Kỳ 1: Quán cơm 'âm phủ' 37 năm bán lúc nửa đêm, khách nườm nượp ghé ăn

Chợ cá cảnh hoạt động vào 3h sáng mỗi ngày.

Chợ cá “âm phủ”

23h, đoạn đường Trần Hưng Đạo B nằm giữa đường Lương Nhữ Học và Châu Văn Liêm (quận 5, TP.HCM) vắng ngắt. 

Hai bên đường gần như không còn hàng quán nào hoạt động. Thậm chí trên vỉa hè rộng rãi, bậc tam cấp ốp đá hoa cương sạch mát của những ngôi nhà khang trang cũng không có bất kỳ bóng người vô gia cư nào đến ngả lưng. 

Tất cả đang im ắng, tĩnh lặng để chờ đợi thời điểm trở mình của khu chợ nổi tiếng có tuổi đời khoảng 50 năm. Đó là chợ cá cảnh “âm phủ”, nơi chỉ hoạt động khoảng 3 giờ đồng hồ vào lúc trời tờ mờ sáng.

Hơn 3h sáng, người bán hối hả chở cá cảnh đến chợ và bày các túi nilon đựng cá trên vỉa hè, lề đường.

3h sáng, tiếng rít phát ra từ cánh cửa kéo bằng sắt khô dầu của một cửa hàng bán cá cảnh như hồi chuông báo thức của khu chợ. Nhiều cửa hàng khác bắt đầu sáng đèn, kéo cửa, tất bật bày biện các loại cá cảnh.

Cùng lúc ấy, hàng chục người bán cá cảnh khác cũng đua nhau xuất hiện. Họ chở các loại cá cảnh trên xe máy, ba gác ùn ùn kéo đến họp chợ trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo B đoạn giao với đường Lưu Xuân Tín. 

3h30, người bán trút các bao tải lớn chứa những túi nilon đựng trăm loại cá cảnh xuống vỉa hè, lề đường. Sau khi đã ổn định vị trí, họ sắp xếp lại các túi đựng cá một cách ngăn nắp, chờ khách đến lựa chọn, mua hàng.

Anh Lê Tiến là một trong những người đến chợ sớm nhất.

Anh Lê Tiến (49 tuổi, quận Bình Tân), một trong những người đến chợ sớm nhất cho biết, anh đã bán cá cảnh ở đây được 8 năm. 

“Sở dĩ họp chợ vào lúc 3h sáng là vì chúng tôi chỉ bán cho thương lái ở tỉnh. Họ đến mua cá về bán lại tại địa phương của mình”, anh nói.

Có tên gọi khá đáng sợ nhưng chợ cá “âm phủ” tập trung hầu hết các loại cá cảnh đang được kinh doanh trên thị trường. Ngoài các loại cá cảnh bình dân như: lia thia, ba đuôi, bảy màu… chợ còn kinh doanh đủ loại cá cảnh cao cấp như: ngân long, cá rồng, la hán, chép koi…

Cá cảnh được người bán đong thành từng bịch nilon.

Tùy theo loại, cá cảnh được người bán đựng trong các túi nilon với số lượng nhiều, ít khác nhau. Những túi cá này được bày bán trên vỉa hè, dưới lề đường. Xen giữa những người bán cá cảnh là các điểm kinh doanh tôm kiểng, ba ba, ốc, tiểu cảnh thuỷ sinh, thức ăn cho cá...

Anh Tiến nói: “Ở đây, chúng tôi chỉ bán cá giá sỉ cho thương lái chứ không bán riêng lẻ từng con. Các loại cá đã được chúng tôi đong thành từng bịch. Khách đến mua theo bịch. 

Tùy số lượng và loại cá, mỗi bịch có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Đối với các loại cá quý, giá trị cao, chúng tôi có thể bán từ 1 triệu đồng/bịch/con. Ví dụ như cá ngân long kích thước nhỏ, tôi đang bán với giá đó”.

Cá được bán theo bịch đã đong sẵn chứ không bán lẻ từng con.

Cảnh mua bán độc đáo

4h sáng, khu vực vỉa hè, lề đường đoạn ngã ba Lưu Xuân Tín, Trần Hưng Đạo B gần như bị phủ kín bởi các túi cá cảnh. Lúc này, khách đến mua hàng đã đợi trước đó cũng đồng loạt xuất hiện xem hàng, chọn cá.

Đa số thương lái đều là khách quen của người bán nên họ tùy ý lựa chọn và ngã giá. Do họp chợ vào lúc trời chưa sáng, các tiểu thương phải trang bị thêm những chiếc đèn pin. 

Mỗi khi mua, khách sẽ sử dụng đèn pin soi vào bịch nilon đựng cá để đánh giá chất lượng của những chú cá trước khi xuống tiền.

Việc thương lái, người bán hết nhấc túi cá lên soi đèn lại cúi người, quỳ rạp xuống săm soi cá trên vỉa hè, lề đường tạo ra cảnh tượng có một không hai. 

Vì trời tối, cả người mua lẫn người bán phải dùng đèn pin soi trong lúc giao dịch.

Ông Phạm Quốc Thanh (55 tuổi, huyện Bình Chánh) cho biết, ông đã bán cá cảnh ở chợ “âm phủ” này được 20 năm. Suốt 20 năm qua, ông đều phải thức khuya, dậy sớm đến chợ và cùng các khách hàng của mình dùng đèn pin soi từng túi cá mỗi khi giao dịch. 

Tuy vậy, ông vui vì cách bán hàng độc đáo của khu chợ này. Ông tâm sự: “Cách bán cá cảnh ở chợ này rất thú vị. 20 năm qua, tôi vẫn soi đèn cho khách mua cá như thế.

Theo tôi biết, chợ cá cảnh này đã có từ năm 1975. Tuy nhiên, cách bán cá trên vỉa hè, lòng đường vào lúc 3h sáng như chúng tôi đây là tự phát”.

Xen giữa những người bán cá cảnh là các điểm kinh doanh tôm kiểng, ba ba, ốc, tiểu cảnh thuỷ sinh, thức ăn cho cá...

Vì tự phát và phải bán sớm cho thương lái nên chợ chỉ họp từ 3h đến hơn 6h sáng một chút là tan. Bởi lúc này, đường đã có nhiều người đi lại, khách hàng cũng vãn, người bán cũng về để nhập cá, chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai.

Dù chợ chỉ họp trong hơn 3 giờ đồng hồ nhưng những người như ông Thanh, anh Lê Tiến cũng thu về nhiều triệu đồng. Khu chợ trở thành nơi mưu sinh, nuôi sống một số người thất nghiệp.

Anh Tiến cho biết, không chỉ bán cá cảnh, chợ cá "âm phủ" còn nuôi sống nhiều người thất nghiệp, chưa tìm được việc làm.

Anh nói: “Trước đây, chợ ít được người dân ở tỉnh biết đến. Khi đã nổi tiếng, chợ thu hút nhiều thương lái từ khắp nơi đến mua cá cảnh. Nhờ vậy, công việc của chúng tôi đỡ vất vả hơn.

Chợ còn trở thành nơi nuôi sống một số người thất nghiệp. Tôi biết nhiều người trước đó không có việc làm đã mạnh dạn nhập cá về rồi đợi đến sáng đem ra chợ bán mà có thu nhập. Một số khác trở thành người chuyên giao, nhận cá cảnh cho thương lái…”.

LTS: TP.HCM từ 22h đến 6h sáng vẫn náo nhiệt, hoa lệ với những phố đi bộ, quán ăn đêm, quầy bar, quán nhậu… Nhưng cùng khung giờ ấy, thành phố cũng thô ráp muôn kiếp người lam lũ, chật vật trong cuộc mưu sinh.

Tuyến bài TP.HCM về đêm giới thiệu những phận đời, dịch vụ độc đáo chỉ trở mình vào đêm và tất bật, náo nhiệt lúc rạng sáng. Tuyến bài sẽ đem đến cho độc giả một góc nhìn mới lạ.