Theo TS Hoàng Dương Tùng, ô nhiễm không khí, bụi mịn là vấn đề xuyên biên giới, không giới hạn về không gian, thời gian. Nguồn phát thải từ địa phương này nhưng địa phương khác lại hứng chịu do các vật chất trong không khí luôn dịch chuyển không ngừng. 

“Bụi mịn hình thành từ các hoạt động sản xuất, việc đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt, bụi từ các công trình xây dựng, từ công nghiệp, nhiệt điện... gọi chung là bụi sơ cấp. Tình trạng này có từ lâu, và chắc chắn sẽ không bao giờ hết bởi đời sống xã hội luôn duy trì các hoạt động sản xuất.

Hà Nội đã có nhiều văn bản hướng dẫn, quy định rửa xe, rửa lốp trước khi rời công trường; quy đinh che chắn khi xe lưu thông…, nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ chế giám sát” – ông Tùng cho biết.

Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài rất nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định của nhà nước sở tại và những quy định của chính họ. Họ luôn cố gắng để không bao giờ để xảy ra các sự cố trong quá trình sản xuất, thi công xây dựng, bởi nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín, mất chi phía và chi phí cơ hội của nhà đầu tư. 

“Các công trường đều được yêu cầu lắp đặt các thiết bị giám sát để đo tiếng tiếng ồn, đo bụi, đo độ rung… gửi về các cơ quan chức năng giám sát. Khi có chỉ số bất thường, sẽ luôn chủ động để xử lý từ gốc mà không mất thời gian, quy trình để truy tìm nguyên nhân sự cố đó từ đâu. 

Thực tế, chi phí lắp đặt các thiết bị này không lớn và nó cũng được coi là chi phí đầu vào của sản xuất.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta có các công cụ giám sát khác như hệ thống camera giám sát đường giao thông, các phương tiện cũng có camera hành trình; camera giám sát lắp đặt của nhà dân… Việc này giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn nhiều trong việc truy tìm các nguyên nhân/đối tượng xả thải gây ô nhiễm môi trường” – TS Tùng lý giải.

Vì sao nhiều tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn… mặc dù không có nhiều nhà máy sản xuất gây ô nhiễm, không nhiều công trình xây dựng, mật độ phương tiện giao thông thấp hơn các đô thị lớn nhưng vẫn có những thời điểm chất lượng không khí cực đoan, ông Tùng cho hay, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, thậm chí cả nguyên nhân… cháy rừng.

“Ở các địa phương cho đến cấp xã, khi quy mô rác thải sinh hoạt không lớn đủ để xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, điện rác…, giải pháp mà họ thường lựa chọn là xây dựng… lò đốt rác, mỗi xã một lò. Vô hình chung, chúng ta khuyến nghị người dân không đốt rơm rạ để hạn chế bụi mịn phát thải vào không khí, lại công khai xây dựng các nguồn xả thải, và xả thải quanh năm. Điều này cần xem xét lại”.

Năm 2019, số ngày chất lượng không khí Hà Nội cực đoan chiếm hơn 30% tổng số ngày quan trắc; có nhiều ngày AQI màu nâu, màu tím. Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5micron (PM 2.5) nguy hại nhất vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp và hệ thống mạch máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội là từ phương tiện giao thông như ô tô, xe máy; từ các hoạt động sản xuất công nghiệp tại các nhà máy, các làng nghề; từ các hoạt động xây dựng đô thị và từ đốt rác đốt rơm rạ sau thu hoạch. 

Tỉ lệ đóng góp của mỗi nguồn là bao nhiêu thì phải qua kiểm kê nguồn thải mới biết chính xác được. Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy, 800 nghìn ôtô, đây là một trong những nguyên nhân chính. 

Bên cạnh đó, Hà Nội những năm qua đang trong quá trình phát triển “nóng” dẫn đến việc cả thành phố đang như một đại công trường xây dựng, chính vì thế đây cũng là nguồn gốc phát sinh bụi rất lớn.

Trong điều kiện khí tượng không thuận lợi như lặng gió, khí thải lưu cữu ở tầng thấp không phát tán được gây ô nhiễm nghiêm trọng như thời điểm quan trắc năm 2019. Tuy nhiên, khi có gió lớn đẩy lui các vật chất này sang chỗ khác, kết quả quan trắc tại các điểm cố định cho thấy chất lượng không khí thay đổi. 

“Thời tiết không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm mà là yếu tố khách quan làm tăng hay giảm nồng bộ bụi được phát tán từ các hoạt động của con người” – TS Hoàng Dương Tùng khẳng định.

Đánh giá cao việc các cơ quan quản lý ngày càng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, xử lý ô nhiêm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng, TS Hoàng Dương Tùng cho biết, cần cụ thể hoá hơn để các văn bản luật đi vào cuộc sống, từ đó làm cơ sở để những người được giao nhiệm vụ được hướng dẫn thực thi.

“Chúng ta cần cụ thể hoá các hướng dẫn của Luật BVMT, càng nhiều hướng dẫn thì càng có lợi cho dân, cho đơn vị sản xuất, cho nhà quản lý. Trước tiên, Bộ phải cụ thể hoá các vấn đề trong Bộ trước. Bảo vệ môi trường chúng ta có 1 Bộ Luật, 1 nghị định, 1 thông tư, tới đây là có một bộ hướng dẫn cụ thể, tập huấn cho các địa phương về vấn đề ô nhiễm không khí. 

Ngoài ra, công tác đào tạo cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không khí cần được chú trọng, vì hiện tại, đến cấp huyện vẫn chữa có cán bộ chuyên trách lĩnh vực này.

Chúng ta đã triển khai một số biện pháp, có ban hành luật, các nghị định về kiểm soát nguồn thải, Quyết định 985a của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong đó đã đưa ra một số chương trình hành động.

Tuy nhiên việc triển khai các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí còn rất chậm, không mấy hiệu quả”. 

Ông Tùng nêu ví dụ: Như việc kiểm soát khí thải xe máy, mặc dù Thủ tướng cũng đã có quyết định từ mấy năm trước nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện được. Thanh tra xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại, việc thực thi pháp luật không nghiêm. 

Hay đốt rơm rạ, rác đã nói nhiều nhưng không kiểm soát dù chuyện đó đang diễn ra hàng ngày. Các làng nghề tua tủa xả ống khói, mọi người nhìn thấy cả nhưng tại sao nó vẫn cứ ngang nhiên? Tình trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp quyết liệt. 

Tới đây, cần phải kiểm soát chặt chẽ khí thải của 25 nhà máy nhiệt điện chạy than hiện nay và các nhà máy nhiệt điện trong tương lai; của khoảng 60 nhà máy xi măng và cũng khoảng đấy nhà máy sản xuất thép.

Tiến hành ngay việc kiểm soát khí thải xe máy, trước hết tại các đô thị lớn. Từng bước tăng cường phương tiện giao thông công cộng. Giải quyết ngay với các làng nghề tái chế giấy, kim loại, nhựa; Cương quyết với chuyện đốt rác, không che chắn tại các công trình xây dựng… Mỗi việc một chút, từng bước, mới hy vọng dần dần giải quyết được vấn đề.

“Giải quyết ô nhiễm không khí không thể là câu chuyện một sớm, một chiều. Đây là công việc có tính lâu dài. Đừng có nghĩ là năm nay ô nhiễm, năm sau có thể giảm ngay được. Nhưng cũng vẫn phải làm bởi có đi thì mới có đến. Nếu chúng ta không có động thái thực sự thì sẽ rất gay.

Người dân đốt rơm rạ ngoài đồng là một trong các nguyên nhân gây ra ô nhiễm khói bụi

Các cơ quan nhà nước cần phải đưa ra các biện pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Phải tích hợp nhiều giải pháp khác nhau, mỗi giải pháp sẽ giảm thiểu một chút. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân”.

“Mỗi việc một chút, từng bước, mới hy vọng dần dần giải quyết được vấn đề” - Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng nói.

Mạng lưới quan trắc: Ít và thiếu sự chia sẻ giữa các địa phương

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Việt Nam đã có hệ thống quan trắc tự động kết hợp với quan trắc định kỳ lấy mẫu và phân tích ở phòng thí nghiệm từ những năm 1990. Điều này cho thấy chúng ta ý thức việc quan trắc không khí để có số liệu và đánh giá chất lượng không khí từ rất sớm.

Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, hệ thống quan trắc không khí vẫn chưa phát triển được theo những gì mong muốn. Hiện nay, cả nước mới có 7 trạm quan trắc quốc gia.

Nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh… đầu tư lắp đặt trạm quan trắc nhưng các số liệu chưa được chia sẻ. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thúc đẩy phát triển xây dựng mạng lưới quan trắc nhiều hơn để có thể chia sẻ số liệu đến người dân được nhiều hơn.