Trong năm 2024, Quảng Nam xác định phát triển kinh tế số với trọng tâm “Quản trị dựa trên dữ liệu số” là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhấn mạnh khi trao đổi với VietNamNet về lộ trình và mục tiêu thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số...
Ông Hồ Quang Bửu cho biết, về Chính phủ điện tử: Hiện nay, tất cả các đơn vị đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử (không kèm bản giấy) đối với hầu hết các văn bản thông thường. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Kho lưu trữ điện tử dùng chung của tỉnh đã hoàn thành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, đã triển khai hạ tầng, kỹ thuật kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông.
Về Kinh tế số: Trên 50% DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng nền tảng số trong hoạt động quản trị nội bộ, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau; 100% DN phát sinh số thuế phải nộp đã thực hiện nộp thuế điện tử; việc quản lý nhân sự, hàng hóa, thu chi kế toán được thực hiện bằng phần mềm; 100% DN đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử; 100% siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt
Quảng Nam xác định phát triển kinh tế số với trọng tâm “Quản trị dựa trên dữ liệu số” là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số.
Về Xã hội số: Tăng cường phổ cập, khuyến khích người dân sử dụng dữ liệu di động tốc độ cao 4G và sử dụng thiết bị di động thông minh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 76,8% thuê bao điện thoại thông minh.
Hiện nay 18/18 huyện, thị xã, thành phố triển khai thành lập tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, trên địa bàn tỉnh có 241/241 xã đã thành lập tổ công nghệ cộng đồng với 1200 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 6.200 người tham gia.
Hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng được nâng cấp
UBND tỉnh Quảng Nam có kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chỉ số Chuyển đổi số (DTI) một cách bền vững. Đến nay chỉ số DTI của tỉnh đã có chuyển biến như thế nào thưa ông?
-Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số đến cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cũng như tạo được sự lan tỏa, đồng thuận của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng được nâng cấp, hệ thống mạng LAN, máy tính, hội nghị truyền hình trực tuyến, camera giám sát được đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G), thứ 5 (5G).
Tháng 10/2023, tỉnh đã khánh thành Trung tâm tích hợp dữ liệu và Trung tâm giám sát an toàn thông tin tỉnh. Đây là nơi tập trung toàn bộ hệ thống mạng, hệ thống máy chủ phục vụ triển khai các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn toàn tỉnh.
Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được tập trung tại trung tâm nhằm đảm bảo khả năng bảo vệ các ứng dụng, dịch vụ, dữ liệu dùng chung, cũng như tránh tình trạng phát triển ứng dụng, dịch vụ manh mún, riêng lẻ tại các cơ quan, đơn vị.
Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC) đối với các hệ thống của tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống mạng trái phép; thường xuyên hướng dẫn, cảnh báo các đơn vị về các lỗ hổng bảo mật và các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn thông tin. Triển khai hệ thống giám sát mã độc tập trung (EDR) kết nối chia sẻ dữ liệu mã độc về Cục an toàn thông tin theo quy định. Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ về an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh…
Hiện nay 18/18 huyện, thị xã, thành phố ở Quảng Nam đã triển khai thành lập tổ công nghệ cộng đồng
Trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành một số loại hình giao thông thông minh, hạ tầng số hiện đại và dữ liệu số đồng bộ, hoàn chỉnh, mạng 4G/5G phủ sóng 100% các địa phương trong tỉnh, tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Xin ông cho biết về các giải pháp và lộ trình triển khai?
- Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai song song, đồng bộ hạ tầng số với các hạ tầng khác như giao thông, điện, chiếu sáng, công trình ngầm. Các DN phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ…
Tập trung đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng băng rộng, ứng dụng các công nghệ mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng, hạ tầng điện toán đám mây trên địa bàn tỉnh; triển khai sử dụng hạ tầng điện toán đám mây vào các hệ thống thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, đầu tư để mở rộng phủ sóng mạng di động thế hệ mới (5G), giúp tăng cường khả năng kết nối và truy cập Internet ở nhiều khu vực hơn. Xóa các vùng lõm sóng viễn thông để đảm bảo rằng người dân ở các khu vực này có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ số một cách thuận lợi.
Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước
Ông có thể khái quát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đến nay được xếp ở thứ hạng cụ thể như thế nào?
- Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Giai đoạn 2020-2022 Chỉ số PCI tỉnh Quảng Nam xếp hạng nằm trong top 22/63 tỉnh, thành phố và thuộc Top dẫn đầu Vùng duyên hải miền Trung.
Cụ thể ở chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố (năm 2020), xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố (năm 2022). Theo đó, trên 90% DN cho rằng UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh và thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, gần 85% DN cho biết vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời thông qua đối thoại DN…
Trong năm 2023 các cơ quan, địa phương trên toàn tỉnh đã nỗ lực tập trung triển khai nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, các cơ quan ngành dọc, UBND cấp huyện; giữa các đơn vị, bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm gây chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu
Tính đến ngày 15/4, Bộ Chỉ số phục vụ người dân, DN tỉnh Quảng Nam đạt 77,2 điểm, trong tuần đã tăng được 1,2 điểm; xếp vị trí 16/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (số liệu được trích xuất trên Cổng DVC Quốc gia ngày 15/4). So với tuần trước thì tỉnh Quảng Nam đã tăng thêm 1 bậc trên bảng xếp hạng Bộ Chỉ số phục vụ người dân, DN của cả nước.
Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính. UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực, hoàn thành nhiệm vụ…
Trong giời gian đến, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tích cực hỗ trợ, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế số
Chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là phát triển kinh tế với 4 trụ cột: Công nghiệp Công nghệ số, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số. Theo ông đánh giá, trụ cột nào sẽ là thế mạnh của tỉnh?
- Đối với phát triển kinh tế số, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển 4 loại hình DN công nghệ số, trong đó tập trung thúc đẩy các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Khuyến khích các DN trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ số thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về kinh doanh trên nền tảng số, hệ thống trực tuyến, dịch vụ trực tuyến.
Quảng Nam xác định phát triển kinh tế số với trọng tâm là “Quản trị dựa trên dữ liệu số” đây là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số.
Ngươi dân Quảng Nam làm thủ tục trực tuyến trên môi trường số
Ông đánh giá thế nào về nguồn nhân lực số đáp ứng được các mục tiêu trước mắt và dài hạn để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển của tỉnh?
- Hiện trạng nguồn nhân lực CNTT: Tổng số công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách/kiêm nhiệm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh là 336 người, trong đó lực lượng chuyên trách là 92 người (70 cấp tỉnh, 22 cấp huyện); lực lượng kiêm nhiệm là 244 người (1 cấp tỉnh; 2 cấp huyện, 241 cấp xã).
Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT trong các CQNN cấp tỉnh, cấp huyện chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn còn thiếu cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên trách CNTT cấp huyện), chưa có khả năng triển khai các hệ thống ứng dụng tác nghiệp và xử lý sự cố an toàn thông tin.
Trong thời gian qua, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ phụ trách CNTT trên địa bàn tỉnh với các nội dung đào tạo về quản trị, vận hành các hệ thống ứng dụng dùng chung, quản trị trang thông tin điện tử, an toàn bảo mật thông tin, ứng cứu sự cố máy tính, …
Cảm ơn ông!
Nguyễn Hiền(thực hiện)
Thiết kế: Cúc Nguyễn