng. Sau mỗi lần thổi, em phải lấy tay che hoặc dùng vạt áo thấm số dầu thừa ấy đi. Đôi khi, Thy cũng lấy tay che miệng để giấu việc mình vừa bị phỏng.

Thy nói: “Con mới ra đây làm và được mấy đứa ở đây chỉ cách ngậm dầu hỏa trong miệng để phun (thổi) ra lửa. Con phun còn xấu lắm nhưng cũng phun đại rồi ôm hộp thiếc đi lòng vòng trong phố xin. Ai thương thì cho tiền. 

Đôi khi con ngậm dầu trong miệng lâu quá nên vô tình nuốt vào bụng luôn. Lúc đầu bụng cồn cào, khó chịu nhưng rồi cũng quen. Con sợ nhất bị phỏng lưỡi lúc phun. Mỗi lần bị phỏng, lưỡi rộp lên, con ăn uống khó khăn mấy ngày liền”.

Mới tập phun lửa nên Bảo Thy thực hiện màn biểu diễn một cách khó khăn

Mỗi đêm, Thy lang thang trong phố Tây thổi lửa đến khi trời hửng sáng, khách thưa dần mới theo bạn về phòng trọ ngủ. Đôi khi, cả nhóm ngủ ở gầm cầu, ghế đá trong công viên... Công việc này giúp cô bé thu về 300-400.000 đồng/đêm. 

Tuy vậy, do mượn đồ nghề của các bạn, Thy phải chia đôi phần thu nhập của mình. Cô bé chỉ được nhận khoảng 200.000 đồng/đêm.

Cách Thy không xa là vị trí “biểu diễn” của Nguyễn Tấn Dũng (SN 2007) và Phạm Ngọc Gia Bảo (SN 2010). Cả hai là những người đã hướng dẫn, đưa Bảo Thy đến với công việc thổi lửa mưu sinh trên phố đi bộ Bùi Viện.

Dũng và Bảo ví mình là những chú rồng con. Cả hai giải thích rằng mình có thể dùng miệng thổi ra lửa như những con rồng xuất hiện trong các bộ phim thần thoại, viễn tưởng. Dũng lớn tuổi hơn Thy và Bảo nên cũng có kinh nghiệm hơn với công việc đáng sợ này.

Em có thể điều khiển lực thổi để ngọn lửa kéo dài hoặc bùng cháy to hơn theo ý muốn. Mỗi lần Dũng thực hiện công việc của mình, những người xung quanh đều ngạc nhiên.

Trong khi đó, Gia Bảo dù chỉ có 2 năm kinh nghiệm thổi lửa và tự học trên mạng nhưng cũng thành thạo cách tạo ra ngọn lửa đều, kéo dài. Dẫu vậy, Bảo không hề thích thú công việc này của mình. Bởi, cũng như Bảo Thy, cậu bé nhiều lần bị phỏng ở miệng.

Thậm chí trước đây, Bảo còn bị cháy hết lông mày và tóc mái. Nhưng vì không thể tìm được việc làm và phải giúp mẹ nuôi các em, Gia Bảo đành liều mình thực hiện công việc khiến người lớn cũng phải khiếp sợ.

Đang đứng trò chuyện, Gia Bảo phát hiện vị khách lạ có vẻ tò mò, muốn xem mình thổi lửa. Cậu bé nhanh trí mở nắp chai nước lọc cũ đựng dầu hỏa rồi trút vào miệng. 

Sau đó, cậu bé nhúng thanh kim loại có một đầu quấn vải vào chai đựng dầu hỏa, bật quẹt. Ngay khi ngọn lửa vừa cháy sáng trên cây đuốc nhỏ tự chế, cậu bé hướng nó về phía trước rồi ngước cổ phun ra dòng dầu hỏa đang ngậm trong miệng. 

Ngọn lửa lớn bùng lên, sáng rực. Du khách xung quanh ồ lên kinh ngạc. Thấy mọi người thích thú, cậu bé cố kéo dài thời gian cháy của ngọn lửa. Em khép nhỏ miệng, thổi dầu hỏa thành tia nhỏ hơn. 

Khi hết dầu, cậu bé dập tắt que đuốc nhỏ bằng cách ngậm nó vào miệng. Màn biểu diễn của Bảo khiến du khách, người đi đường ngạc nhiên, thậm chí có phần sợ hãi. 

Kết thúc màn biểu diễn nguy hiểm, cậu bé lại đi vòng quanh xin tiền. Tuy vậy, không mấy ai bỏ tiền vào vỏ hộp sữa bột đã cũ mà cậu đang cầm trên tay. Cậu đành thất thểu bước về phía nhóm bạn của mình.

Bảo nói: “Em không thích việc này nhưng phải làm thôi. Em chưa đủ tuổi nên khi đi xin việc không ai nhận cả. Từ lúc bố đi tù, em phải phụ mẹ kiếm tiền nuôi các em. Thế nên tối nào em cũng ra đây phun lửa.

Làm việc này cũng cực lắm vừa phải cẩn thận để không bị cháy mặt, phỏng lưỡi. Các chú công an không cho bọn em làm việc này. Em biết các chú sợ bọn em gặp nguy hiểm và gây cháy nổ nhưng nếu không thổi lửa thì bọn em không biết làm việc gì”.

Câu chuyện của cậu bé khiến Bảo Thy bất chợt nhớ đến cha mẹ mình. Trước khi phải lang thang đến phố Tây thổi lửa mưu sinh, Thy cũng từng có thời gian hạnh phúc.

Em được đến trường, được sống cùng cha mẹ. Thế nhưng, học đến lớp 7, Thy buộc phải nghỉ. Cách đây ít tháng, em về ở với bà ngoại đã hơn 80 tuổi.

Mấy tháng trước, mẹ em bỏ bà ngoại, bỏ cả mình sang Campuchia làm việc. Từ đó, cô bé không có bất kỳ tin tức gì về người đã sinh ra mình. Ít lâu sau, bố Thy cũng bỏ con lại đi đâu không rõ. Hạnh phúc gia đình vỡ nát, Thy thành trẻ bơ vơ.

Thy kể: “Ngoại của con đã 81 tuổi rồi nên con phải đi thổi lửa để kiếm tiền. Trước đây, con ở với ngoại. Bây giờ, con đi làm và ở cùng với bạn, lâu lâu mới về thăm bà. 

Ngoại không thể làm gì để có tiền lo cho con nên con phải tự lo. Con định đi bán vé số dạo nhưng không có tiền lấy vé. Sau đó, con lang thang đến phố Tây và được các bạn dạy cách thổi lửa để xin tiền”.

Khi thấy câu chuyện của Bảo Thy có vẻ thuyết phục được người khách lạ, Dũng cũng kể về hoàn cảnh bản thân.

Cậu bé cho biết, sau khi bố mẹ ly hôn nhiều năm, em về sống với bà. Nhưng cách đây ít năm, bà của Dũng qua đời nên em không còn nơi nương tựa và phải đến phố Tây thổi lửa mưu sinh. 

Dũng kể trước đây, việc thổi lửa được nhiều người thích thú và cho tiền. Nhưng bây giờ, khách đến phố Tây đã quen thuộc với trò biểu diễn nguy hiểm này nên thu nhập của người thổi lửa cũng giảm đi đáng kể.

“Bây giờ khác trước nhiều. Có khi em biểu diễn xong đi xin tiền nhưng không được ai cho. Thậm chí có lúc còn bị khách chửi. Dù vậy, bọn em cũng phải chịu vì công việc này có thu nhập hơn đi bán kẹo, vé số, móc khóa…”, cậu bé tâm sự.

Dù đã 16 tuổi nhưng cũng như Gia Bảo, Bảo Thy, Tấn Dũng không hề biết việc ngậm dầu hỏa trong miệng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Em cũng không quan tâm mai này mình sẽ trở thành người như thế nào.

Duy chỉ có Bảo Thy vẫn nhớ về ngày còn đi học. Nhưng em cũng thành thật nói rằng mình không dám mơ ước gì thêm ngoài việc được khách cho tiền mỗi khi thổi lửa xong. 

2h sáng, phố đi bộ Bùi Viện vẫn tấp nập người qua lại. Dũng, Bảo, Thy tiếp tục len lỏi vào đám đông, tìm nơi thích hợp để biểu diễn, xin tiền. 

Các em buộc phải tìm nơi thích hợp bởi bây giờ, nhiều quản lý các quán bar tại phố đi bộ không đồng ý cho các em thổi lửa trước tiệm. Thậm chí, nhân viên bảo vệ tại đây còn cho biết, một số em làm công việc này dưới sự giám sát, chăn dắt của người thân.

“Ngoài một số em nhỏ tự tìm đến phố đi bộ để phun lửa vào mỗi đêm, tôi để ý thấy có em được người nhà chở đến. Sau khi thả các em này xuống phố, họ rời đi. Đến sáng, khi khách ở phố thưa dần, họ lại đến đón các em này về”, một nhân viên bảo vệ thông tin.

Trong khi đó, lực lượng chức năng phường Phạm Ngũ Lão xác nhận có hiện tượng một số trẻ em ngậm dầu hỏa, thổi lửa để mưu sinh trên phố đi bộ Bùi Viện. Tuy nhiên, đơn vị này cho biết, các em không cư trú trên địa bàn phường mà chỉ như những “cánh chim xa lạ”, từ nơi khác đến.

Đại diện chính quyền phường thông tin: “Vừa qua, lực lượng chức năng phường đã mời 7 em có hành vi thổi lửa gây mất an ninh trật tự tại phố đi bộ Bùi Viện về trụ sở công an phường làm việc.

Qua xác minh, chúng tôi phát hiện các trường hợp trên không có địa chỉ thường trú hoặc có nơi ở thực tế trên địa bàn phường.

Do đó, lực lượng chức năng của phường đã lập biên bản nhắc nhở. Sau đó, gia đình các em đến làm đơn xin bảo lãnh, cam kết không tái phạm hành vi thổi lửa nơi công cộng làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh”.

Vị này cũng cho biết, lực lượng chức năng phát hiện các em đều có hoàn cảnh khó khăn. Đa số lớn lên trong gia đình có bố mẹ ly hôn, có em cha mẹ mất sớm phải ở với bà ngoại, có em bị bỏ rơi… 

Để khắc phục tình trạng các em nhỏ mưu sinh bằng việc ngậm dầu hỏa, phun lửa trên phố đi bộ Bùi Viện, chính quyền phường Phạm Ngũ Lão tích cực ra quân tuyên truyền, liên tục nhắc nhở các em.

Lực lượng chức năng giải thích cho các em hiểu đây là hành vi nguy hiểm cho bản thân, người đi bộ, du khách, có thể gây cháy nổ… Phường cũng vận động du khách, người đi đường không cho tiền các em, không khuyến khích các em thổi lửa. 

Chính quyền phường Phạm Ngũ Lão cũng yêu cầu lực lượng bảo vệ của các hộ kinh doanh dịch vụ tại phố đi bộ nhắc nhở khi phát hiện các em thực hiện hành vi nói trên.

“Lực lượng chức năng của phường cũng liên tục rà soát các em nhỏ có hành vi thổi lửa tại phố đi bộ để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay, các em không cư trú ở phường Phạm Ngũ Lão. 

Nếu các em sinh sống, cư trú trên địa bàn phường, chúng tôi có nhiều phương án hỗ trợ. Các em ở khu phố nào, chúng tôi sẽ vận động khu phố đó giúp các em đi học, hỗ trợ tiền học phí…

Đơn cử trường hợp 1 em ở khu phố 6. Cách đây ít năm, em cũng đi thổi lửa. Sau khi rà soát được, chúng tôi nhờ khu phố vận động hỗ trợ cho em đi học vừa giúp em có việc làm tại tiệm photocopy. 

Nếu gia đình các em khó khăn, chúng tôi có bếp yêu thương hỗ trợ. Đây là bếp ăn từ thiện do các cô chú lớn tuổi và lực lượng chức năng của phường đóng góp sức lực, hiện vật thực hiện. 

Mỗi ngày, các cô chú sẽ nấu cơm phục vụ các hộ gia đình khó khăn. Các phần cơm đều được trao đến tận nhà cho các hộ nghèo, neo đơn, khuyết tật khó khăn trong việc đi lại”, vị đại diện UBND phường cho biết thêm.

LTS: TP.HCM từ 22h đến 6h sáng vẫn náo nhiệt, hoa lệ với những phố đi bộ, quán ăn đêm, quầy bar, quán nhậu… Nhưng cùng khung giờ ấy, thành phố cũng thô ráp muôn kiếp người lam lũ, chật vật trong cuộc mưu sinh.

Tuyến bài TP.HCM về đêm giới thiệu những phận đời, dịch vụ độc đáo chỉ trở mình vào đêm và tất bật, náo nhiệt lúc rạng sáng. Tuyến bài sẽ đem đến cho độc giả một góc nhìn mới.

Bài: Hà Nguyễn

Ảnh: Hoàng Giám

Thiết kế: Hồng Anh